1. Vị trí con đường
Đường Nguyễn Biểu nằm trên địa bàn phường Đông Ba, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Đoàn Thị Điểm, chạy qua ngã tư các đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Thánh Tôn đến đường Ngô Đức Kế, dài 551m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành vào đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành Huế. Từ năm 1955 về trước, là đường Bộ Thị. Sau năm 1956 đổi, đặt lại là đường Nguyễn Biểu cho đến ngày nay.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Nguyễn Biểu (Canh Dần 1350 - Quý Tỵ 1413): người anh hùng liệt sĩ đời vua Trùng Quang nhà Hậu Trần, quê ở làng Yên Hồ, huyện La Sơn, nay là làng Nội Diên, xã Đức Diên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ Thái học sinh (tiến sĩ), cuối đời Trần Trùng Quang, được cử làm Điện tiền Thị ngự sử. Năm 1413, tướng nhà Minh là Trương Phụ đánh vào Nghệ An, vua chạy vào Hóa Châu sai ông đến trại giặc điều đình. Trương Phụ nghe tiếng liền sai dọn tiệc bằng đầu người để thử ông. Nguyễn Biểu thản nhiên ngồi móc mắt ăn và ngâm thơ, Trương Phụ ra lệnh giữ ông lại. Ông chửi mắng Trương Phụ tàn bạo và lũ tay sai hèn nhát ôm chân giặc. Ông bị Trương Phụ trả thù, sai trói ông vào chân cầu sông Lam để nước dâng ngập dìm chết ông. Dưới chân cầu ông dùng móng tay vạch vào thân cột cầu tám chữ: "Thất nguyệt, thập nhất nhật Nguyễn Biểu tử". (Nguyễn Biểu tử tiết vào ngày 11 tháng 7). Cảm phục người anh hùng, nhân dân vùng Nghệ-Tĩnh suy tôn ông là Nghĩa Vương. Các triều đại sau cũng đều lập đền thờ và truy phong ông làm Phúc thần. Nhiều di tích thuộc đất Quan phòng xưa nằm trên đường này.