Ngày 13/9/2022, UBND thành phố Huế phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển Tỉnh tổ chức Hội thảo phát triển giáo dục và đào tạo thành phố Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tham dự có UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Huế Phan Thiên Định; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật; Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Trương Đình Hạnh; lãnh đạo Sở GD&ĐT và các ban ngành, chuyên gia, nhà khoa học và giáo viên trên địa bàn.
Hội thảo tập trung lấy ý kiến tham gia đóng góp hoàn thiện đề án mang tính thực tiễn cao, bổ sung các vấn đề chưa hoàn thiện với 5 nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, bao gồm: Chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ở các cơ sở giáo dục thành phố Huế; nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho học sinh ở các cơ sở giáo dục thành phố; đẩy mạnh giáo dục trải nghiệm, giáo dục stem/steam, kĩ năng sống và văn hoá Huế ở các cơ sở giáo dục; phát triển mạng lưới trường từ mầm non đến trung học cơ sở tại thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Đây là diễn đàn để các chuyên gia giáo dục đến từ các tổ chức giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên của các trường THCS, tiểu học, mầm non trên địa bàn trao đổi, chia sẻ, thảo luận những nội dung, giải pháp định hướng sự phát triển của GD&ĐT thành phố trong thời gian đến.
Tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật nhấn mạnh, để thực hiện đề án này, thành phố đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch từ cuối năm 2021 và tổ chức hội thảo lần 1 để lấy ý kiến nội dung chính của đề án và hoàn thiện đề cương lần thứ nhất trong quý I/2022. Hội thảo đã định hướng quan trọng cho thành phố trong việc hình thành các nội dung cốt lõi của đề án, chiến lược phát triển giáo dục thành phố; trong đó đã xác định rõ mục tiêu chung “Xây dựng hệ thống GD&ĐT thành phố Huế đảm bảo phát triển đồng bộ, chuẩn hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; giáo dục học sinh phát triển toàn diện, có phẩm chất đạo đức tốt, biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - văn hóa Huế, có bản lĩnh để hội nhập quốc tế”.
Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật cũng nhấn mạnh: Giáo dục và Đào tạo đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay. Đảng ta đã khẳng định: “Phát triển giáo dục là quốc sách; đầu tư cho giáo dục và khoa học công nghệ là đầu tư cho phát triển”.
Đến nay, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/3/2012 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn đến năm 2020, Giáo dục và Đào tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng đã có những bước phát triển đáng trân trọng. Cụ thể, quy mô mạng lưới trường lớp từng bước hoàn chỉnh; đội ngũ giáo viên ngày càng được chuẩn hóa; chất lượng tay nghề, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp được nâng cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, với mục tiêu: “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao” theo Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy, Giáo dục và Đào tạo của Thành phố phải thực sự đổi mới, phát triển xứng tầm, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, Thành phố; đáp ứng sự kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân thành phố trong giai đoạn mới.
Khi thành phố đã được mở rộng với quy mô hiện nay theo Nghị quyết 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngành giáo dục đào tạo thành phố Huế cần được nâng lên một tầm cao hơn, cách quản lý mới để tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Đó cũng là căn cứ và mục tiêu mà Thành phố xây dựng “Đề án phát triển Giáo dục và Đào tạo thành phố giai đoạn 2022-2030 và tầm nhìn 2045”.