Địa điểm trụ sở cơ quan Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế (1942 – 1945) tại nhà đồng chí Lê Minh - Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh
  

Địa chỉ: Thôn Nghi Giang, xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tỉnh ủy lâm thời ra đời là một mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, chiến sĩ, đồng bào Thừa Thiên Huế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Việc chọn nhà đồng chí Lê Minh đặt Trụ sở cơ quan Tỉnh ủy cho thấy tầm nhìn chiến lược của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sáng suốt, bản lĩnh trong việc nhìn nhận tình hình, chọn địa điểm thích hợp để đặt trụ sở. Từ đó, từng bước gây dựng phong trào vững chắc, đưa Thừa Thiên Huế đến thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng 8/1945.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn kịp thời của Đảng, trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc dù hoạt động trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng tính kiên định và lòng dũng cảm hy sinh của những chiến sĩ Cộng sản đã cổ vũ, động viên mạnh mẽ phong trào cách mạng của quần chúng, giữ vững hoạt động liên tục. Trong số đảng viên, quần chúng cảm tình đảng có người bị địch bắt, bị tù đày từ 2 đến 3 lần, song vẫn tiếp tục hoạt động và tìm cách liên lạc với các tổ chức cơ sở Đảng bên ngoài, quyên góp tiền bạc chuyển vào nhà lao, tạo điều kiện để các đồng chí vượt ngục, trở lại hoạt động, tỏ ý chí cách mạng, kiên trung bất khuất, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng, vì giai cấp chiến đấu hy sinh.

Trải qua bao thăng trầm biến cố lịch sử, ngôi nhà đồng chí Lê Minh- Trụ sở cơ quan Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 1942-1945 và những hiện vật còn lưu giữ ở di tích này là những minh chứng hùng hồn cho quá trình hoạt động của cơ quan Tỉnh ủy. Chính từ căn nhà này những chỉ thị, chủ trương của Trung ương Đảng nói chung và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nói riêng đã được truyền tới nhân dân. Hoạt động của cơ quan Tỉnh ủy trong thời gian ở đây đã làm tiền đề quan trọng trong việc chỉ đạo thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng 8/1945 thành công ở Thừa Thiên Huế.

Qua nghiên cứu, khảo sát hiện trạng, giá trị lịch sử của di tích, chúng tôi thấy rằng đây là một điểm di tích lịch sử cách mạng quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế, đánh dấu một giai đoạn khởi đầu, phát triển và trưởng thành của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Chính tại đây đã ghi dấu nhiều hoạt động Cách mạng và sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ Đảng, đã cống hiến suốt đời cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước: đồng chí Lê Bá Dị, Lê Minh, Lê Cương, Lê Sung… Từ ngôi nhà này, đồng chí Lê Minh (tức Tư Minh) đã giác ngộ, đi theo con đường Cách mạng hoạt động của mình, giữ nhiều vị trí quan trọng: Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Phó Bí thư Khu ủy Trị Thiên; Bí thư Thành ủy Huế; Chỉ Huy Trưởng Mặt Trận Huế trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Trụ sở cơ quan Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế ra đời đánh dấu vai trò to lớn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, một nhà lãnh đạo giàu bản lĩnh chính trị, linh hồn của Cách mạng Thừa Thiên Huế. Mặc dù bị địch bắt nhiều lần, nhưng với bản lĩnh của mình đồng chí đã vượt ngục, về lại với cơ sở, chỉ đạo nhiều cuộc họp, Hội nghị quan trọng, đưa ra chính sách, nhận định tình hình đúng đắn, gây dựng lại phong trào Cách mạng trong toàn tỉnh ngày một vững chắc. Qua đó, đồng chí đã trở thành một vị tướng tài ba, một cộng sự đắc lực của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài những giá trị lịch sử, di tích còn có giá trị về tinh thần, đó là nguyện vọng chính đáng của đông đảo cán bộ, gia đình và chiến sĩ đã từng sống, chiến đấu ở mảnh đất này. Nhằm khơi dậy truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh đã chiến đấu vì nền độc lập dân tộc, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm giá trị của cuộc sống, từ đó nâng cao nhận thức, lòng tự tôn dân tộc, biết trân trọng, gìn giữ những truyền thống quý báu, để có suy nghĩ và hành động đúng đắn. Đó chính là cách thể hiện tốt nhất truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Trụ sở cơ quan Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế (1942 – 1945) tại nhà đồng chí Lê Minh được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định số 764/QĐ-UBND ngày 04/05/2021.

Bảo tàng lịch sử cung cấp
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối  

Du lịch

Dịch vụ