Trả lời:
Tình trạng lao động qua đào tạo của Thừa Thiên Huế di chuyển đến các tỉnh, thành phố lớn cao hơn so với số lao động nhập cư các nơi khác đến Thừa Thiên Huế và có xu hướng ngày càng gia tăng, chủ yếu ở độ tuổi trưởng thành (từ 25-34 tuổi) và ở nhóm có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Phần lớn lao động từ Thừa Thiên Huế đi đến các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương để làm việc trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin, y tế. Một số lao động di chuyển sang các tỉnh, thành phố khác như thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam làm việc trong các ngành du lịch, lữ hành, lưu trú và ăn uống. Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến lao động di chuyển đó là:
Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và các địa phương khác cũng đã có chính sách hấp dẫn hơn nên đội ngũ nhân lực chất lượng cao đã bị khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và các tỉnh bạn thu hút.
Cơ chế của nhà nước làm hạn chế chính sách thu hút đãi ngộ, doanh nghiệp cũng chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích lâu dài của việc đãi ngộ nhân tài. Hơn nữa mặt bằng thu nhập của Thừa Thiên Huế còn thấp so với các thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng… nên việc thu hút các nhân tài, các chuyên gia đầu ngành của Thừa Thiên Huế còn hạn chế.
Hiện nay, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 13/5/2022 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XVI) về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động và Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong nội dung Đề án cũng đã chỉ ra được tình trạng chảy máu chất xám (tập trung ở nguồn nhân lực chất lượng cao).
Theo đó, để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh sẽ ban hành các chính sách thu hút, đãi ngộ cho lao động có chất lượng cao trên các lĩnh vực, nhằm không chỉ thu hút mà còn giữ chân người lao động có chất lượng cao như:
- Chính sách tiền lương, thưởng thật phù hợp với sự cống hiến của người lao động; có chính sách ưu tiên theo từng cấp độ khác nhau cho những trình độ và năng lực khác nhau và có chế độ ưu tiên cho những nhân tài đặc biệt, những chuyên gia đầu ngành sẽ cuốn hút các nhân tài nơi khác về Thừa Thiên Huế, cần có một chính sách phân cấp rõ ràng giữa các đối tượng hưởng lương.
- Chính sách thu hút, sử dụng tài năng là thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học trên địa bàn tỉnh hàng năm, không phân biệt hộ khẩu ở đâu, có cơ chế chính sách thực sự hấp dẫn cả về vật chất lẫn tinh thần bao gồm từ khâu tuyển dụng, bố trí, sử dụng đến chính sách tiền lương, nhà ở, chính sách đề bạt, cơ hội thăng tiến, giao trọng trách.
- Chính sách về nhà ở: Đây là chính sách quan trọng đảm bảo cho lao động chất lượng cao gắn bó với công việc; tỉnh sẽ có Đề án phát triển nhà ở xã hội trong đó ưu tiên nhà ở cho lao động thu hút của các ngành được tỉnh phê duyệt.
- Chính sách về điều kiện nghiên cứu, làm việc: Đây cũng là điều kiện để cho lao động thu hút gắn bó với nơi làm việc để tỉnh Thừa Thiên Huế giữ chân tốt lao động chất lượng cao; căn cứ các quy định của nhà nước và tình hình thực tế, các ngành sẽ xây dựng quy chuẩn làm việc tối thiểu cho từng lĩnh vực từng ngành nghề để mỗi cơ sở, mỗi doanh nghiệp thực hiện theo quy chuẩn đảm bảo cho lao động phát huy hết năng lực của mình.
- Bám sát các định hướng, nguồn lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở 04 “trụ cột” là trung tâm của vùng và cả nước về Văn hóa - Du lịch, Y tế chuyên sâu, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ và vai trò chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để ban hành các chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp (trong nước và nước ngoài); chính sách thu hút, mời gọi chuyên gia cấp cao từ trong và ngoài nước về làm việc cho tỉnh Thừa Thiên Huế, nhất là chuyên gia có kinh nghiệm quản lý quốc tế, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực công nghệ cao để chuẩn bị sẵn sàng cho việc hội nhập và phát triển trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng tới xây dựng nền kinh tế số.