Tối 13.6, tại bãi bồi cầu Gia Hội, hướng ra sông Hương (TP Huế), chương trình nghệ thuật bế mạc đã khép lại Festival Huế 2010.
Hội tụ và lan tỏa
Tại cuộc họp báo giữa kỳ festival, ông Ngô Hòa - Phó chủ
tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng ban tổ chức Festival, cho biết: "Thành
công mà Festival Huế mang lại không phải là những con số về lượng khách, về
nguồn thu mà là sức lan tỏa của những giá trị văn hóa Huế và VN đến với bạn bè
khắp 5 châu". 
Festival Huế giờ đây đã lan tỏa và hội tụ qua các chương
trình nghệ thuật đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và nền văn hóa khác nhau.
Chương trình nào cũng hấp dẫn và độc đáo. Chẳng hạn đoàn nghệ thuật cà kheo của
Vương quốc Bỉ xuất hiện ngộ nghĩnh trên đường phố Huế thu hút sự chú ý của khán
giả. Dù đã góp mặt ở kỳ festival 2008, các nghệ sĩ cà kheo Bỉ vẫn quay lại tái
ngộ cùng công chúng tại festival năm nay.
  |
Đoàn cà kheo Bỉ xuất hiện vui nhộn trên
đường phố Huế - ảnh: B.N.Long |
Rồi các nghệ
sĩ đường phố Pháp rong ruổi qua các điểm diễn trên những chiếc xe do máy cày kéo
đã làm công chúng Huế vô cùng thích thú nghệ sĩ guitar Paco Renteria (Mexico)
thì làm nức lòng khán giả với phong cách âm nhạc La-tinh sôi động, tự nhiên và
cuồng nhiệt. Khán giả Huế dù rụt rè đến mấy vẫn không thể kìm nổi nhịp nhảy
trước tiếng đàn guitar của nghệ sĩ Paco Renteria, hay không thể bỏ qua các tiết
mục của đoàn múa Odissi (Ấn Độ), đoàn Jedliniok (Ba Lan), ban nhạc jazz Kimotion
Vs2 (Mỹ), vũ đoàn Raduga Divertisment - Flamingo (Nga), đoàn múa rối TOF (Bỉ)...
Bên cạnh đó là các ngôi sao, nghệ sĩ tên tuổi trong nước
cũng hội tụ về festival như Phó A My với cuộc "hôn phối" giữa piano và tuồng
Việt, hay giọng hát trong trẻo trong tiếng guitar đầy triển vọng của cô gái 19
tuổi Lê Cát Trọng Lý rồi Ánh Tuyết cùng tiếng dương cầm lão luyện của nhạc sĩ
Nguyễn Ánh 9 và các nghệ sĩ trong chương trình Trịnh Công Sơn... Mỗi đoàn để lại
cho công chúng cảm nhận và ấn tượng riêng về sự đa dạng của các nền văn hóa.
Vẫn còn những "hạt sạn"
|
Theo thống kê của Ban tổ chức,
Festival Huế 2010 đã thu hút một lượng khách du lịch đông kỷ lục: hơn 120.000
lượt khách trong 9 ngày đêm (tăng gần 30% so với năm 2008), trong đó có hơn 38
ngàn lượt khách quốc tế. Đặc biệt lần đầu tiên, lượng khách châu Âu chiếm đến
34% tổng khách nước ngoài, số còn lại đến từ Tây Bắc Á (hơn 14%), châu Mỹ (hơn
14%), Việt kiều (hơn 12%). |
|
Tại buổi họp
báo giữa kỳ Festival Huế 2010, ông Phùng Phu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di
tích cố đô Huế, đơn vị thực hiện 4 chương trình lễ hội cung đình, gồm: Lễ tế
Giao, Đêm Hoàng cung, Hành trình mở cõi và Huyền thoại sông Hương, tiêu tốn hơn
12,7 tỉ đồng - cho rằng: "Chúng tôi cố gắng tiến đến khôi phục ngày càng chân
xác hơn các lễ hội cung đình". Thế nhưng, tính chân xác ấy vẫn chưa được thực
hiện một cách nghiêm túc.
TS Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng cổ vật
cung đình Huế, phát biểu: "Quan điểm của tôi trước sau như một, đó là ủng hộ
việc khôi phục các lễ tế Nam Giao, Xã Tắc... vì ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nó.
Tuy nhiên, phải phân biệt đó là sản phẩm du lịch hay là các lễ tế thật. Nếu là
sản phẩm du lịch thì cần phải cho công chúng, du khách vào xem để bán vé, thu
tiền và ở đó anh có quyền thêu dệt, có quyền sáng tạo. Còn nếu khôi phục lễ tế
thật thì cái gì lịch sử đã khép lại, không nên cố "dựng lên". Bây giờ không có
vua, thì việc gì phải đóng giả, hãy để người dân là chủ thể của lễ hội, còn
chính quyền, các nhà tổ chức là người hỗ trợ. Ở lễ tế như vậy vẫn có thể giữ
nguyên những lễ nghi phẩm tiết, đạo cụ, lễ nhạc... trang nghiêm nhưng chỉ cần
rước bài vị của lễ tế là đủ".
Festival Huế 2010 đã khép lại với lời chào lưu luyến
trên sông Hương, hẹn gặp lại ở Festival Huế 2012. Hy vọng sau mỗi kỳ festival,
các chương trình nghệ thuật và lễ hội sẽ được lựa chọn, chắt lọc, đánh giá và
nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn.