Add Content...

Nguyên liệu chế biến món ăn của các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế
  
Nếp than đặc sản A Lưới
Nếp than đặc sản A Lưới

Các tộc người thiểu số ở Thừa Thiên Huế, do sống trong điều kiện tự nhiên núi rừng, nên việc ăn uống thiên về tận dụng sản phẩm trồng trọt ở nương rẫy và tìm kiếm nguyên liệu từ rừng núi, “Nó phản ánh sự thích ứng trong cách ăn uống của đồng bào trước môi trường sống, điểm nổi bật chính là mang đậm yếu tố tự cung cấp”. Vì vậy nguyên liệu chế biến món ăn của các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế thiên về thực vật. Trong đó phải kể đến lúa nương, bao gồm lúa tẻ và lúa nếp, như lúa tẻ Radư, Cuda, Pinhe, Cupva, Arao Cuhôm, Atria, lúa nếp đen (A tút), nếp than (Kachhăh), nếp trắng (trang), nếp tro (A bum), nếp tím (A muk),… Những năm gần đây, đồng bào còn trồng trọt các loại lúa nước. Tuy nhiên, do địa hình đồi dốc, khí hậu khắc nghiệt, lúa rẫy chỉ cung cấp đủ lương thực từ 5 đến 6 tháng trong một năm nên đồng bào phải bổ sung các loại củ, quả để cung cấp tinh bột cho bữa ăn hàng ngày. Đứng hàng đầu trong các loại củ quả là sắn, tiếp đến là ngô, khoai; sắn thường được trồng ở rẫy, ngô, khoai được trồng trên nương và các bãi bồi ven sông suối. Ngoài ra, vào những tháng giáp hạt đồng bào còn vào rừng đào củ mài, củ nâu, tìm bột báng để sử dụng nguồn lương thực thiếu hụt. Có thể nói, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế, “Nguồn sản vật từ núi rừng đem lại nguồn lợi vô tận đối với người dân địa phương, mà chỉ riêng sự đa dạng của hệ thực vật đã có thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của họ. Từ rễ, củ, thân, lá, hóa trái…, tất cả đều được con người khai thác, tận dụng để làm thức ăn. Chúng vừa giải quyết được nhu cầu no đói thường nhật, đồng thời cũng từ đó, đã hình thành nên nhiều món ăn đặc trưng của đồng bào”.


Nấm Linh chi A Lưới

Thực phẩm của các tộc người thiểu số Thừa Thiên Huế, phần lớn được tìm thấy ở rừng, sông, suối, khe… Đó là các loại rau, củ, quả, như rau khoai, khế, chuối, mít, dứa, bầu bí, đu đủ và các loại rau rừng khác như măng, nấm, rau…Bên cạnh đó, “những người đàn ông trưởng thành phải lên rừng, xuống suối săn bắt chim chuột để phục vụ bữa ăn hằng ngày cho gia đình. Loài vật họ chuộng nhất là chim, chuột rừng, nai, mang, khỉ, chồn hương, con dúi, sơn dương… Tiếp đến là các loại cá, tôm, ốc, ếch và các loại lưỡng cư như chẩu chàng...đánh bắt ở sông suối. Cuối cùng là nguồn thực phẩm gia súc và gia cầm, bao gồm lợn, gà, dê, trâu… Tuy nhiên, các loại thịt này chỉ được sử dụng trong các dịp lễ tết, còn trong bữa ăn thường ngày, chúng ít khi được dùng đến.

Ớt và muối là món gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của đồng bào. Ớt vừa có chức năng khử chất tanh của thức ăn vừa giúp cho con người chống đỡ khí lạnh của núi rừng. Ngoài ra, đồng bào còn dùng “những loại mắm từ nhiều loại động vật được lên men trong ống nứa rừng”. Người dân A Lưới còn sử dụng thành thục một loài kiến vàng có tên A Sao để chế biến món ăn.

Cơ cấu nguyên liệu chế biến món ăn của đồng bào các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế là: lúa gạo (lúa rẫy, lúa nước), sắn, ngô, củ quả rừng, rau quả, cá, tôm, ốc, thịt…

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]