1. Vị trí con đường
Đường Quốc Sử Quán nằm trên địa bàn phường Đông Ba, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Mai Thúc Loan đến đường Ngô Sĩ Liên, dài 100m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành vào đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Quốc Sử quán. Trước năm 1955 là kiệt Quốc Sử Quán; trước năm 1995 là kiệt I Ngô Sĩ Liên (cũng gọi là kiệt Sử Quán). Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Quốc Sử Quán.
3. Địa danh lịch sử gắn liền với con đường
Quốc Sử Quán là tên một cơ quan chuyên môn tương đương cấp bộ trực thuộc triều đình, đứng đầu là Tổng tài (có khi là quan nhất phẩm kiêm nhiếp hoặc nhị, tam phẩm đảm nhận, tuỳ theo từng giai đoạn) và Phó tổng tài, chịu trách nhiệm trước nhà vua về giám sát công việc chép sử, địa lý địa đồ. Quốc Sử quán có nhiều chuyên viện như toản tu, biên tu, kho đính, đằng lục, thu chưởng. Từ đây đã cho ra đời nhiều bộ sách sử, địa lý đồ sộ của dân tộc. Quốc Sử quán triều Nguyễn được xây dựng năm Minh Mạng thứ hai,1821, trên phần đất làng Diễm Phái xưa - nay thuộc một phần khuôn viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ. Để kỷ niệm một di tích văn hoá lịch sử của dân tộc, chính quyền địa phương đã lấy tên cơ quan Quốc Sử quán đặt tên cho con đường chạy thẳng vào cửa hông phía Nam khuôn viên Trường Nguyễn Huệ (một phần đồn Hộ thành, Nha Hộ thành cũ) là đường Quốc Sử Quán. Nhà thờ họ Nguyễn Văn (tại đây thờ Hàn lâm viện kiểm thảo Nguyễn Văn Khả - nghệ nhân số 1 của nhà Nguyễn dưới triều Khải Định và Bảo Đại, người đã có công lớn trong việc xây dựng lăng vua Khải Định, Cung An Định và tu sửa Đình Thương Bạc. Ông được phong "Đệ nhất xảo thủ", "Ngọc bút châu phê siêu quần bất nhị") nằm trên đường này.