Di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) Địa điểm Cồn Bệ thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận là di tích lịch sử theo Quyết định số 3318/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 16/12/2021.
Theo các tài liệu lịch sử còn lưu giữ tại làng cho biết, Cồn Bệ ngày xưa là một địa danh thuộc làng Hoa Lang, tọa lạc ở vị trí biệt lập, địa hình cách trở và giao thông đi lại bị chia cắt không thuận lợi, chung quanh bao bọc toàn ruộng lúa nước; Xưa kia (khoảng hơn 300 năm về trước), chính chùa Giác Lương được xây dựng trên đất Cồn Bệ, nay vẫn còn dấu tích và miếu thờ bà Ưu Bà Di Hoàng Thị Phiếu tại Cồn Bệ. Từ sau khi chùa Giác Lương di chuyển vào vị trí mới, Cồn Bệ hầu như bị bỏ hoang, không có đường chính đi vào, cây cối rậm rạp, nhiều loài rắn, rết, chim chóc và côn trùng cư trú, nhân dân trong làng và các làng lân cận không ai dám vào trong Cồn Bệ.
Cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của giới cầm quyền Hoa Kỳ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Tuy nhiên, để giành lại thế chủ động trên chiến trường, đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn đã huy động tối đa lực lượng và phương tiện chiến tranh hiện đại, kể cả vũ khí hóa học, chiến tranh điện tử và không quân; thực hiện chiến lược tập trung phản kích, đánh phá có tính hủy diệt hòng chiếm lại các thành phố, thị xã và vùng đồng bằng.
Tại xã Phong Nhiêu, quân địch dùng chiến dịch “lột da Trái đất”, chúng sử dụng một số lực lượng Sư đoàn dù 101 Kỵ binh bay của Mỹ tăng cường càn quét, đưa xe tăng M113, M118 và 02 máy ủi D8, D9 và một Trung đội dàn hàng ngang dùng xà ben, cuốc xẻng, chúng đào bới, xới tung cả nhà cửa, cây cối, tạo thành một vành đai trắng để bảo vệ các căn cứ của chúng.
Trước tình hình đó, Khu ủy Trị Thiên chủ trương rút lực lượng ra khỏi thành phố, thị xã và vùng giáp ranh để bảo toàn lực lượng. Cùng với các địa bàn chiến lược khác, ở Phong Nhiêu được chọn làm nơi dừng chân của các lực lượng, tập trung bồi dưỡng trở lại căn cứ chuẩn bị cho thời kỳ tiếp theo. Tại đây, nhiều thương binh đã được nhân dân nuôi dưỡng, chăm sóc sớm phục hồi để chuyển lên tuyến trên; cán bộ, đảng viên xã vẫn quyết tâm bám đất, bám dân đánh quân địch phản kích.
Tháng 9/1968, tại Phong Nhiêu đã diễn ra trận lũ lớn, các hầm bí mật ở các làng hầu hết bị ngập nước hoặc bị quân địch đào bới và xăm trúng, không có nơi giấu quân. Lúc này, nhân dân bị quân địch dồn vào vùng tạm chiếm, nhà cửa bị đốt sạch. Nhận được tin quân địch đang tổ chức một trận càn lớn, chỉ huy Lê Văn Uyển cho rút hết cán bộ và chiến sỹ vào trú ẩn tại Cồn Bệ. Khoảng 20h30 ngày 11/9/1968, do tình hình ngày càng căng thẳng, một số cán bộ, du kích xã và đơn vị C114 (gồm 1 Trung đội hỏa lực, 1 Trung đội bộ binh và y tá…, khoảng từ 30 đến 40 đồng chí) ra Cồn Bệ trú ẩn. Khi đến nơi, mỗi đơn vị tự phân tán lực lượng trong phạm vi Cồn Bệ khoảng gần 3 ha, ở đây có một số hầm, hào trú ẩn của đơn vị Đại đội 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 để lại trước đó. Do vậy, khi mới ra Cồn Bệ, cán bộ, chiến sỹ đã nhanh chóng ổn định vị trí. Do biết lực lượng của ta trú ẩn ở Cồn Bệ, quân địch đã tập trung lực lượng. Đến 7 giờ sáng hôm sau, ngày 12/9 một chiếc máy bay L19 bất ngờ lao đến khu vực Cồn Bệ, chưa đầy 5 phút sau lại có hai chiếc phản lực bổ nhào xuống ném bom vào các lùm cây bụi rậm, làm một số cán bộ chiến sỹ bị động không kịp chạy hy sinh và bị thương. Không dừng lại ở đó, quân địch dùng hỏa lực, chủ yếu là pháo 105 ly, bắn hàng trăm quả đạn pháo nhằm hủy diệt Cồn Bệ. Do bị tấn công bất ngờ, nhiều anh chị em cán bộ và bộ đội hy sinh, một số bị thương, súng đạn bị vùi lấp không bắn trả lại được, bộ binh quân địch tấn công vào Cồn Bệ bắn giết những đồng chí đánh trả, gom bắt các đồng chí bị thương còn sống. 9h sáng lính Mỹ đổ bộ cùng xe tăng chia làm 3 mũi bao vây toàn bộ Cồn Bệ, tấn công bằng hàng loạt tiểu liên AR15. Sau vài tiếng đồng hồ, cán bộ chiến sỹ ta kiên quyết bám Cồn Bệ đánh trả quân địch, hỏa lực cùng bộ binh và du kích xã phản kích trở lại, cầm cự đẩy lùi được đợt tấn công của quân địch. Tối hôm đó, ở Cồn Bệ quân địch dùng pháo sáng rực trời, tiếng máy bay, xe tăng gầm, rít đạn liên tục vùng đất Cồn Bệ như bị xé vụn ra từng mảnh, bầu trời lúc đó sáng hơn cả ban ngày.
