Lê Ngô Cát
  
Cập nhật:26/12/2024 12:00:00 SA

1. Vị trí con đường

Đường Lê Ngô Cát nằm trên địa bàn phường Trường An và phường Thủy Xuân, phía Tây Nam Kinh thành, khởi đầu từ đường Điện Biên Phủ (điểm tiếp giáp trước mặt Đàn Nam Giao), chạy qua khu nghĩa trang Từ Hiếu đến đường Huyền Trân Công Chúa (phía sau lăng Tự Đức), dài 2202m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này hình thành vào đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Đàn Nam Giao, đến giữa cuối thế kỷ 19 khởi công xây lăng vua Tự Đức nên được mở rộng thêm. Nguyên là đường làng, thuộc huyện Hương Thủy, đến tháng 9/1981 mới sát nhập vào thành phố. Trước 1976 thường gọi là đường đi lăng Tự Đức. Trước năm 1995 là đường Nam Giao. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên là đường Lê Ngô Cát.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Lê Ngô Cát (Đinh Hợi 1827 - Bính Tý 1876) Lê Ngô Cát là danh sĩ, nhà sử học triều Tự Đức, tự là Bá Hanh, hiệu Trung Mại, quê ở xã Hương Lang, huyện Chương Đức (nay là Chương Mỹ, Hà Tây). Năm 1848 ông đỗ Cử nhân, sơ bổ Giáo thọ phủ Kinh Môn (Hải Dương), thăng dần lên Tri huyện Thất Khê, Lạng Sơn, Hàn Lâm viện biên tu làm việc ở Quốc Sử quán. Rồi được bổ làm án sát Cao Bằng, ít lâu sau được triệu về Kinh dự vào việc hiệu đính Việt Sử Ca hay Sử Ký Quốc Ngữ Ca tức Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca. Lê Ngô Cát rất sính thơ lục bát. Truyền rằng, khi ông dâng tập Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca lên vua Tự Đức, nhà vua đọc đến đoạn Triệu Thị Trinh cỡi voi đánh quân Ngô, vua phê "Như thế hèn cho đàn ông nước Nam lắm", rồi ban thưởng cho Lê Ngô Cát tấm lụa và hai đồng tiền. Ông có câu tự biếm: "Vua khen thằng Cát có tài Thưởng cho cái khố với hai đồng tiền". Ông không ham màng công danh, nên chẳng bao lâu thì cáo quan lui về vui thú điền viên. Ông mất tại Cao Bằng, hưởng dương 49 tuổi. Chùa Liên Hoa, Trần tộc từ đường (nhà thờ họ của nhà văn Trần Thanh Mại), Nhà văn hóa lao động, Khu mộ Tháp Yết Ma, Cõi Lạc Thiên (khu mộ địa của Phủ Tùng Thiện Vương), Nhà thờ họ Nguyễn Hữu, Tổ đình Từ Hiếu, UBND xã Thủy Xuân, Chùa Từ An, Bảo Quang, Hòa Quang, Trường Tiểu học Thủy Xuân nằm trên đường này.


Đường Lê Ngô Cát

 

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối