Ưu tiên hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế
  
Tạo tiền đề cùng với cả tỉnh đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2024, thành phố Huế đã tập trung nguồn lực triển khai nhiều chương trình, dự án (DA) trọng điểm…
Không gian hai bờ sông Hương được đầu tư hoàn thiện, tạo thêm địa điểm vui chơi, dạo bộ của người dân và du khách
Không gian hai bờ sông Hương được đầu tư hoàn thiện, tạo thêm địa điểm vui chơi, dạo bộ của người dân và du khách

Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố Huế đã tập trung triển khai các DA kết nối đô thị, giao thông, thoát nước, lề đường, điện chiếu sáng, hạ tầng cụm công nghiệp, công viên cây xanh, đồng thời tăng cường các tiện ích đô thị như hệ thống đường đi dạo, bãi đỗ xe, camera giám sát, nhà vệ sinh công cộng… tạo đột phá về hạ tầng, không gian, cảnh quan du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Mặt khác, tiếp tục đầu tư tăng cường, đảm bảo cơ sở vật chất các trường học; bảo tồn, tôn tạo các di tích do thành phố quản lý. Theo đó, giải ngân vốn xây dựng cơ bản 10 tháng đầu năm 2024 đạt 438,6/733,1 tỷ đồng, đạt 59,8% kế hoạch.

Trong 6 tháng đầu năm, 7 DA trọng điểm của thành phố được đẩy nhanh tiến độ; các khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng được tập trung tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ, gồm DA đền bù GPMB các DA Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế (phần mở rộng), Green City, tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương...; DA Cải thiện môi trường nước (phần vốn dư); DA Thành phố Văn hóa và Du lịch thông minh; nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu… Ngoài ra, công tác thẩm định điều kiện đền bù và phương án bồi thường hỗ trợ, thu hồi đất, giao đất tái định cư đối với các DA giải tỏa trên địa bàn thành phố được thực hiện, đặc biệt là công tác đền bù tại các DA trọng điểm của thành phố, của tỉnh trong năm 2024.

Việc khai thác, duy tu sử dụng kết cấu hạ tầng, tổ chức phân luồng giao thông tại các tuyến đường, bổ sung, thay thế biển báo hiệu giao thông đường bộ trên địa bàn cũng như xử lý các vấn đề bất cập trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) cũng được thành phố triển khai. Qua đó, rà soát, thống kê hệ thống ATGT khu vực trường học tiếp giáp với các tuyến đường huyện, nội thị, đường liên thông xã trên địa bàn thành phố quản lý.

Vừa qua, thành phố đã hoàn thành cưỡng chế theo đúng pháp luật để giải phóng mặt bằng dự án cầu vượt sông Hương Nguyễn Hoàng, dự án hoàn trả Tỉnh lộ 12B…


Tháng 11/2024, thành phố Huế đã hoàn thành cưỡng chế theo đúng pháp luật để giải phóng mặt bằng dự án cầu vượt
sông Hương Nguyễn Hoàng, dự án hoàn trả Tỉnh lộ 12B…

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, thành phố tiếp tục nâng cao công tác quy hoạch (QH) và xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ các DA trọng điểm, đặc biệt trong công tác GPMB, duy trì và nâng cao công tác quản lý đô thị và vệ sinh môi trường. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành, trình thẩm định phê duyệt các QH phường, xã sáp nhập vào thành phố đảm bảo phủ kín đồ án QH phân khu trên địa bàn thành phố và các đồ án điều chỉnh QH các phường (thuộc thành phố trước đây) trình thẩm định theo kế hoạch đề ra; điều chỉnh QH sử dụng đất giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình HĐND thành phố làm cơ sở triển khai theo đúng tinh thần của Thông tư 01 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tạo tiền đề cùng với cả tỉnh đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA trọng điểm của tỉnh, thành phố, đặc biệt là các DA Di dời dân cư, GPMB khu vực 1 di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế (phần mở rộng), Green City, tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; DA nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu; các DA tại Khu A - B - Khu Đô thị mới An Vân Dương; các DA QH phân khu… Tiếp tục thực hiện công tác quản lý đô thị theo hướng văn minh, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng mất ATGT, ùn tắc giao thông cục bộ, tăng cường xử lý các vi phạm về ATGT trên địa bàn.

thuathienhue.gov.vn (CTV)
 Bản in]