Trả lời:
Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh không có tổ chức, cá nhân nào được cấp phép để hoạt động khai thác cát làm vật liệu xây dựng vì vậy nguồn cát sử dụng trên địa bàn tỉnh chủ yếu nhập từ các địa phương lân cận như: Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Từ nguyên nhân nguồn cát xây dựng khan hiếm, giá cát tăng cao dẫn đến trên địa bàn vẫn còn một bộ phận người dân sử dụng phương tiện thủy nội địa hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, bãi bồi trái phép, tập trung chủ yếu trên sông Hương, sông Bồ gây thất thoát tài nguyên thiên nhiên, sạt lở bờ sông từ đó gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó, Công an tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tình trạng hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động mở các đợt cao điểm, thành lập các Tổ liên ngành để chốt chặn, tuần tra phát hiện, đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép. Đến nay, tình hình hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông đã cơ bản được kiểm soát, không xuất hiện tình trạng khai thác nhiều điểm như trước. Tuy nhiên, do nhu cầu vật liệu xây dựng và thu lợi cao từ khai thác cát, sỏi trái phép nên một số hộ gia đình mưu sinh bằng nghề khai thác cát, sỏi đã thay đổi phương thức hoạt động: sử dụng phương tiện có công xuất nhỏ như thuyền cule, đò..., lợi dụng lúc đêm tối, tại các địa điểm vắng người để lén lút hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép bằng phương pháp thủ công trên các tuyến sông đặc biệt là tuyến sông Hương và sông Bồ.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Công an tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành liên quan, đồng thời chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động, tăng cường nắm tình hình và tập trung các biện pháp nhằm đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm không để tình trạng khai thác cát lòng sông, bãi bồi trái phép trên các tuyến sông phức tạp. Chỉ đạo Công an huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền và Thị xã Hương Trà tiến hành rà soát, lập danh sách chủ phương tiện, phương tiện có gắn các công cụ, máy móc, thiết bị trên các ghe, thuyền nhằm hoạt động khai thác, vận chuyển cát trên tuyến sông Bồ để tiến hành tuyên truyền, vận động tự nguyện tháo dỡ công cụ, máy móc, thiết bị trên các phương tiện nhằm xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát lòng sông trên địa tuyến sông Bồ.
Về giải pháp thay thế vật liệu xây dựng cát sạn dưới lòng sông để đảm bảo ổn định thị trường cát sạn, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND về việc triển khai sử dụng cát nghiền trong các công trình sử dụng vốn nhà nước do UBND tỉnh quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; theo đó thực hiện lộ trình triển khai sử dụng cát nghiền trong các công trình sử dụng vốn Nhà nước do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý, bắt đầu từ năm 2020, không sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu xử lý nền móng. Từ năm 2023 – 2024, phấn đấu đưa vào sử dụng khoảng 50% nhu cầu trên địa bàn toàn tỉnh. Đây được xem là một trong những giải pháp căn cơ để hạn chế việc sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu san lấp đảm bảo ổn định thị trường cát sạn, phục vụ nhu cầu xây dựng ngày càng tăng trên địa bàn.
(Theo Báo cáo số 473/BC-UBND ngày 06/12/2021 của UBND tỉnh)