Phủ đệ ông hoàng bà chúa
  
Cập nhật:13/07/2010 12:00:00 SA

Phủ đệ - dạng nhà vườn đặc thù ở Huế, chủ yếu kiến trúc được thiết kế theo dạng tổ hợp với mô hình chữ Khẩu. Chúng được phân bố từ trung tâm đến nhiều vùng phụ cận quanh Huế với các nếp nhà rường một gian hai chái hay ba gian và lớn hơn là năm gian hai chái, tọa lạc trong một khuôn viên rộng, được bao bọc bởi thành - rào, ẩn mình sau những vòm cổng cổ kính. Tuy là dinh thự của giới quý tộc - thượng lưu, nhưng xem ra, quy mô của phủ đệ không khác, thậm chí có phủ còn nhỏ hơn so với những ngôi nhà rường dân dã, có chăng là nghệ thuật điêu khắc, trang trí nội thất được cung đình hóa.

Cũng như nhiều loại hình nhà vườn Huế - không gian văn hóa của gia đình lớn, hướng nội và ít nhiều mang tính tự cung tự cấp, phủ đệ, ngoài khuôn viên vườn, công trình kiến trúc chính là ngôi nhà rường và những kiến trúc phụ xung quanh phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, đã hình thành nên không gian khép kín bởi những tường thành vững chắc với cổng, bình phong, bể cạn - tất cả chúng là một thế giới thu nhỏ trong không gian tĩnh lặng và an bình của Huế. Ở đây, cách thiết trí cũng như hệ cây xanh trong khuôn viên vườn phủ cũng không khác gì so với những ngôi nhà vườn Huế, đó là tính đa chủng, đa tầng, đa dạng cây trồng, phục vụ cuộc sống chủ nhân trong đa dạng lĩnh vực: thực phẩm, đồ uống, tín ngưỡng - phong tục, gia vị, hương liệu, dược liệu, lá gói, chất đốt, nghệ thuật, vật liệu xây dựng, sinh hoạt...

Dinh thự của các ông hoàng bà chúa, quan lại, hoàng thân quốc thích, đa phần tập trung thành từng cụm, tùy theo vị thế xã hội, dòng tộc..., phân bố chủ yếu ở những khu vực: Vĩ Dạ, Kim Long, Phú Hiệp, Phú Cát... một số nằm rải rác trên địa phận các phường, xã thuộc nội, ngoại thành Huế như: phủ Mỹ Hóa Công (140 Phan Chu Trinh) - Nguyễn Phúc Bửu Lỗi, cháu nội Thụy Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y, con của Nguyễn Phúc Ưng Ái - Ưng Chân (vua Dục Đức), được xây dựng năm 1918, khuôn viên rộng 2.000m² Kiến Hòa Quận Công phủ (134 Phan Chu Trinh) - Nguyễn Phúc Miên Điều (1836 - 1891) - con trai thứ 71 vua Minh Mạng, được xây dựng vào năm 1852, khuôn viên rộng gần 1800m² phủ Hàm Thuận Công (39 Nguyễn Công Trứ) - Nguyễn Phúc Miên Thủ (1819 - 1859) - con trai thứ 9 của vua Minh Mạng, được lập năm 1840, khuôn viên rộng khoảng 2.900m² An Thường Công Chúa từ (29 Nguyễn Công Trứ) - Nguyễn Phúc Lương Đức (1817 - 1891) - con gái thứ 4 vua Minh Mạng, diện tích khuôn viên 3.580m² phủ Tùng Thiện Vương (Phan Đình Phùng - Vĩnh Ninh) - Nguyễn Phúc Miên Thẩm (1819 - 1870), con trai thứ 10 vua Minh Mạng, khuôn viên rộng khoảng 2000m² phủ An Hóa Công - Ngoại Từ Đường (Phan Đình Phùng - Phú Nhuận) - Nguyễn Phúc Bửu Tủng - con vua Đồng Khánh, được lập vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khuôn viên rộng khoảng 1.040m² Hân Vinh Từ Đường (Đình Phương Từ Đường), thường gọi là Nội Từ Đường (Tôn Từ) - phủ thờ Kiên Thái Vương Hồng Cai (1845 - 1876), con trai thứ 26 vua Thiệu Trị - là cha của vua Đồng Khánh, Kiến Phúc và Hàm Nghi, được xây dựng vào tháng 3-1888 phủ Lạc Hóa Quận Công (65 Nguyễn Công Trứ) - Nguyễn Phúc Vũ - con trưởng chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, khuôn viên rộng 150m².

