Bà Nguyễn Đình Chi
  

1. Vị trí con đường:

Thuộc khu quy hoạch Hương Long (phường Hương Long)

Điểm đầu: từ đường Nguyễn Phúc Nguyên

Điểm cuối: đường Nguyễn Phúc Chu

2. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Bà Nguyễn Đình Chi (1909 – 1997): quê quán làng Hưng Thạnh, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Thân sinh là ông Đào Thái Hanh. Thân mẫu là bà Trần Thị Giáo. Chồng là ông Nguyễn Đình Chi (1889 - 1940), người làng Chí Long, huyện Phong Điền. Năm 1923 bà ra Huế và học trường Đồng Khánh. Tháng 4-1927, Đào Thị Xuân Yến đã tổ chức lãnh đạo cuộc bãi khoá của học sinh nên bị nhà trường thực dân đuổi học. Bà liền tham gia Nữ công học hội của nữ sử Đạm Phương rồi ra Hà Nội học nghề dệt vải, hưởng ứng phong trào thực nghiệp để canh tân tự cường. Năm 1940 về sống ở phủ An Hiên (thôn Xuân Hòa (cũ) nay thuộc phường Hương Long), bà đã chú tâm kiến tạo An Hiên thành một ngôi nhà vườn cổ tiêu biểu, độc đáo. Sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công giữ chức Phó Chủ tịch Hội Liên Việt Thừa Thiên. Năm 1952 làm hiệu trưởng trường Đồng Khánh, đến năm 1955 bà xin từ chức phản đối chính quyền tay sai thân Mỹ Ngô Đình Diệm đã ép buộc nữ sinh Đồng Khánh đi biểu tình chống cộng và ủng hộ chế độ độc tài Diệm Nhu. Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968) bà thoát ly ra vùng giải phóng, giữ chức Phó Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình thành phố Huế, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ năm 1969 đến năm 1976 là Uỷ viên Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Từ năm 1973-1975 uỷ viên Uỷ ban đòi Mỹ - Nguỵ trao trả đồng bào yêu nước bị giam cầm trái phép. Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam năm 1977 và Đại hội lần thứ hai MTTQVN năm 1983 cử bà làm Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội lần thứ ba MTTQVN năm 1988 làm uỷ viên đoàn chủ tịch. Đại hội lần thứ tư MTTQVN năm 1994 bà được tín nhiệm cử làm uỷ viên danh dự. Bà là đại biểu Quốc hội khoá VI và khoá VII.

 Bản in]