Đình Xuân Hòa - Di tích lịch sử văn hoá
  

Địa điểm: Đình Xuân Hòa tọa lạc tại số 86, đường Nguyễn Phúc Nguyên, tổ 16, khu vực 4, phường Hương Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế

Đình Xuân Hòa là công trình kiến trúc tiêu biểu, hài hòa, được xây dựng bên bờ sông Hương thơ mộng, nằm bên trục đường Nguyễn Phúc Nguyên, xưa là đường thiên lí, hướng đình thoáng đãng, trên bến dưới thuyền. Đình Xuân Hòa được xây dựng, trùng tu bảo quản qua gần 200 năm lịch sử nhờ ý thức của dân làng  nên nó lưu giữ những giá trị tiêu biểu của đình làng xứ Huế.

Giá trị lịch sử: đình làng Xuân Hòa (nguyên là đình làng Hà Khê thời Lê Mạc) là di tích của 1 cộng đồng thời xa xưa và tồn tại đến ngày nay qua những thăng trầm lịch sử. Trước thế kỷ XVIII, nơi đây thuộc vùng “kinh kỳ”, một kiểu nông thôn mang màu sắc thành thị, sát  nách phủ Kim Long, sinh hoạt vùng này phồn thịnh nên giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1666) luôn gọi là “thành phố lớn”. Cuối thế kỷ XVIII, khi Nguyễn Huệ chiếm Phú Xuân (1786), ngôi đình trở thành trung tâm chính trị cổ vũ, động viên cho phong trào Tây Sơn. Chính quanh khu vực này, Nhà Bảo tàng Huế đã phát hiện 1 tấm bia đá khắc khẩu hiệu “Hổ hướng Tây Sơn khởi” (mạnh mẽ nổi dậy hướng về Tây Sơn) bị vùi lấp dưới lớp đất đá. Đinh bạ thời Tây Sơn còn lưu giữ tại làng cho biết dân làng đồng loạt tham gia các chiến dịch lật đổ chúa Trịnh (1786), tiêu diệt nhà Thanh (1789): tất cả tráng đinh đều là lính với tước hầu, tước bá...Trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám (1945) và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngôi đình là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa, nói lên tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân Xuân Hoà, như cuộc vũ trang giành chính quyền ngày 23/8/1945, đặt hòm phiếu cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc Hội đầu tiên của nước VNDCCH ngày 6/1/1946, đặt chất nổ phá hủy thùng phiếu bầu cử Quốc hội lập hiến của chính quyền Sài Gòn tháng 6/1965.

Giá trị nổi bật của đình làng Xuân Hòa là chứng nhân lịch sử của một thời kỳ, một giai đoạn trong quá trình phát triển của Huế; thời kỳ thủ phủ hóa diễn ra từ khi chúa Nguyễn Phúc Lan (1936) dời phủ chính vào tại trung tâm đất Hà Khê, đổi gọi là phủ Kim Long. Xuân Hòa mất hẳn tính nông thôn trở thành vùng ven thành thị. Với hơn 1500 trang tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ tại làng, giúp cho việc tìm hiểu nghiên cứu về thời chúa Nguyễn, Tây Sơn, thời nhà Nguyễn trên vùng đất Phú Xuân Huế.

Bên cạnh giá trị nổi bật về mặt lịch sử, đình Xuân Hòa còn có giá trị về mặt văn hóa, chủ yếu trên lĩnh vực kiến trúc gỗ truyền thống, di tích mang phong cách nhà rường Huế thuần túy 3 gian 2 chái kép. Các đồ án trang trí theo lối nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX, gắn liền với các ngành nghề thủ công truyền thống địa phương như chạm khắc gỗ, khảm sành sứ…Hệ thống tuồng mộc ở đình được bố trí với kết cấu chuẩn mực, hài hòa với hệ thống tuồng nề, chứng minh bàn tay người thợ tinh xảo của thế kỷ trước, qua gần hai trăm năm vẫn chưa chênh vẹo chút nào.  Các họa tiết trang trí như bức bình phong cuốn thư, chạm khắc ở hai đầu trến, kèo, hoa văn đắp nổi ở bờ quyết, đạt đến sự tinh xảo và tính thẩm mỹ cao. Những kiến trúc ấy quyện trong màu xanh cây lá, thoáng đãng của mây trời tạo nên bản giao hưởng hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo rất đúng phong cách thành phố vườn của Huế.

Đình Xuân Hòa ngoài chức năng chính là thờ thành hoàng, vị thần biểu hiện của phong tục, pháp lệ, lịch sử, cũng như hy vọng sống của cả làng. Chính sự thờ phụng này là sợi dây liên lạc vô hình, giúp dân làng đoàn kết, nếp sống cộng cảm hoà đồng, phong tục tập quán được bảo tồn, gắn bó con người với quê hương đất nước. Ngoài ra đình còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá-xã hội của địa phương.

Với những giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử và văn hóa, đình làng Xuân Hòa có một vị trí không kém phần quan trọng trong hệ thống kiến trúc đình làng xứ Huế, một bộ phận hợp thành, gắn bó với quần thể di tích cố đô Huế, di sản văn hóa nhân loại.

Đình Xuân Hòa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định quyết định số 607/QĐ-UBND số ngày 17/03/2011

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]