Trả lời:
1. Tổng quan quy hoạch khu Đô thị mới An Vân Dương
a) Quy hoạch chung: Đô thị mới An Vân Dương được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chung tại Quyết định số 1577/QĐ-UB ngày 09/5/2005 với định hướng mục tiêu hình thành khu đô thị phía Đông thành phố Huế với các khu trung tâm dịch vụ thương mại; trung tâm thể dục thể thao, vui chơi giải trí, phục vụ nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng của người dân thành phố cũng như phục vụ phát triển du lịch.
b) Quy hoạch phân khu: Nhằm cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung và làm cơ sở đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng như thực hiện kêu gọi đầu tư các dự án trên phạm vi khu An Vân Dương, UBND tỉnh đã phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 (theo quy định hiện nay được quy định là quy hoạch phân khu) các khu A, B, C, E cụ thể như sau:
- Khu A- Đô thị mới An Vân Dương được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2636/QĐ-UBND ngày 27/11/2007.
- Khu B- Đô thị mới An Vân Dương được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 196/QĐ-UBND ngày 27/11/2009.
- Khu C- Đô thị mới An Vân Dương được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 197/QĐ-UBND ngày 22/01/2009.
- Khu E- Đô thị mới An Vân Dương được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1150/QĐ-UBND ngày 30/5/2018.
c) Quy hoạch chi tiết: Trên cơ sở các đồ án quy hoạch phân khu (quy hoạch chi tiết 1/2000) được duyệt, UBND tỉnh đã triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết các dự án HTKT, tái định cư, các nhà đầu tư được lựa chọn đầu tư triển khai chi tiết các dự án đầu tư xây dựng, phát triển đô thị để làm cơ sở triển khai xây dựng công trình.
d) Về lấy ý kiến đồ án quy hoạch: Trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, các đồ án quy hoạch chung và chi tiết (tỷ lệ 1/2000) đã được UBND tỉnh thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi phê duyệt theo quy định tại Luật xây dựng ngày 26/11/2003.
2. Về điều chỉnh quy hoạch trên phạm vi khu đô thị An Vân Dương
a) Điều chỉnh quy hoạch phân khu: Đồ án quy hoạch phân khu (trước đây là chi tiết tỷ lệ 1/2000) là cơ sở để triển khai đầu tư HTKT đô thị và thực hiện kêu gọi đầu tư. Trải qua thời gian dài thực hiện, các đồ án này cần phải được thực hiện rà soát điều chỉnh theo quy định tại Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 nhằm đảm bảo phù hợp thực tế phát triển kinh tế xã hội và dự báo phát triển trong tương lai. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã quyết định việc điều chỉnh quy hoạch phân khu các khu A , B và hiện nay đang tiếp tục điều chỉnh Quy hoạch phân khu khu C, đô thị mới An Vân Dương. Trong quá trình tổ chức thực hiện điều chỉnh, các đồ án quy hoạch phân khu đã được rà soát đánh giá hạ tầng khung đô thị, đặc biệt là về khả năng thoát lũ để đưa ra các giải pháp tăng cường khả năng đáp ứng như: bổ sung tuyến kênh thoát nước dọc theo tuyến đường Thuỷ Dương- Thuận An (khu A), mở rộng các tuyến kênh dọc theo đường Hoàng Quốc Việt và tuyến kênh nối từ đường Hoàng Quốc Việt về sông Lợi Nông. Về lấy ý kiến đồ án, Ban Đầu tư xây dựng dự án và Phát triển đô thị (đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư lập quy hoạch) đã thực hiện lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các ngành theo đúng quy định.
b) Điều chỉnh cục bộ và tác động đến tình hình ngập lụt: Trong quá trình triển khai thực hiện, một số khu vực cần thiết phải điều chỉnh cục bộ trên cơ sở đánh giá sự cần thiết và điều kiện điều chỉnh quy hoạch theo quy định. Nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch được tiến hành lấy ý kiến các ngành và cộng đồng dân cư theo quy định pháp luật. Qua rà soát, các nội dung điều chỉnh cục bộ chỉ thực hiện trên phạm vi nhỏ của các dự án thành phần và không tác động đến hệ thống hạ tầng khung đô thị. Do đó, các nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch đã thực hiện trong thời gian qua không làm ảnh hưởng đến tình trạng ngập lụt của khu An Vân Dương.
3. Đánh giá tình hình ngập lụt trên phạm vi khu An Vân Dương và biện pháp khắc phục
a) Cao độ san nền khu An Vân Dương:
Về xác định cao độ san nền, theo Quyết định số 1271/QĐ-UBND ngày 13/6/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, cao độ nền khu dân cư được xác định cao hơn mức lũ tần suất P=5% từ 0,3-0,5m. Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng QCVN01: 2008/BXD và QCVN 01:2021/BXD, cao độ san nền tối thiểu của đô thị loại 1 là +0,3m so với mức nước cao nhất theo theo tần suất lũ 100 năm. Như vậy, cao độ khu An Vân Dương được xác định tương ứng trong khoảng từ +3,1m đến +3,9m.
