Hiệu quả từ công tác giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số
  
Cập nhật:09/08/2017 8:31:27 SA
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp quan trọng để bà con ổn định đời sống và thoát nghèo bền vững. Khi rừng được giao cho bà con quản lý, công tác bảo vệ rừng được bà con quan tâm hơn, rừng được phát triển tốt hơn.
Đến năm 2020 diện tích đất rừng tỉnh Thừa Thiên Huế đạt khoảng 293.240 ha
Đến năm 2020 diện tích đất rừng tỉnh Thừa Thiên Huế đạt khoảng 293.240 ha

Đến năm 2016, toàn tỉnh có 225 cộng đồng dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng để quản lý và sử dụng. Trong đó, có 96 cộng đồng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Tổng diện tích rừng được giao cho đối tượng này là 20.254,17 ha chiếm 91,3% diện tích rừng được giao cho các cộng đồng trên toàn tỉnh. Diện tích rừng đã giao được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng là 11.933,92 ha. Trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho các cộng đồng quản lý trên phạm vi toàn tỉnh có khoảng 61% là rừng sản xuất và 36% là rừng phòng hộ.
Đối với việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình dân tộc thiểu số, đến năm 2016, toàn tỉnh có 2.954 hộ gia đình dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng. Trong đó có 2.892 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao cho các hộ này là 3.176,69 ha.
Rừng được bảo vệ
Việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân tộc thiểu số và cho hộ gia đình dân tộc thiểu số đã giúp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày một tốt hơn. Qua trao đổi với một số hộ gia đình và chính quyền địa phương sở tại, phần lớn các ý kiến đều cho rằng giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn, nhóm hộ, hộ gia đình thì công tác quản lý bảo vệ rừng tốt hơn trước khi rừng chưa giao. Ý thức về bảo vệ rừng của các thành viên trong cộng đồng dân cư, hộ gia đình cao hơn, người dân trong thôn không chỉ cung cấp thông tin cho thôn, Trạm Kiểm lâm mà tự họ trực tiếp đấu tranh với kẻ xấu để bảo vệ rừng. Khi phát hiện các đối tượng vào khai thác gỗ, lâm sản, săn bắt, bẫy trái phép thú rừng, nhiều chủ rừng đã tích cực, chủ động phối hợp cùng lực lượng Kiểm lâm sở tại truy quét, ngăn chặn, hạn chế được hiện tượng người dân trong thôn đứng ngoài cuộc trong việc bảo vệ rừng như trước đây. Một số hộ bỏ công sức để theo dõi bắt được đương sự lấn chiếm rừng của mình. Hầu hết trong cộng đồng, nhóm hộ đều lập thành các tổ bảo vệ rừng, tổ chức đi tuần tra định kỳ hoặc đột xuất nhằm bảo vệ diện tích rừng được giao.

Người dân tham gia bảo vệ rừng

Rừng được phát triển
Từ nguồn hỗ trợ của các dự án, tổ chức phi Chính phủ, một số cộng đồng ở các huyện Phú Lộc, Phong Điền, A Lưới, Nam Đông đã nhận được hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng. Đến nay, 73% diện tích rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây là nguồn hỗ trợ tài chính thiết thực nhằm thúc đẩy các chủ thể nhận rừng có động lực quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng được giao.
Không chỉ quản lý, bảo vệ  rừng tốt hơn mà trữ lượng rừng được giao cho cộng đồng dân tộc thiểu số và cho hộ gia đình dân tộc thiểu số cũng được tăng lên rõ rệt. Điển hình như diện tích rừng giao cho thôn Thanh Tân tại huyện Phong Điền năm 2003 trữ lượng chỉ có 46m3/ha thì đến năm 2012 trữ lượng đạt 67m3/ha (tăng lên 27m3/ha).
Một số tồn tại cần tháo gỡ
Nhìn tổng quát, việc giao rừng tự nhiên cho các cộng đồng dân cư và hộ gia đình là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với thực tiễn quản lý rừng hiện nay. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt thì công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Luật bảo vệ và phát triển rừng chưa công nhận cộng đồng là “chủ rừng”; người dân chưa được hưởng nhiều lợi ích kinh tế từ việc quản lý bảo vệ rừng...
Đối với những tồn tại, hạn chế như trên, Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế, thời gian tới cần có một số thay đổi về chính sách và quy định. Cụ thể, cần công nhận cộng đồng dân cư là chủ rừng và được quyền cho thuê dịch vụ môi trường rừng; Cần có Quy định việc xây dựng quy chế quản lý rừng cộng đồng và có chính sách hỗ trợ quản lý rừng cộng đồng. Đối với hộ gia đình, cá nhân thì cần bổ sung quy định về giao rừng cho nhóm hộ gia đình cho phù hợp với thực tiễn quản lý. Về chính sách thì cần sớm sửa đổi Quyết định 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp theo hướng áp dụng cho cả đối tượng là nhóm hộ, cộng đồng dân cư.
Theo kế hoạch phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới  tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020 thì diện tích đất có rừng toàn tỉnh đến năm 2020 đạt khoảng 293.240 ha, trong đó, diện tích rừng sản xuất 128.435 ha. Với nhiều chương trình phát triển rừng của tỉnh cùng với việc làm tốt công tác  giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, tin tưởng rằng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ngày càng được bảo vệ và phát triển, đời sống của bà con dân tộc thiểu số sẽ ngày càng khởi sắc hơn, góp phần đưa các huyện miền núi của tỉnh sớm về đích trong xây dựng nông thôn mới.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối