Sáng ngày 06 tháng 12 năm 2019, tại thành phố Huế, Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) đã chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt - Hàn, Hội Công nghiệp phần mềm tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức “Hội nghị Giải pháp dữ liệu mở trong xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định; Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng đã đến dự và chủ trì Hội nghị.
Hội nghị về giải pháp dữ liệu mở trong xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh được tổ chức lần này dịp để tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong chính quyền địa phương, phân tích các xu hướng và kinh nghiệm thực tiễn. Từ đó góp phần định hướng giải pháp công nghệ, thúc đẩy hơn nữa quá trình xây dựng và hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở của tỉnh Thừa Thiên Huế, đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng, dịch vụ chính quyền điện tử, đô thị thông minh theo định hướng của tỉnh, tạo nên các sản phẩm, dịch vụ mới có chất lượng tốt hơn, hình thành hệ sinh thái số, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.
Theo Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) cho biết, chuyển đổi số đã trở thành một xu thế phát triển có sức lan tỏa mạnh mẽ và ảnh hưởng to lớn tới mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân trên toàn thế giới. Đây là cơ hội lớn nhưng cũng là một thách thức không nhỏ để Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là cơ hội để các địa phương nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam - ông Nguyễn Minh Hồng phát biểu chào mừng tại Hội nghị
Trong bối cảnh thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hướng đến mục tiêu phát triển các thành phố thông minh thì nhu cầu giới thiệu hoạt động và khai thác dữ liệu mở của tổ chức hành chính, người dân và doanh nghiệp càng trở nên bức thiết nhằm phát triển chính quyền điện tử, phát triển kinh tế, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp. Lâu nay, các cơ sở dữ liệu hiện hữu vẫn còn nằm rải rác ở các địa phương, sở ngành, chưa được tập trung, việc liên thông và chia sẻ dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc tích hợp các nguồn dữ liệu về một đầu mối làm cơ sở dữ liệu dùng chung hoàn chỉnh là rất quan trọng để các sở ban ngành, doanh nghiệp, người dân tham khảo một cách thống nhất.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định cho biết, trong thời gian tới, việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn làm địa phương điểm để thực hiện và đánh giá nhân rộng mô hình. Đây cũng là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn trong việc định hướng phát triển doanh nghiệp cùng tham gia với chính quyền để xây dựng Đô thị thông minh theo hình thức xã hội hóa.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hướng tới xây dựng một chính quyền điện tử và đô thị thông minh, một trong số đó là Giải pháp về hệ thống dữ liệu mở của tỉnh đã được xây dựng và triển khai thí điểm trong thời gian vừa qua. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các diễn giả trình bày các tham luận và thảo luận các vấn đề như: khuôn khổ, tiêu chuẩn cho chuyển đổi số trong chính quyền điện tử, kinh nghiệm triển khai, nền tảng, chính sách, nhân lực thực hiện và các các vấn đề khác liên quan. Đây là dịp để tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, phân tích các xu hướng và kinh nghiệm thực tiễn từ đó góp phần định hướng giải pháp công nghệ, thúc đẩy hơn nữa quá trình xây dựng và hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở nói chung và của Tỉnh nói riêng. Đồng thời, là cơ hội để mọi người cùng trao đổi, thảo luận phân tích các xu hướng và kinh nghiệm thực tiễn về chuyển đổi số trong chính quyền điện tử.