Phát triển chuỗi giá trị và nâng cao khả năng thương mại hóa cho các sản phẩm hải sản vùng Tam Giang – Cầu Hai
  
Cập nhật:18/12/2020 1:05:37 CH
Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học vừa được Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào sáng ngày 18/12/2020. Tham dự và chủ chủ trì Hội thảo có ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN; ông Trương Văn Giang, Phó giám đốc Sở NN&PTNT. Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu đại diện cho các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; đặc biệt là các cơ sở, công ty sản xuất - kinh doanh thủy hải sản trong và ngoài tỉnh.
TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN phát biểu khai mạc Hội thảo
TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo lần này nhằm đánh giá thực trạng, phân tích nhu cầu phát triển bền vững vùng nuôi trồng thủy sản đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (TG-CH) tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ đó đề ra giải pháp phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cá đặc sản đầm phá TG-CH; Bàn luận hướng đến các giải pháp xây dựng vùng nuôi chuyên canh các loại cá đặc sản có giá trị cao vùng đầm phá TG-CH nhằm giải quyết công ăn việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, thực hiện giảm nghèo bền vững gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; Trao đổi, thảo luận về các chính sách, kế hoạch, giải pháp cụ thể để phát triển chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hải sản vùng đầm phá TG-CH.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN khẳng định, Đầm phá TG-CH là tặng phẩm quý giá mà thiên nhiên đã ưu đãi dành cho Thừa Thiên Huế, là hệ sinh thái đầm phá ven biển lớn nhất Đông Nam Á với nhiều hệ sinh thái như biển, rừng ngập mặn và bãi triều, có hơn 900 trăm loài động thực vật; là nơi sinh sống của nhiều loài chim bản địa và nơi dừng chân của các loài chim di cư trú đông từ phương Bắc... Chính vì thế, chúng ta phải có trách nhiệm tìm hiểu, nghiên cứu để gìn giữ và phát huy giá trị của chúng cho cuộc sống con người.


TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN phát biểu tại Hội thảo

Trong thời gian qua, để khai thác tốt tiềm năng của vùng đầm phá, tỉnh đã xác định ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản là chủ lực, qua đó đã hình thành vùng nuôi trồng thủy sản có sự kết hợp 04 nhà (nhà khoa học - quản lý - người nuôi - doanh nghiệp).

Thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, trong thời gian qua, các địa phương và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mô hình phát triển chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn cho một số sản phẩm nông sản như thanh trà, tinh dầu tràm, gia vị bún bò Huế… Tuy nhiên, sản phẩm hải sản có giá trị cao ở vùng đầm phá thì chưa thực hiện theo mô hình chuỗi giá trị. Vì vậy, tại Hội thảo này, các cơ quan chức năng và Sở Khoa học và Công nghệ mong muốn lắng nghe những tham luận, báo cáo khoa học, ý tưởng mới, định hướng cho việc phát triển chuỗi giá trị, nâng cao khả năng thương mại hóa và tiến đến xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hải sản vùng đầm phá TG-CH.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các nhà khoa học, quản lý trình bày các tham luận như: Phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá TG-CH, tỉnh Thừa Thiên Huế; Hiện trạng phát triển nuôi trồng thủy sản và giải pháp quy hoạch vùng nuôi ở tỉnh Thừa Thiên Huế; Bảo tồn và phát triển nguồn giống các loại thủy sản đặc hữu vùng đầm phá TG-CH; Chuỗi thị trường sản phẩm thủy đặc sản đầm phá Thừa Thiên Huế; Ô nhiễm môi trường nước vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai: chất lượng thuỷ sản và nguy cơ rủi ro đối người tiêu dùng

Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo của TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN đã nêu bật tính đa dạng sinh học, tiềm năng thủy sản của vùng đầm phá TG-CH; đồng thời đánh giá những thuận lợi, khó khăn cũng như cơ hội và thách thức trong việc phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá Thừa Thiên Huế.

Phần thảo luận, các đại biểu tham dự đã đề xuất nhiều ý kiến liên quan đến phát triển chuỗi giá trị, cũng như việc tiến đến xây dựng nhãn hiệu chứng nhận của các sản phẩm hải sản vùng đầm phá TG-CH, như việc xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm hải sản sẽ gặp rào càn lớn so với các sản phẩm khác, đó là đặc thù của sản phẩm hải sản là tươi sống, việc đóng gói, bảo quản sản phẩm sẽ là vấn đề khó khăn cần giải quyết; vùng nguyên liệu ngày càng cạn kiệt; môi trường nước ở đầm phá đang đe dọa đến sản xuất nuôi trồng thủy hải sản; người nuôi trồng không chủ động về nguồn giống cũng như đầu ra của sản phẩm là những vấn đề quan tâm của các hộ sản xuất nuôi trồng ở vùng đầm phá.


Đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Các địa phương vùng đầm phá TG-CH có chung quan điểm là: Muốn phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cá đặc sản thì cần phải đảm bảo các khâu, từ vùng nguyên liệu đến bảo quản đóng gói, xây dựng mẫu mã, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tổ chức kênh phân phối, thu mua sản phẩm theo chuỗi giá trị. Theo đó, các địa phương đề nghị ngành nông nghiệp cần xây dựng vùng nuôi chuyên canh các loại cá đặc sản có giá trị cao; hướng dẫn người dân, các cơ sở tăng cường ứng dụng KH&CN nâng cao năng suất chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, phương pháp bảo quản chế biến sau thu hoạch đối với các sản phẩm cá đặc sản

Về xây dựng thương hiệu, các ý kiến cho rằng, cần phải xác định, lựa chọn các sản phẩm đặc trưng của đầm phá để tạo lập, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm cá đặc sản, trong đó tập trung vào các loại cá đặc sản có giá trị cao như cá nâu, cá ông bầu, cá dìa và cá vẩu. Đồng thời phải xây dựng mô hình quản lý và phương án tiếp cận thị trường cho các sản phẩm cá đặc sản có giá trị cao nay. Có ý kiến cho rằng, cần xây dựng nhãn hiệu tập thể chung cho các sản phẩm cá vùng đầm phá TG-CH...

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]