Làng nghề Đúc đồng Huế
  
Cập nhật:13/07/2015 12:00:00 SA

 

Địa điểm: Làng Đúc đồng Huế nằm ở ven bờ nam sông Hương, đoạn từ cầu Giã Viên lên phía Long Thọ; trên địa bàn phường Phường Đúc và một phần của phường Thủy Xuân (thôn Hạ 2 và thôn Thượng 4), thành phố Huế. Làng nghề hiện nay còn 61 cơ sở sản xuất, trong đó Phường Đúc có 35 hộ, 01 hợp tác xã và 01 Doanh nghiệp Tư nhân; phường Thủy Xuân có 23 hộ, 01 hợp tác xã. 

Làng Đúc đồng ở Huế ra đời có nguồn gốc từ tổ chức của những thợ thuyền cùng nghề Đúc thời Chúa Nguyễn, từ đầu thế kỷ 17. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn - Kinh Nhơn, thủy tổ của nghề này là cụ Nguyễn Văn Lương, quê làng Đồng Xá, Siêu Loại (tỉnh Bắc Ninh ngày nay), khi xây dựng Huế thành Kinh đô, các chúa Nguyễn đã trưng tập thợ khéo cả nước về đây làm những công trình, vật dụng phục vụ nhu cầu của cung đình. Làng Đúc đồng ở Huế xưa kia là làng Dương Xuân, hầu hết dân làng làm nghề Đúc đồng nên từ lâu quen gọi là Phường Đúc (hay Phường thợ đúc). Phường Đúc gồm có 5 xóm là: Trường Đồng, Kinh Nhơn, Bổn Bộ, Giang Dinh, Giang Tiền nhưng chỉ có Kinh Nhơn và Bổn Bộ là hai làng nghề đúc đồng lớn nhất và có danh tiếng.

Rất nhiều sản phẩm của người thợ đúc đồng Phường Đúc khi xưa đã trở thành những kiệt tác di sản trong kho tàng văn hóa vật thể kinh thành Huế như: Vạc đồng ở Đại Nội (1659-1684), Chuông chùa Thiên Mụ (1710), Cửu Đỉnh đặt trước Thế Miếu (1835-1804), Cửu Vị Thần Công đặt trước Ngọ Môn (1803-1804), Chuông chùa Diệu Đế (1846) và rất nhiều các vật dụng thờ cúng bằng đồng từ “trong cung ra ngoài nội” ở Huế. Các chùa ở Huế cũng có rất nhiều tượng phật bằng đồng với niên đại thuộc đầu thế kỷ XX, gần hơn là tượng danh nhân Phan Bội Châu  cao gần 4m đặt ở khu lưu niệm Phan Bội Châu - Huế qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân và người thợ Phường Đúc (1974). Như vậy, có thể thấy rằng trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, với những biến cố của kinh thành Huế và thăng trầm của lịch sử, những người thợ đúc đồng Huế vẫn truyền đời giữ lửa nghề cho đến hôm nay.

Các nghệ nhân hiện nay ở phường Phường Đúc và phường Thủy Xuân cũng rất tài hoa và khéo léo không kém gì ông cha đã cho thấy sự phát triển liên tục của làng nghề cũng như sự liên tục ở đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật của làng Đúc Huế. Tiêu biểu là các nghệ nhân Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Văn Viện, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Văn Trai, Nguyễn văn Tuệ, Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Thuận B, Nguyễn Trường Sơn...


Ngoài các sản phẩm truyền thống đặc trưng (đồ thờ cúng) như: Lư đồng, bát hương, tam sự, ngũ sự, chuông, cồng, chiêng… Các sản phẩm lưu niệm tinh xảo bằng đồng cũng được sản xuất phục vụ người yêu văn hóa trưng bày và khách du lịch như: Tượng danh nhân, trống đồng, bình hoa, các biểu tượng văn hóa tiêu biểu của Huế và đất nước.

Nét nổi bật nhất là những tác phẩm nổi tiếng mang đậm tính nghệ thuật, sống mãi với thời gian của lớp hậu duệ sau này như tượng Trần Hưng Đạo cao 10,2m, nặng 21,6 tấn đặt tại công viên Vị Hoàng (Thành phố Nam Định), tượng Như Lai cao 4,3m đặt tại chùa Kim Thành – Plây Cu (Gia Lai), tượng Bác Hồ đặt tại làng Kim Liên (Nghệ An) và thành phố Huế, tượng Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại An Giang, tác phẩm Trống đồng đặt tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định)... Đặc biệt mới đây, nghệ nhân Nguyễn Văn Sinh và các học trò của ông đã lập kỷ lục trong nghề đúc đồng từ xưa đến nay ở Việt Nam, khi đúc thành công quả chuông Đại Hồng Chung có kích thước khổng lồ cao 5,5m, đường kính 3,7m, nặng hơn 30 tấn, được xem là quả chuông lớn nhất Đông Nam Á.

Chính từ những nét tinh hoa văn hóa đặc sắc của nghề Đúc hội tụ nơi bàn tay tài hoa của người thợ đúc đồng Huế mà từ lâu, Phường Đúc và phường Thủy Xuân đã trở thành một địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Huế. Nhiều du khách nước ngoài khi thăm Đại Nội, Hoàng cung, tận mắt nhìn, tận tay sờ lên những hình đúc nổi tinh xảo ở Cửu Đỉnh, Cửu Vị Thần công… đều không tin đó là sản phẩm của người thợ đúc đồng Huế. Nhưng đến khi được tham quan, chứng kiến thực tế những lò đúc ở phường Phường Đúc, phường Thủy Xuân họ mới thực sự thán phục tài nghệ và chiều sâu nghệ thuật của người thợ đúc đồng Huế.

Với bề dày lịch sử phát triển, đi cùng là những tác phẩm để lại dấu ấn lịch sử, làng Đúc đồng Huế xứng danh là một làng nghề truyền thống cần được bảo tồn và phát triển. Bởi, đây không chỉ là một địa chỉ thú vị cho khách du lịch, cho những nhà đầu tư trong và ngoài nước mà còn là nguồn động viên tích cực cho việc nâng cao tay nghề cũng như tạo hưng phấn, lòng tự hào về nghề của những người thợ đúc đồng Huế ngày nay.

Làng nghề Đúc đồng Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống (Quyết định số 725/QĐ-UBND ngày 16/4/2013). 

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]