1. Vị trí con đường
Đường Nguyễn Thượng Hiền nằm trên địa bàn phường Tây Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Thái Phiên đến đường Trần Nhân Tông, dài 154m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Nguyên là vùng ruộng thấp, sau năm 1960 xây dựng khu dân cư mới, nhân đấy mà mở đường này. Trước năm 1976 là đường Huỳnh Hồng. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đặt lại tên mới là đường Nguyễn Thượng Hiền.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Nguyễn Thượng Hiền (Mậu Thìn 1868 - ất Sửu 1925): danh sĩ, tự là Đỉnh Nam, hiệu Mai Sơn, quê làng Liên Bạt, huyện ứng Hoà, Hà Tây. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, quan lại cao cấp triều Nguyễn. Ông là con rễ của Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết. Năm 17 tuổi ông đỗ Cử nhân, thi Hội trúng chánh cách đỗ đầu, đã xướng danh thì xảy ra Kinh thành thất thủ 1885, chưa kịp vào thi Đình. Năm 1892 lại có kỳ thi Đình ông đỗ Hoàng giáp lúc 24 tuổi. Tuy đỗ cao nhưng ông không làm quan mà về ẩn cư ở vùng núi Nưa, Thanh Hóa. Triều đình nhiều lần triệu mời ông mới nhận chức Toản tu Quốc sử, sau làm Đốc học tỉnh Ninh Bình. Năm 1907, sau khi về chịu tang cha, ông bỏ quan, tìm đường sang Nhật hưởng ứng phong trào Đông du. Từ đấy, kết bạn thân với cụ Phan Bội Châu lo việc cứu nước. Trong thời gian ở Nhật, ông có sang Thái Lan, liên lạc với Công sứ Đức và áo bàn kế đánh Pháp. Nhưng mọi sự nằm ngoài ý đồ của ông. Sau nhiều năm bôn ba với Việt Nam Quang Phục hội, ông sang Trung Quốc rồi vào tu tại chùa Thường Tịnh Quang ở Hàng Châu. Năm 1925, ông lâm bệnh mất tại đó, theo ý nguyện của ông, nhà chùa đem xác hoả táng, rồi rải tro xuống sông Tiền Đường. Phan Bội Châu được tin có làm bài văn tế khóc thương ông rất thống thiết! Ông là nhà chính trị, nhà văn nhà thơ. Thơ văn ông có giá trị lo nghĩ cho nước cho dân, có một vẻ đẹp thanh thoát đầy bản sắc văn hóa Việt. Tác phẩm chính để lại gồm bộ: Nam chi tập, Hạc Thư ngâm biện, Mai Sơn ngâm tập, Nam Hương tập, Mai Sơn ngâm thảo. Ngoài ra ông còn có tập Hợp quần doanh sinh thuyết bằng chữ Hán và bài phú cải lương viết toàn bằng Quốc ngữ kèm theo những câu thành ngữ, tục ngữ rất có giá trị.