Theo quy hoạch chi tiết (1/2000) các khu A, B, C, E được phê duyệt trong thời điểm 2007-2018, cao độ khu An Vân Dương được khống chế cao độ từ +2,0m đến +2,3m. Do đó, để đảm bảo tiệm cận với cao độ san nền theo quy hoạch chung và quy chuẩn quy hoạch đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến các khu dân cư hiện trạng (có cao độ trung bình +2,0m), tại các đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu Khu A được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 21/02/2019 và Khu B được điều chỉnh tại Quyết định số 497/QĐ-UBND ngày 09/3/2023, cao độ san nền thiết kế được điều chỉnh trong khoảng từ +2,15m đến +3,2m. Các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu được điều chỉnh với cao độ trung bình khoảng +2,64m. Đường Hoàng Quốc Việt có cao độ từ +2,64m đến +2,74m. Đường Thủy Dương- Thuận An có cao độ thiết kế trung bình +2,76m.
b) Giải pháp trong thời gian trước mắt:
Qua rà soát, nguyên nhân ngập lụt tại các khu An Vân Dương chủ yếu do chưa đầu tư hoàn chỉnh các hệ thống kênh thoát lũ theo từng lưu vực. Trên cơ sở thực tế ngập lụt và các kết quả phân tích, Sở Xây dựng đã có Công văn số 3789/SXD-PTĐT&HTKT ngày 27/11/2020 báo cáo UBND tỉnh đề xuất giải pháp cao độ nền giao thông và thoát nước mưa khu đô thị An Vân Dương, trong đó đề xuất một số giải pháp để ngăn chặn tình trạng ngập lụt khi nước dâng ở mức báo động 3 tại trạm Kim Long (+3,5m), ngập lụt cục bộ khi có mưa với lưu lượng lớn, cụ thể như sau:
- Điều chỉnh quy hoạch cao độ nền đường đối với các trục đường chính (liên khu, kết nối với bên ngoài) đảm bảo cao độ mặt đường ≥ 2,64m (hiện nay đã thi công các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu với cao độ trung bình +2,64m).
- Đối với Khu A – Đô thị mới An Vân Dương cần ưu tiên bố trí nguồn vốn, huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng nâng cấp các đường đã hình thành (hiện có) đạt cao độ theo quy hoạch đã được phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 21/02/2019. Trước mắt, ưu tiên thực hiện các trục đường chính tiếp giáp với Khu hành chính tập trung của tỉnh và các tuyến chính kết nối liên khu vực, cụ thể: đường Võ Nguyên Giáp và đoạn nối tiếp đường 24m với cầu Lợi Nông đang xây dựng, đường 26m (đường Âu Lạc) đi qua khu Nhà ở An Đông nối ra Quốc Lộ 1A; đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt và đường Văn Tiến Dũng.
- Đối với hệ thống thoát nước mưa:
+ Đầu tư xây dựng cống băng đường tại các vị trí bị chia cắt, khơi thông dòng chảy tại các vị trí nghẽn.
+ Khơi thông và đầu tư xây dựng nâng cấp các cống băng đường hiện trạng có tiết diện nhỏ, chưa phù hợp với với mặt cắt ướt (mặt cắt thủy lực) của mương, hói nối liền; khẩu độ cống phải tải đủ lượng nước chuyển quan từ các sông đào, mương, hói ở phía lượng lưu;
+ Tổ chức GPMB phạm vi ranh giới các sông đào, mương, hói theo quy hoạch đã duyệt và hạ thấp đáy mương để đảm bảo lưu lượng dòng chảy;
+ Tổ chức đầu tư theo giai đoạn đối với các sông đào, mương thoát; trường hợp nguồn kinh phí hạn chế thì ở giai đoạn đầu ưu tiên đầu tư mương đất với khẩu độ tuân thủ quy hoạch và các cống băng đường, đảm bảo kết nối liên thông (không bị gián đoạn) với các sông hiện có.
c) Giải pháp lâu dài:
Về lâu dài, việc thoát lũ khu đô thị mới An Vân Dương cần phải được nghiên cứu trên diện rộng, đảm bảo dữ liệu tính toán về lưu vực, thủy văn.... Do đó, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập đề án nghiên cứu việc thoát lũ cho khu vực phía Đông thành phố Huế bao gồm cả khu đô thị mới An Vân Dương nhằm hình thành, bổ sung hệ thống sông, sông đào, mặt nước,.., cao trình các khu vực,.. làm cơ sở định hướng phát triển quy hoạch bền vững, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, ngày 30/9/2022, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 858/QĐ-BXD về việc phê duyệt kế hoạch phòng chống thiên tai của Bộ Xây dựng đến năm 2025. Trong đó, đưa ra các giải pháp cụ thể đối với ngành xây dựng trong việc phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng, yêu cầu lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn. Theo đó, đối với những quy hoạch đã có: tiến hành rà soát, bổ sung các nội dung phòng chống thiên tai mà trước đây chưa đề cập tới hoặc đã đề cập nhưng chưa phù hợp với quy hoạch và tiêu chuẩn phòng chống, thiệt hại hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống công trình chuyên dụng cho phòng chống thiên tai. Qua rà soát nếu phát hiện những nội dung nào trong quy hoạch không thể đảm bảo an toàn, không thể phát triển bền vững trước nguy cơ thiên tai thì kiên quyết điều chỉnh. Do đó, sau khi hoàn chỉnh đề án thoát lũ cho khu vực phía Đông thành phố Huế, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng tiếp tục rà soát các đồ án quy hoạch trên khu vực đô thị mới An Vân Dương, để tham mưu triển khai các giải pháp điều chỉnh, nhằm đảm bảo phòng chống thiên tai và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, định hướng đô thị theo hướng phát triển bền vững.