1. Vị trí con đường
Đường ấu Triệu nằm trên địa bàn phường Trường An, về phía Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Phan Bội Châu (cạnh nhà thờ Cụ Phan, đối diện với hông trái chùa Từ Đàm), vòng qua trước chùa Linh Quang ra đến đường Trần Phú, dài 185m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Nguyên là đường kiệt xóm, có từ cuối thế kỷ 19, nền rải đất biên hòa, thuộc xã Thủy Trường, huyện Hương Thủy. Tháng 9 năm 1981, xã Thủy Trường sát nhập vào thành phố, đến tháng 1/1983 nâng cấp lên thành phường. Trước năm 1995 là đường đi vào chùa Linh Quang. Tháng 5/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường ấu Triệu. Dân gian vẫn gọi là đường trước chùa Linh Quang.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Ấu Triệu (? - Canh Thân 1910) ấu Triệu nghĩa là (bà) Triệu trẻ (nhỏ), liệt sĩ cận đại, ý chí kiên cường noi gương Bà Triệu (lớn), tên hiệu do cụ Phan Bội Châu đặt cho bà Lê Thị Đàn, một chiến sĩ hoạt động tích cực trong tổ chức yêu nước chống Pháp của cụ Phan ngay từ năm 1903; là nữ đồng chí đầu tiên của tổ chức hội Duy tân do cụ Phan kết nạp. Bà quê gốc làng An Quán sau lên ở xóm Chỉ, làng Thế Lại Thượng, nay thuộc phường Phú Hiệp, thành phố Huế. Trong quá trình hoạt động bà đã cống hiến và làm được nhiều việc hệ trọng cho hội Duy tân. Bà bị giặc Pháp bắt giam, tra tấn rất dã man nhưng kiên quyết không khai nửa lời. Thực dân Pháp đành giải bà từ nhà lao Huế ra nhà lao Quảng Trị, lại dùng cực hình tra tấn, nhưng vô hiệu. Vào đêm 25/10/1910, bà cắn ngón tay lấy máu viết lên tường nhà lao bài thơ tuyệt mệnh, nội dung toát lên tinh thần yêu nước kêu gọi đồng bào tiếp tục đấu tranh giành độc lập, rồi lấy dây lưng treo cổ tự vẫn. Bài thơ dài ba khổ, xin trích khổ cuối qua bản dịch của nhà văn Đặng Thai Mai: "Lạnh lùng cảnh ngục lúc quyên sinh, Biển rộng đồng không mình biết mình. Chết với nước non em tốt số, Chạnh lòng tủi hổ lũ trâm anh". Cụ Phan Bội Châu nghe tin vô cùng thương tiếc đã tổ chức truy điệu bà. Sau này về ở tại dốc Bến Ngự, cụ Phan cho dựng tấm bia tưởng niệm bà và đặt ngay trong khuôn viên nhà cụ - ở một vị trí trang trọng, nay vẫn còn. Lời minh trên bia cụ Phan viết rằng: "Sống vì nước chết vì nòi Bà Trưng Cô Triệu xưa nay mấy ai". Chùa Linh Quang, Điện thờ mẫu của xóm nằm trên đường này.