Kết quả đo đạc bổ sung
  

Nhằm bổ sung dữ liệu cho nhiệm vụ nghiên cứu đặc điểm thuỷ văn - nguồn nước trên toàn bộ các sông của tỉnh, đề tài đã tổ chức khảo sát, đo đạc bổ sung lưu lượng dòng chảy tại 2 sông: sông Ô Lâu ở phía bắc và sông Bù Lu ở phía nam, thời gian đo đạc từ 17-31 tháng 8 năm 2012. Các vị trí được đo đạc bổ sung như sau:

1. Sông Ô Lâu

Vị trí đo lưu lượng trên sông Ô Lâu tại thôn Phong Thu, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Toạ độ vị trí trạm đo như sau:

- Kinh độ: 107,3157

- Vĩ độ : 16,5604

Đoạn sông đặt trạm tương đối thẳng dài khoảng 500m ít bồi xói do hai bên bờ sông được dân trồng tre bảo vệ đất. Độ rộng trung bình khoảng 60 - 70m, mùa cạn độ rộng còn lại khoảng 25-30m. Tốc độ phân bố khá đều trên toàn bộ mặt ngang, không có sự phân nhập lưu. Mặt cắt ngang sông có dạng hình chữ U. Hai bên bờ sông không khống chế được mức lũ đặc biệt lớn như năm 1983 và năm 1999. Độ sâu lòng sông ở mặt cắt lớn tổng hợp hơi lệch sâu về phía phải. Địa chất lòng sông là đá, cát sỏi; hai bên bờ là đất thịt vững chắc. Vị trí đo đạc có diện tích lưu vực là 215km2

- Vị trí quan trắc mực nước của Trạm là tuyến hỗn hợp gồm hệ thống các cọc đóng rất kiên cố được kí hiệu từ C2 đến C4 và 2 thủy chí bằng gỗ nằm ở bờ phải.

- Tuyến đo lưu lượng được bố trí trùng với tuyến quan trắc mực nước.

- Vị trí quan trắc lượng mưa được đặt trước sân nhà dân cũng là nơi làm việc của trạm - rất thoáng đãng và không bị cây cối che khuất, đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật.


Hình 1.2. Tuyến đo lưu lượng nước sông Ô Lâu tại Phong thu

- Kết quả đo đạc như sau:

Trong toàn đợt tổ chức đo đạc được 60 lần, khi đo lưu lượng, trạm dựa vào độ sâu thuỷ trực để bố trí đo theo phương pháp 2 điểm hoặc 1 điểm.

Từ số liệu thu thập được chấm lên biểu đồ 3 yếu tố Q=f(H), F=f(H) và Vbq=f(H), phân tích quan hệ các điểm đo phân bố theo một dải hẹp, theo một quy luật nhất định và nằm trong đường bao 10%. Do đó, chọn phương pháp chỉnh biên tài liệu là phương pháp đường ổn định để chỉnh biên.

Số liệu được nhập đầy đủ và được kiểm tra, sau đó tính toán đường quan hệ Q = f(H). Kết quả phân tích tương quan như sau:

- Hệ số tương quan R2 = 0,99;

- Biểu kiểm tra đường Q= F x Vbq của các thời kỳ phần nước thấp có sai số nhỏ hơn 2,5%. Như vậy, việc xác định đường quan hệ Q= f(H); F= f(H) và Vbq = f(H) cũng đạt yêu cầu.

- Bảng tính sai số đường Q= f(H) có kết quả như sau:

+ Tổng sai số âm: -36,02; số điểm: 30

+ Tổng sai số dương: + 34,24; số điểm: 28

+ Sai số quân phương ə = 1,4 % < 5% (trong phạm vi sai số cho phép). Các đặc trưng đo đạc được từ ngày 17-31/8/2012 như sau:

- Mực nước lớn nhất đo lưu lượng:        Hmax = 890cm ngày 25;

- Mực nước nhỏ nhất đo lưu lượng:       Hmin = 865cm ngày 22;

- Lưu lượng lớn nhất đo được:  Qmax = 6,63 m3/s;

- Lưu lượng nhỏ nhất đo được: Qmin = 1,29 m3/s.

2. Sông Bù Lu

Khảo sát, đo đạc lưu lượng dòng chảy sông Bù Lu được thực hiện tại cầu Đập. Tuyến đo được đặt ở phía phải bờ sông Bù Lu, thuộc thôn Thủy Yên Hạ, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đoạn sông đặt trạm tương đối thẳng ít bồi xói. Độ rộng trung bình khoảng 37-40 m, mùa cạn độ rộng còn lại khoảng 36-37m. Mùa kiệt mặt cắt tuyến được khống chế bởi hai bên móng cầu nên không thay đổi. Địa chất lòng sông chủ yếu là bùn non, hai bên bờ là đất thịt pha cát nhưng được kè bằng đá Granit rất vững chắc.

- Vị trí quan trắc mực nước của Trạm là tuyến hỗn hợp gồm các cọc được đóng kiên cố và 2 thủy chí bằng bê tông nằm ở bờ phải, cách cầu Đập 3m về phía hạ lưu.

- Tuyến đo lưu lượng là tuyến cầu giao thông bắc qua sông (cầu Đập).

- Vị trí quan trắc lượng mưa được đặt trước sân nhà dân cũng là nơi làm việc của Trạm. Vị trí này rất thoáng đãng và không bị cây cối che khuất, đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật.


Hình 1.3. Tuyến đo lưu lượng nước sông Bù Lu tại cầu Đập

Kết quả:

Tổng số lần đo lưu lượng dòng chảy: 60 lần. Phương pháp đo 2 điểm hoặc 1 điểm.

Từ số liệu thu thập được chấm lên biểu đồ 3 yếu tố Q=f(H), F=f(H) và Vbq=f(H) các điểm đo phân bố theo một dải hẹp, nằm trong đường bao 10%. Do đó, chọn phương pháp chỉnh biên ổn định.

Kết quả chỉnh biên như sau:

- Bảng khai toán Q tăng dần đều, thể hiện việc định đường Q=f(H) rất tốt.

- Biểu kiểm tra đường Q = F x Vbq của các thời kỳ phần nước thấp có sai số nhỏ hơn 2%. Như vậy, việc xác định đường quan hệ Q = f(H); F = f(H) và Vbq = f(H) cũng đạt yêu cầu.

- Bảng tính sai số đường Q = f(H) có kết quả như sau:

+ Tổng sai số âm: -58,21; số điểm: 32;

+ Tổng sai số dương: +58,07; số điểm: 21;

+ Sai số quân phương ə = 2,48 % < 5% (trong phạm vi sai số cho phép).

Công trình đo đạc tại trạm Phong Thu- sông Ô Lâu; trạm Cầu Đập - sông Bù Lu ổn định, tài liệu thu thập liên tục và đầy đủ đúng quy trình quy phạm. Số liệu được kiểm tra tính toán tốt, phương pháp chỉnh biên đúng. Tài liệu có đủ độ tin cậy để sử dụng cho các nhiệm vụ nghiên cứu liên quan.

Nguồn: Đề tài KHCN cấp tỉnh
 Bản in]
Các bài khác