Chủ động ứng phó mưa lớn, gió mạnh trên biển, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh
  
(CTTĐT) - Ngày 27/11, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã có công văn số 310/PCTT về việc chủ động ứng phó mưa lớn, gió mạnh trên biển, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã và thành phố Huế; Các chủ hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trong tỉnh.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Những ngày qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, chia cắt giao thông, một số khu dân cư vùng thấp, trũng, ven sông suối, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Theo tin từ Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, hôm nay 27/11, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các nơi ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Vùng biển của tỉnh có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao: 2-4m. Trên đất liền có mưa vừa, mưa to, rải rác mưa rất to. Tổng lượng mưa từ ngày 27/11 đến hết ngày 28/11 tại các địa phương trong tỉnh phổ biến 80-200mm, có nơi trên 300mm; riêng vùng núi Bạch Mã và đỉnh Bạch Mã 200-400mm, có nơi trên 500mm. Nhiệt độ thấp nhất ban đêm ở A Lưới từ 16-18oC; các nơi khác 18-20 oC, đêm và sáng trời lạnh.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, gió mạnh trên biển, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh kính đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai các nội dung sau:

1. Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 120/CĐ-TTg ngày 25/11/2024 về chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ; Tiếp tục thực hiện Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 25/11/2024 của UBND tỉnh về triển khai ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:

a) Tiếp tục rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chủ động cảnh báo, tổ chức di dời dân cư, nhất là người già, trẻ em, phụ nữ, các đối tượng yếu thế ra khỏi các khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, lũ ống.

b) Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, khu vực bị sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập; sẵn sàng phương tiện, lực lượng hỗ trợ nhân dân sơ tán, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.

c) Kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ theo đúng quy định; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khôi phục nhanh các tuyến giao thông, công trình hạ tầng thiết yếu và sản xuất, kinh doanh ngay sau mưa lũ.

d) Tăng cường công tác tuyên truyền phòng tránh tai nạn thương tích đuối nước khi có mưa lũ, ngập lụt; quy định trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện nổi đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông bằng phương tiện đường thủy.

3. Theo dõi sát diễn biến của mưa lớn, gió mạnh trên biển trong những ngày tới được cập nhật trên trang thông tin Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia (https://kttv.gov.vn), Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, Hue-S, trang Facebook Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

4. Thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, bãi ngang ven biển) biết diễn biến của gió mạnh trên biển để chủ động sản xuất và phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

5. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ kiểm tra các phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt; trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc vận hành theo quy trình đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

6. Rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông nhất là khu vực dễ bị chia cắt, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

7. Các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của mưa lũ; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” , không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân và nhà nước.

8. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, Cổng thông tin điện tử tỉnh tăng cường thời lượng đưa tin cảnh báo, dự báo thiên tai, mưa lũ phục vụ kịp thời cho lãnh đạo UBND tỉnh, cơ quan, đơn vị và người dân biết để chủ động ứng phó.

9. Tổ chức trực ban nghiêm túc (24/24h), thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cơ quan, đơn vị và địa phương quan tâm triển khai thực hiện.

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

w.w.w.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]