Chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
  

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 108/CĐ-TTg ngày 18/10/2024 về việc đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3; ngày 04/11/2024, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 11784/UBND-NN yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực, sản phẩm còn dư địa phát triển (nhất rau màu, hoa, gia súc, gia cầm, thủy sản, sản phẩm gỗ...), phấn đấu sản lượng tăng 10% so với kế hoạch đã đề ra nhằm bù đắp sụt giảm, nhất là việc giúp đỡ, hỗ trợ cho các khu vực, địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai.

Tổ chức theo dõi, giám sát, nắm chắc tình hình thúc đẩy sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp, nhất là việc cung, cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu, giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn để chủ động có giải pháp bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống thiên tai, bão lũ; chuẩn bị phương án khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, đơn vị bị thiệt hại do thiên tai; nghiên cứu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng linh hoạt, hiệu quả, thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương rà soát kế hoạch sản xuất nông nghiệp, tập trung gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch các đối tượng cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, lợi thế, còn dư địa phát triển như rau màu, hoa, gia súc, gia cầm, thủy sản, gỗ rừng trồng; phấn đấu sản lượng tăng 10% so với kế hoạch đề ra. Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật rà soát toàn bộ diện tích hoa màu, phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ giải pháp thúc đẩy sản xuất, đảm bảo sau khi thu hoạch phải gieo trồng lại ngay, không bỏ đất trống. Tập trung chỉ đạo gieo trồng lúa vụ Đông Xuân 2024-2025 đảm bảo khung kịch thời vụ, ưu tiên các loại giống lúa chất lượng, chống chịu sâu bệnh, ngã đổ. Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói rét đối với đàn gia súc, gia cầm; triển khai công tác tiêm phòng theo tiến độ đề ra; tăng cường tái đàn, đảm bảo tổng đàn tăng 10% so với kế hoach. Chi cục Thủy sản khuyến cáo ngư dân chủ động thu hoạch các đối tượng nuôi trước mùa mưa bão, không để thụ động, gây thiệt hại đối với thủy sản nuôi, nhất là nuôi lồng bè, đầm phá. Tăng cường hướng dẫn kỹ thuật nuôi, quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản; ưu tiên nuôi trên cát các đối tượng tôm, thẻ, cá dìa, cá kình. Kịp thời thông tin dự báo thời tiết cho ngư dân khai thác biển để chủ động neo đậu, tránh trú bão an toàn. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm theo dõi, hướng dẫn các địa phương tăng cường khai thác gỗ rừng trồng, phấn đấu sản lượng tăng 10% so với kế hoạch đề ra. Chú trọng công tác trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng bền vững, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng cây bản địa để từng bước nâng cao chất lượng rừng. Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi xây dựng phương án chống úng, góp phần phát triển các diện tích hoa màu, đặc biệt là đảm bảo khung lịch gieo trồng lúa vụ Đông Xuân 2024-2025.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, địa phương, đơn vị liên quan chủ động tổ chức theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả các mặt hàng nông sản, nhất là tại các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng do bão, mưa lũ; kịp thời triển khai các biện pháp điều tiết, bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng đẩy giá, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi. Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các Bộ, cơ quan có liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ cần thiết nhằm đẩy mạnh khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở chế biến, logistic và kho bãi bị hư hại do bão, mưa lũ để bảo đảm không bị gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm và mục tiêu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp ở các vùng, địa phương không chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

Sở Tài chính chủ trì, cân đối ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để đẩy mạnh khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/02017 của Chính phủ và các thiệt hại khác khi xảy ra thiên tai. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ tài chính, miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước... đối với các địa phương, đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão, lũ, nhất là sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật; tiếp tục nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất kiến nghị các Bộ, cơ quan có liên quan chính sách miễn giảm phí, lệ phí cho các đối tượng bị thiệt hại.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh các biện pháp tổng hợp; điều chỉnh, phân bổ, hỗ trợ các nguồn lực, dự án để hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực, sản phẩm còn dư địa phát triển (nhất là hoa màu, gia cúc, gia cầm, thủy sản, sản phẩm gỗ,...) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đạt mức tăng sản lượng và giá trị cao hơn 10% so với kế hoạch đã đề ra nhằm bù đắp sụt giảm ở các khu vực, địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai.

Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các sở, ban, ngành khác có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai rà soát các phương án ứng phó với thiên tai từ nay đến cuối năm 2024. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị, địa phương mình.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác