Bảo Quốc
  

1. Vị trí con đường

Đường Bảo Quốc nằm trên địa bàn phường Phường Đúc, về phía Tây Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Điện Biên Phủ (ngã ba tiếp giáp phía trên điểm chắn tàu Hỏa) chạy vòng sau ga Huế, đến đường Lịch Đợi, dài 258m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này có từ đầu thế kỷ 19, nguyên là con kiệt nhỏ quanh co đi vào chùa Báo Quốc, chùa Viên Giác và miếu Lịch Đợi Đế Vương, năm 1903 sát nhập vào thành phố. Từ năm 1965 đặt tên là đường Báo Quốc cho đến ngày nay. Không hiểu sao người cắm biển tên đường lại viết chữ Báo thành chữ Bảo? Đường này có khi cũng gọi là đường Lịch Đợi nối dài.

3. Địa danh lịch sử gắn liền với con đường

Báo Quốc Là tên một ngôi chùa, xưa chỉ là ngôi thảo am trên đồi Hàm Long ở ấp Trường Giang, huyện Hương Thủy, nay thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế, do Hòa thượng Giác Phong xây dựng vào khoảng năm Giáp Dần, 1674, đời vua Lê Gia Tông. Dần dần được cải tạo và trùng tu nâng cấp ngôi chùa theo kiểu chữ Khẩu. Năm Đinh Mão, 1747, Quốc vương Nguyễn Phúc Khoát tặng biển đề chữ Sắc Tứ Báo Quốc Tự. Năm Mậu Thìn, Gia Long thứ 7, 1808, Hiếu Khương Hoàng hậu cho trùng tu, xây cổng Tam Quan và đổi tên chùa là Hàm Long Thiên Thọ Tự. Năm 1824, vua Minh Mạng cho lấy lại tên cũ của chùa là Báo Quốc. Cuối năm 1936, Trường An Nam Phật Học được dời từ chùa Thánh Duyên về đây, do Thiền sư Trí Độ làm Đốc giáo. Năm 1948, Phật học đường Linh Quang cũng lại dời về Báo Quốc và do Hòa thượng Trí Thủ làm giám đốc. Hiện chùa có đặt cơ sở của Trường Trung cấp Phật học Thừa Thiên Huế, được thành lập từ năm 1994. Chùa Báo Quốc cảnh trí thâm nghiêm với nhiều cây tháp tổ, lại có giếng cổ Hàm Long, dân gian quen gọi là Giếng Cấm, nước thơm ngọt, xưa nước ấy dùng tiến vào cung để vua dùng: "Nước giếng Hàm Rồng đã trong lại ngọt Em thương anh rày có Bụt chứng tri" Để kỷ niệm tên một ngôi chùa vừa có bề dày văn hóa lịch sử vừa đẹp về kiến trúc nghệ thuật, chính quyền địa phương đã lấy tên ngôi chùa đặt tên lại cho đoạn đường chạy qua trước mặt chính ngôi chùa ấy, đường Bảo Quốc.


 Bản in]