Bên cạnh những dinh thự như đã kể, còn có một số nằm cách xa trung tâm, chẳng hạn, ở khu vực Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên Huế, hiện có bốn phủ, thuộc địa phận hai thôn: thôn Tây Thượng có phủ Định Viễn Quận Vương -Nguyễn Phúc Bính (1797 - 1863), con trai thứ 6 của vua Gia Long, được xây dựng năm 1817 phủ Nghĩa Hưng Quận Vương - Nguyễn Phúc Khê (1539 - 1616) - con trai thứ 10 Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, khuôn viên rộng 1.227m² Khánh Quận Công phủ - Nguyễn Phúc Kỳ - con trai cả của chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên). Thôn Lại Thế có phủ Phù Quang Quận Vương - Tôn Thất Hân (1854 - 1944), đời thứ VI Phòng Cương Quận Công, thuộc hệ V họ Nguyễn Phước, được xây dựng vào đầu thế kỷ XX phủ Lãng Quận Công (thôn Trường Đá, Thủy Biều) - Nguyễn Uông, con cả Nguyễn Kim phủ Huấn Vũ hầu (Lương Quán, Thủy Xuân) - Nguyễn Phúc Thử (1699 - 1763), con trai thứ 9 chúa Nguyễn Phúc Chu, được xây dựng giữa thế kỷ XVIII, khuôn viên 450m² phủ Tương An Quận vương (Nguyệt Biều, Thủy Biều) - Nguyễn Phúc Miên Bửu (1820 - 1854), con trai thứ 12 vua Minh Mạng, được lập năm 1833, khuôn viên 16.500m².

Khu vực có số phủ đệ tập trung khá nhiều là Phú Cát - Phú Hiệp. Ở đây tập trung đến 16 phủ, chủ yếu của những ông hoàng bà chúa con vua Minh Mạng. Phú Cát có phủ Thọ Xuân Vương (tổ 13) - Nguyễn Phúc Miên Định (1810 - 1886), con trai thứ 3 vua Minh Mạng, được xây dựng năm 1823, khuôn viên rộng khoảng 20.000m² phủ Vĩnh Tường Quận Vương (tổ 15) - Nguyễn Phúc Miên Hoành (1811 - 1835) - con trai thứ 5 vua Minh Mạng, được lập năm 1830, khuôn viên rộng 700m² Nghĩa Quốc Công phủ - Nguyễn Phúc Miên Tể (1822 - 1844) - con trai thứ 18 vua Minh Mạng, được xây dựng năm 1840, khuôn viên khoảng 670m² Hoài Đức Quận Vương phủ (6B Nguyễn Du) - Nguyễn Phúc Miên Lâm (1832 - 1897), con trai thứ 57 vua Minh Mạng, được xây năm 1846, khuôn viên rộng 5.500m² phủ Hoằng Hóa Quận Vương (16 Tô Hiến Thành) - Nguyễn Phúc Miên Triện (1833 - 1905) - con trai thứ 66 vua Minh Mạng, được xây dựng vào năm 1850, khuôn viên rộng 2000m² An Thành Vương phủ (15 Chùa Ông) - Nguyễn Phúc Miên Lịch (1841 - 1919) - con thứ 78 vua Minh Mạng, được lập vào năm 1858 Nghi Quốc Công phủ (đường Nguyễn Du) - Hoàng Văn Tích.

Ở Phú Hiệp, riêng đường Nguyễn Chí Thanh đã có đến 4 phủ, đó là Phù Mỹ Quận Công phủ (37 Nguyễn Chí Thanh) - Nguyễn Phúc Miên Phú (1817 -1885) - con trai thứ 8 vua Minh Mạng, khuôn viên rộng khoảng 700m² phủ Tuy An Quận Công (96 Nguyễn Chí Thanh) - Nguyễn Phúc Miên Kháp (1828 - 1893), con trai thứ 41 vua Minh Mạng, được lập năm 1840, khuôn viên rộng gần 10.000m² Ngọc Sơn Công Chúa từ ( 29 Nguyễn Chí Thanh) phủ Phúc Lộc Trưởng Công Chúa (54 Nguyễn Chí Thanh) - Nguyễn Phúc Ngọc Dụ (1762 - 1820) - con Nguyễn Phúc Cổn, khuôn viên rộng khoảng 1.000m² Quảng Biên Quận Công phủ - Nguyễn Phúc Miên Gia (1826 - 1875) - con trai thứ 32 vua Minh Mạng, được lập năm 1848 Hòa Thạnh Vương phủ - Nguyễn Phúc Miên Tuấn (1827 - 1907) - con trai thứ 37 vua Minh Mạng. Ở đường Bạch Đằng, có 2 phủ, đó là phủ Gia Hưng Vương (33 A Bạch Đằng) - Nguyễn Phúc Hồng Hưu (1835 - 1885), con trai thứ 8 của vua Thiệu Trị, được lập năm 1846, khuôn viên rộng khoảng 300m² phủ Gia Hưng Vương B (phủ Ba Cửa) (86 Bạch Đằng) - Nguyễn Phúc Ưng Huy, con Gia Hưng Vương Hồng Hưu, được xây dựng năm 1920, khuôn viên rộng 300m². Ngoài ra ở khu vực này còn có phủ Cẩm Giang Quận Công (78 Nguyễn Chí Thanh) - Nguyễn Phúc Miên Vãn (1832 - 1895), con trai thứ 59 vua Minh Mạng, được lập vào năm 1852, khuôn viên rộng 3000m².

