Bùi Thị Xuân
  

1. Vị trí con đường

Đường Bùi Thị Xuân nằm trên địa bàn phường Phường Đúc và xã Thủy Biều, phía Tây Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Lê Lợi (trước mặt ga Huế) chạy qua gầm cầu Lòn, qua hết địa phận Phường Đúc, kéo dài đến đầu làng Lương Quán thuộc xã Thủy Biều, dài 5323m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường hình thành từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, nguyên dạng con đường đất nhỏ, qua thời các vua Nguyễn, đường được sửa sang mở rộng tạo một lối đi thuận tiện dễ dàng cho các đoàn hộ giá, nghinh rước vua quan và các đội tượng mã lên đấu trường Hổ Quyền. Đầu thế kỷ 20, triều đình Huế đầu tư nâng cấp Nhà máy vôi Long Thọ, đường này lại được mở rộng thêm chút nữa. Trước 1945, người Pháp đặt tên là đường Arènes (Rue des Arènes). Riêng đoạn từ cầu Ga đến Nhà máy nước cũ, nơi có nhà ở của ông kỹ sư Bogaert, nên thường được gọi là đường Bồ-ghè (Rue Bogaert). Sau năm 1956 đặt lại tên là đường Huyền Trân Công Chúa (đường Huyền Trân Công Chúa trước 1975 chỉ kéo dài từ cầu Ga đến cầu Lòn trong địa phận của thị xã Huế, phía trên cầu Lòn thuộc huyện Hương Thủy, song dân gian thường cứ gọi là đường Huyền Trân nối dài kéo lên tận nhà thờ Tổ nghề Đúc Đồng). Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đổi, đặt lại tên mới là đường Bùi Thị Xuân. (Tháng 9/1981, xã Thủy Xuân và Thủy Biều mới sát nhập vào thành phố Huế).

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

 

Bùi Thị Xuân (? - Nhâm Tuất 1802) Nữ tướng anh hùng triều Tây Sơn, vợ của danh tướng Trần Quang Diệu, cháu gái Thái sư Bùi Đắc Tuyên, quê ở làng Xuân Hòa, huyện Bình Khê (nay là Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Bà thường được gọi với danh xưng là Đô đốc Bùi Thị Xuân. Bà không chỉ giỏi cầm quân mà còn là một tay luyện voi chiến cực tài. Trong một trận chiến khốc liệt với quân Nguyễn ánh đầu năm 1802 tại lũy Trấn Ninh, bà cưỡi voi, chỉ huy 5000 quân góp mặt dưới quyền vị Thống lĩnh chư quân Nguyễn Quang Thùy, và Tư lệnh tiên phong Nguyễn Văn Kiên đánh lui nhiều đợt tấn công của quân chúa Nguyễn. Giữa trận tuyến, bà anh dũng thúc voi xông thẳng vào đội hình địch, làm cho quân đối phương khiếp vía hoảng loạn. Sau mấy ngày phản công, quân Tây Sơn cũng bị tiêu hao nhiều sinh lực, còn viên Tư lệnh Nguyễn Văn Kiên yếu thế đã đầu hàng quân chúa Nguyễn, bà đành phải nuốt hận lui binh bỏ chạy. Sau mấy tháng ẩn ở vùng núi Nghệ An lo chiêu quân gầy dựng lại nhà Tây Sơn, một hôm, bà cùng chồng bị quân chúa Nguyễn bắt được tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, sau đó thì bị Nguyễn Vương sai đem xử tội, hành hình rất dã man. Ga Huế, Bệnh viện Giao thông Vận tải, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Tỉnh, UBND phường Phường Đúc, Trường THCS Tôn Thất Tùng, Đền Phổ Hóa, Nhà thờ Tổ nghề Đúc đồng, Nhà thờ Phường Đúc, Công ty Khai thác đá, Từ đường Đỗ tộc, Chùa Long Thọ (khuôn hội Dương Biều cũ), Nhà thờ Nguyễn tộc đệ nhất hệ, Di tích Hổ Quyền, Công ty SXKDVL xây dựng Long Thọ, Đình cổ làng Nguyệt Biều, Nhà thờ họ Thân Trọng nằm trên đường này.


Một góc đường

 

 

 Bản in]