1. Vị trí con đường
Đường Cao Bá Quát nằm trên địa bàn phường Phú Hiệp, về phía Đông Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Chi Lăng đến đường Nguyễn Chí Thanh, dài 347m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành từ thế kỷ 19, nguyên là con đường đất nhỏ, mở cùng thời phủ ông hoàng tử lập tại đây, lại có bến đò Cạn ở đầu đường phía sông Hương chở khách và hàng hóa, cộng thêm sự phát triển của khu phố thương mại Chợ Dinh, Gia Hội mà đường này sớm mở rộng và có tên, năm 1908 được sát nhập vào thành phố. Thời Pháp thuộc là đường Italie (Rue d’ Italie - đường mang tên nước ý Đại Lợi). Sau 1956 đổi tên lại là đường Tả Duệ - trước đó Tả Duệ là tên gọi dân gian cũng được người dân dùng chỉ đường này. Cuối 1960 đường Tả Duệ được đổi thành đường Cao Bá Quát cho đến ngày nay. Dân gian thường gọi là đường Đò Cạn.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Cao Bá Quát (Kỷ Tỵ 1809 - Giáp Dần 1854) Nhà thơ, danh sĩ triều Thiệu Trị và Tự Đức, tự là Chu Thần, hiệu Cúc Đường, biệt hiệu Mẫn Hiên, quê gốc ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh cũ (nay thuộc xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội), nhưng trú quán ở thôn Đình Ngang, phía Nam thành Thăng Long, một thời gian gia đình dời đến gần chùa Linh Sơn bên cạnh hồ Trúc Bạch. Ông là anh em sinh đôi với anh là Cao Bá Đạt, lớn lên cả hai anh em đều học giỏi, văn chương lưu loát. Năm 1831, Cao Bá Quát thi đậu Cử nhân, sau thi Hội bị trượt. Năm 1841, vào Kinh đô Huế giữ chức Hành tẩu Bộ Lễ, sau thăng chức Lang trung. Vào cuối năm 1841, ông được cử đi làm sơ khảo ở Trường thi Hương Thừa Thiên cùng với Tiến sĩ Phan Nhạ. Phát hiện thấy một số quyển thi hay nhưng phạm húy, mến tài thương người, ông đã tìm cách giúp đỡ, song việc bại lộ, cả hai đều bị bắt giam. Sau đó được tạm tha, cho theo đoàn thuyền đi Nam Dương mua bán, lập công chuộc tội. Khoảng cuối năm 1843, ông bị vua Thiệu Trị thải hồi, ông trở ra Hà Nội, sống trong cảnh an nhàn, thiếu thốn. Cuối năm 1847, vua Tự Đức nghĩ ông là người tài, sai triệu vào Kinh cho làm việc ở Hàn Lâm viện, sưu tầm và xếp đặt văn thư. Trong thời gian này ông kết bạn và giao du với Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Văn Siêu, Miên Trinh, Miên Thẩm. Và mặc dù làm việc ở Kinh, nhưng do tính tình cương trực, không được lòng quan trên nên năm 1850, ông bị đổi ra làm Giáo thụ ở phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, năm sau lấy cớ mẹ già ông xin từ chức để chăm sóc mẹ và có thời gian mưu tính sự nghiệp. Ông làm quan trải qua các triều Thiệu Trị, Tự Đức; một nhà Nho mang tư tưởng "nổi loạn" sau trở thành quân sư nghĩa quân nông dân chống lại triều đình nhà Nguyễn. Việc khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt rồi bị hành quyết cùng với 2 con là Cao Bá Phùng và Cao Bá Thống (một số sách chép ông bị viên suất đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận đánh nhau). Đồng thời ông còn là một nhà thơ xuất sắc của giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX, mà người đương thời phong ông là "Thánh Quát". Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, trong đó có bộ sách Cao Chu Thần thi tập, Cao Chu Thần di cảo, Mẫn Hiên thi tập và những bài ca trù xuất sắc, nổi bật nhất có bài phú Tài Tử Đa Cùng. Với Huế, ông có bài thơ nổi tiếng Hiểu Quá Hương Giang, trong đó có câu: Trường giang như kiếm lập thanh thiên, nghĩa là nhìn con sông như lưỡi kiếm dựng lên giữa trời xanh. Cũng với Huế trong Hương Giang tạp vịnh, ông cũng đã xếp sông Hương là con sông có (nước, bến, mùi tắm) tốt nhất: Nhất đới dục giang giáp đệ hùng (Sông tắm riêng đây xứng hạng đầu). Phủ thờ (Phòng) Kiến Phong Quận Công nằm trên đường này.
Đường Cao Bá Quát nhìn từ đường Chi Lăng