Địa điểm chợ kháng chiến, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy
  
Di tích lịch sử cách mạng Địa điểm Chợ kháng chiến  (thuộc chiến khu Dương Hòa), xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dương Hòa là một làng cổ nằm về phía tả ngạn nhánh sông Tả Trạch, thế kỷ XVI về trước có tên Dương Hóa thuộc huyện Kim Trà, đến thế kỷ XVII (thời các chúa Nguyễn) được đổi tên Dương Lăng, thuộc tổng Kim Long, huyện Hương Trà, về sau đổi tên Dương Hòa, thuộc tổng Long Hồ, huyện Hương Trà, nay thuộc thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Với lợi thế về địa hình là rừng núi và khe suối, một đầu của vùng đất Dương Hòa gối vào dãy Trường Sơn hùng vỹ, phía cuối là nơi mà dòng sông Hương hợp lưu bởi hai nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch, như cánh tay ôm ấp, che chở vùng lưu vực thượng nguồn tạo cảnh nên thơ và trù phú. Do vậy khu vực Dương Hòa có đầy đủ yếu tố tự nhiên để xây dựng một căn cứ vững chắc cho các cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân Thừa Thiên Huế.

Để giữ vững an toàn các cơ quan đầu não của tỉnh và thuận tiện cho công tác chỉ đạo phong trào cách mạng ở đô thị Huế và các huyện phía Nam. Tháng 5/1948, các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh và các ngành từ chiến khu Hòa Mỹ đều chuyển vào Dương Hòa, từ đây chiến khu Dương Hòa được thành lập và trở thành nơi đóng trụ sở của các cơ quan đầu não kháng chiến của tỉnh. Tại đây, các cơ quan của Tỉnh ủy, Tỉnh đội, Công an tỉnh, Bưu điện, cơ xưởng, nhà in, trường học, ngân hàng, kho tàng, bệnh xá... đã hình thành và đi vào hoạt động. Dương Hòa còn là cầu nối giữa các chiến khu trong tỉnh (nối liền liên khu IV và liên khu V) và nằm trên tuyến đường giao thông Bắc - Nam, từ chiến khu Việt Bắc đến các tỉnh phía Nam, do đó trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đây còn là nơi dừng chân của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như đồng chí Lê Đức Thọ (1949), đồng chí Phạm Văn Đồng (1951), đồng chí Lê Duẩn (1952), cùng các đoàn cán bộ, bộ đội, dân công... đi công tác vào Nam ra Bắc. Chiến khu Dương Hòa ra đời đánh dấu một giai đoạn quan trọng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Thừa Thiên Huế, là một dấu son trong lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

Ảnh hưởng của chiến khu Dương Hòa đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho quân và dân ta hăng hái chiến đấu và chiến thắng quân thù trên khắp chiến trường. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Trung đoàn 101 được xây dựng ngày càng vững mạnh. Phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm, bổ sung sức người sức của cho kháng chiến và đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho quân và dân ta làm bàn đạp xuất phát tiến công địch, làm nên những chiến công hiển hách. Nằm trên địa bàn có nhiều khe suối, sông ngòi, do vậy việc đi lại hay vận chuyển tất cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm... nhằm phục vụ cho nhu cầu dân sinh ở tại đây chủ yếu được vận chuyển bằng thuyền. Theo các nhân chứng kể lại, thì địa điểm Chợ kháng chiến là nơi tập trung các mặt hàng lương thực, thực phẩm được vận chuyển từ chiến khu về Huế và từ Huế lên chiến khu với các mặt hàng như: vũ khí, đạn dược, nhu yếu phẩm, lương thực...  và những loại trái cây như: thanh trà, bưởi, cam, quýt, dâu cùng các loại mật gấu, ngà voi, bọc nhím... Các mặt hàng này được tập kết một chỗ và từ đó phân bổ về các vùng lân cận cùng với việc các chị em tiểu thương đến buôn bán,  quán xá cũng bắt đầu mọc lên như: quầy tạp hóa, quán cà phê giải khát, quán cắt tóc, quán cơm, phở, tiệm ảnh... tạo điều kiện cho việc hình thành ngôi chợ và trở thành trung tâm giao lưu buôn bán giữa đồng bằng với chiến khu, đồng thời là nơi tiếp tế hàng hóa, cung cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho chiến khu.

Địa điểm chợ kháng chiến, xã Dương Hòa, huyện Hương Thủy được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh theo Quyết định số 157/QĐ-UBND ngày 20/01/2010.

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 Trang kế Trang cuối  

Du lịch

Dịch vụ