1. Vị trí con đường
Đường Nguyễn Chí Diểu nằm trên địa bàn phường Đông Ba, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Đoàn Thị Điểm, chạy qua ngã tư các đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Thánh Tôn, Ngô Đức Kế đến đường Xuân Sáu Tám, dài 652m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành Huế. Từ năm 1955 trở về trước là đường Lục Bộ. Sau năm 1956, đặt tên là đường Hùng Vương. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đổi, đặt lại tên mới là đường Nguyễn Chí Diểu. Dân gian vẫn thường gọi là đường Lục Bộ.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Nguyễn Chí Diểu (Mậu Thân 1908 - Kỷ Mão 1939). Nguyễn Chí Diểu, nhà hoạt động cách mạng, quê ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thuở nhỏ ông học chữ Hán, năm 10 tuổi mới học chữ Quốc ngữ. Năm 17 tuổi vào Trường Quốc Học Huế, trong thời gian này ông liên hệ mật thiết với các nhà hoạt động cách mạng và kết thân với các đảng viên cộng sản trẻ tuổi. Tại đây ông tham gia Đảng Tân Việt, gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1927, ông tham gia cuộc bãi khóa tại Trường Quốc Học. Năm 1928, ông đắc cử Xứ ủy viên Trung Kỳ của Đảng Tân Việt, sau đổi thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Sau ngày thành lập Đảng Cộng sản, ông được điều vào làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, rồi bị bắt, đến 1933 thực dân Pháp mới xử án, phán ông khổ sai chung thân lưu đày Côn Đảo. Tháng 6/1936 ông được trả tự do, nhưng lại bị theo dõi riết, song ông vẫn bí mật hoạt động và lãnh đạo các cuộc đấu tranh trực tiếp ở Huế, và miền Trung. Do bị bệnh nặng, tháng 9/1939 ông qua đời ở tuổi 31. Ông là ủy viên T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương, ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ. Ông an nghỉ tại nghĩa trang mang tên cụ Phan Bội Châu ở dốc Nam Giao, Huế. Năm 1991, ngôi nhà ông ở tại quê đã được ngành văn hóa xếp hạng di tích cấp quốc gia. Di tích Lục Bộ (Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công), Sở Lao động thương binh và xã hội, UBND phường Thuận Thành, Trường Văn hóa nghệ thuật, Đình cổ phường Thái Trạch nằm trên đường này.