Một khu vực khác được xem là có số lượng phủ đệ tương đối tập trung - khu vực Vĩ Dạ. Hiện còn 7 phủ, đó là phủ Diên Khánh Vương (164 Thuận An) - Nguyễn Phúc Tấn (1799 - 1854), con trai thứ 7 vua Gia Long, được lập năm 1817, khuôn viên rộng 1.125m² Đông Cung Nguyên Soái phủ (An Bình - Vĩ Dã) - Nguyễn Phúc Cảnh (1780 - 1801), con trai cả vua Gia Long, được xây dựng năm 1806, khuôn viên rộng Kiến An Vương phủ (tổ 6 - khu vực I) - Nguyễn Phúc Đài (1795 - 1849) - con trai thứ 5 vua Gia Long, được lập năm 1817, khuôn viên rộng chừng 500m² phủ Kiến Tường Công (tổ 10 - khu vực II) - Nguyễn Phúc Miên Quan (1827 - 1847) - con trai thứ 36 vua Minh Mạng, được lập năm 1840 Lãng Quốc Công phủ (tổ 1 - khu vực I) - Nguyễn Phúc Hồng Dật (Nguyễn Phúc Thăng) (1847 - 1883), con trai thứ 29 vua Thiệu Trị, được xây dựng năm 1865 phủ Phong Quốc Công (220 Thuận An) - Nguyễn Phúc Miên Kiền (1831 - 1854), con trai thứ 55 vua Minh Mạng, được lập năm 1846, khuôn viên rộng 1.100m² phủ Thiệu Hóa Quận Vương (tổ 8 - khu vực II) - Nguyễn Phúc Chẩn (1803 - 1824) - con trai thứ 9 vua Gia Long, được lập năm 1817.

Khu vực Kim Long hiện còn có 8 phủ, chủ yếu là của các văn thần, võ tướng như: phủ Ấn Quang (60 E Kim Long) - điện thờ của họ Đoàn phủ Cẩm Xuyên Quận Vương (51C Vạn Xuân) - Nguyễn Phúc Miên Ký (1838 - 1881), con trai thứ 75 vua Minh Mạng, được lập năm 1859, khuôn viên rộng khoảng 1.100m² Diên Phúc Trưởng Công Chúa phủ (phường Kim Long) - Nguyễn Phúc Tĩnh Hảo (1824 - 1848), con gái cả vua Thiệu Trị, khuôn viên khoảng 4.500m² phủ Đức Quốc Công (2B Kim Long) - Phạm Đăng Hưng (1765 - 1825), khuôn viên rộng khoảng 5.760m² phủ Khoái Châu Quận Công (Xuân Hòa - Hương Long) - Nguyễn Đức Xuyên - công thần triều Nguyễn, khuôn viên rộng chừng 5.000m². Ngoài ra, còn có phủ Phúc Quốc Công (Hồ Văn Bôi) phủ Vĩnh Quốc Công (Nguyễn Hữu Độ) phủ Quy Quốc Công - Tống Phúc Khuông (Vạn Xuân - Kim Long), được xây dựng năm 1806.

Tuy hiện không còn nhiều, nhưng phủ đệ được xem là mảng kiến trúc quan trọng trong quần thể di tích cố đô và nhà vườn Huế nói riêng - dạng kiến trúc mà không phải nơi nào chúng ta cũng có thể chiêm ngưỡng, đây có thể xem là một nét đặc trưng riêng chỉ có ở Huế.

 Bản in]