Sau một đêm bao vây, tấn công Cồn Bệ, lúc này lực lượng của ta đã suy yếu, tiêu hao nhiều đến chiều ngày 13/9/1968, biết lực lượng của ta đã hy sinh nhiều, một số thương binh không còn đạn dược lẫn khả năng chiến đấu, quân địch tràn qua Cồn Bệ bắt sống nhiều cán bộ, chiến sỹ lên máy bay đưa về quận Quảng Điền giam giữ.
Cồn Bệ là địa danh lịch sử, văn hóa gắn liền với biết bao thăng trầm của vùng đất chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa và con người nơi đây. Từ xưa, mảnh đất này được chọn xây dựng công trình văn hóa, rồi được ví như bình phong, án ngự, che chở cho làng nghề rèn nổi tiếng bậc nhất một thời của xứ kinh kỳ; Làng Hiền Lương, về sau trong hai cuộc kháng chiến nơi đây lại được sử dụng là nơi đóng quân cho nhiều đơn vị vũ trang, hàng trăm cán bộ chiến sỹ cách mạng vào “mảnh rừng” thiêng liêng này ẩn náu để hội họp, hoạt động.
Lịch sử kháng chiến chống Mỹ của quân và nhân dân Thừa Thiên Huế nói chung và huyện Phong Điền, Quảng Điền nói riêng ghi nhận sự kiện của trận đánh ngày 11 – 13/9/1968 tại Cồn Bệ, xã Phong Nhiêu, huyện Quảng Điền, đây là một trận đánh không cân sức, tương quan lực lượng giữa quân ta và quân địch quá lớn. Nhưng chính trong thời khắc khó khăn, ác liệt nhất, đại bộ phận quân và dân ta vẫn cương quyết chiến đấu, đánh lại kẻ thù dẫu biết rằng đây là trận quyết tử; chết cũng nằm trên mảnh đất để bảo vệ quê hương, đất nước. Trận đánh tại Cồn Bệ năm 1968, dù quân ta bị tổn thất nặng nề, ta đã hy sinh và bị thương hàng chục cán bộ chiến sĩ, song qua trận đánh đã thấy được quyết tâm lòng dũng cảm của cán bộ chiến sỹ khi bị quân địch bao vây, dồn vào tình thế nguy hiểm nhưng ý chí vẫn không nao núng, thà chiến đấu hy sinh nhất định không chịu đầu hàng, làm tay sai.
Cồn Bệ là địa điểm ghi dấu nhiều chứng tích về văn hóa, lịch sử của vùng đất và con người nơi đây. Trong bối cảnh ngày nay những "địa chỉ đỏ" những dấu tích oai hùng trong lịch sử đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước cần được gìn giữ và phát huy là nơi giáo dục những giá trị cao đẹp cho các thế hệ trẻ biết được. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” việc lập hồ sơ công nhận Cồn Bệ là di tích lịch sử lưu niệm sự kiện cấp Tỉnh vừa góp phần làm phong phú hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, vừa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống yêu nước đầy tính nhân văn cho thế hệ trẻ. Đây còn là nhiệm vụ to lớn, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, những người được hạnh phúc sống trong hòa bình đối với thế hệ cha, ông đi trước đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc.