Lăng mộ Nguyễn Cửu Kiều và Công Nữ Ngọc Đỉnh
  

Địa chỉ: thôn Bạch Trạch, xã lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế

Sau những áp lực chính trị diễn ra ở Đông Đô, sự ra đi của Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào năm 1558 để kiếm tìm vùng đất dung thân lập nghiệp đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử Việt Nam. Với ý chí rạch đôi sơn hà, kế tiếp các đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong đều ra sức củng cố tiềm lực, nhằm tạo dựng cơ nghiệp lâu dài, thiết lập một chính thể vững mạnh, đủ sức đối kháng với Đàng Ngoài.

Hơn 200 năm tồn tại, bên cạnh đường lối chính sách khôn khéo, mềm dẻo của các chúa thì sự hưởng ứng, giúp rập của các văn thần võ tướng như: Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Đình Ân, Hồ Quang Đại… hay những dòng tộc mà nhiều đời nối tiếp trung kiên phò tá: Trương Phước, Tống Phước, Nguyễn Đăng, Nguyễn Khoa… chính là yếu tố cực kỳ quan trọng làm nên sự lớn mạnh của Đàng Trong. Và dĩ nhiên tộc Nguyễn Cửu ở làng Vân Dương là một trong số những dòng họ đó.

Nguyễn Cửu Kiều người huyện Tống Sơn (nay là Hà Trung, sử nhà Nguyễn gọi là “Quý huyện”, do đây cũng là quê hương của các chúa Nguyễn), tỉnh Thanh Hóa. Cha của ông tên là Quảng, làm quan nhà Lê đến chức Điện tiền Đô kiểm điểm Quận công. Dòng dõi Nguyễn Cửu Kiều vốn được ban họ chúa (quốc tính) là Nguyễn Phúc, đến năm Minh Mạng thứ nhất (1820), để tưởng thưởng công trạng của công thần, vua ban “cho con cháu công thần quốc sơ là Nguyễn Phúc Kiều làm họ Nguyễn Cửu” (gọi là Công tính).

Nguyễn Cửu Kiều sinh năm 1559, được cho là “người khảng khái, có chí lớn”, ông tuy là con quan lớn nhà Lê, nhưng thấy chúa Trịnh không theo đạo làm tôi với vua Lê, bèn có tâm hướng về với chúa Nguyễn ở Nam Hà. Năm 1623, Nguyễn Cửu Kiều từ Đông Đô (Thăng Long), nhận mật thư và bảo ấn do chính phi của chúa Trịnh Tráng là Nguyễn Thị Ngọc Tú (con gái chúa Nguyễn Hoàng) giao cho, giả là người đi chọi gà vào Nam theo chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Chúa Trịnh biết, cho người đuổi theo. Đến Quảng Bình, nhờ tướng Nguyễn là Nguyễn Hữu Dật tiến cử ra mắt chúa Nguyễn Phúc Nguyên, dâng mật thư và bảo ấn. Chúa Nguyễn mừng quá, cho Nguyễn Cửu Kiều làm Đội trưởng, quản thuyền Mã cơ, sau thăng làm Cai đội thuyền Trung đạo, được gả công chúa thứ ba là Ngọc Đỉnh, rồi thăng đến chức Chưởng cơ.

Năm 1633, Nguyễn Cửu Kiều ra làm Trấn thủ Quảng Bình. Kiều đến trấn, rộng ban ân tín, vỗ về thương yêu quân và dân, ai cũng hài lòng. Mùa đông năm ấy, quân Trịnh đến xâm lấn, Kiều xin đóng cọc ngăn cửa biển Nhật Lệ để chống lại. Chúa dùng kế ấy, được hơn mười ngày, quân Trịnh hơi trễ nải, quân Nguyễn đột chiến xông ra đánh dữ, quân Trịnh tan chạy.

Năm 1640, tướng Trịnh đã đầu hàng là Nguyễn Khắc Liệt lại làm phản, quấy rối châu Nam Bố Chính. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Cửu Kiều cùng Trương Phước Phấn đem quân đánh đuổi, lấy được cả đất Bắc Bố Chính. Sau đó chúa Trịnh đưa thư nói Nguyễn và Trịnh là chỗ thế nghị và đòi lại chỗ đất đã bị xâm lấn. Chúa Nguyễn mới sai trả Bắc Bố Chính cho họ Trịnh.

Mùa xuân năm 1648, chúa Trịnh đem hết quân miền Bắc vào đánh cửa biển Nhật Lệ, Nguyễn Cửu Kiều sai Nguyễn Triều Văn đem binh thuyền chống cự nhưng không đánh thắng được. Đàng Ngoài cậy quân nhiều, tiến đóng Võ Xá. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai Thế tử Nguyễn Phúc Tần đem quân đi đánh, được toàn thắng.

Năm 1655 tướng Trịnh giữ châu Bắc Bố Chính là Phạm Tất Đồng thả quân quấy rối ngoài biên, hai tướng kiệt xuất của Đàng Trong là Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến và Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật đem quân đi đánh, sai Xuân Sơn làm tiền phong hạ đạo, Nguyễn Cửu Kiều đem quân đi, cũng lệ thuộc vào đấy. Quân Nguyễn tiến đánh ra tận Hà Trung (huyện Kỳ Anh, Nghệ An), quân Trịnh thua chạy. Nguyễn Cửu Kiều đem thủy quân tiến đóng bờ nam sông Đàm, chiêu phủ hai huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, quân và dân miền Bắc về hàng chúa Nguyễn ngày càng đông.

Mùa hè năm 1656, quân chúa Nguyễn tiến đến sông Lam, Nguyễn Cửu Kiều kiêm lĩnh chức Thủy sư Phó tướng cùng Tham tướng Tôn Thất Tráng đem binh thuyền thẳng đến cửa biển Đan Nha (tức cửa Hội) đánh thủy binh nhà Trịnh, phá tan được.Gặp lúc thủ lĩnh miền núi là Phù Dương đem binh miền thượng đánh quân của tướng Trịnh là Đào Quang Nhiêu. Quân Trịnh ập đến, quân Phù Dương thua. Nguyễn Cửu Kiều đem quân đến cố sức đánh, chém được tướng miền Bắc là Tào Nham và Diễn Thọ tại trận. Nguyễn Cửu Kiều cũng bị thương nặng, về Quảng Bình thì chết, thọ 58 tuổi.

Chúa được tin, thương tiếc vô cùng, tặng phong Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Tả quân Đô đốc phủ Tả đô đốc, Nghĩa quận công. Mộ táng tại núi Bạch Thạch, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Chúa lại cho lập đền thờ ở xã Dương Xuân (khu vực Gành Đá, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), cấp cho 50 người coi mộ.

Nguyễn Cửu Kiều chính là vị “thủy tổ” của họ Nguyễn Cửu ở Đàng Trong, người mở đầu cho một thế gia vọng tộc huân công rạng rỡ, sản sinh rất nhiều danh tướng lỗi lạc. Họ Nguyễn Cửu, kể từ ngài Nghĩa Quận công dần trở thành “lương đống, can thành” của chính quyền Đàng Trong (cũng như vương triều Nguyễn sau này), dự hưởng rất nhiều ân điển (được ban quốc tính) và đây cũng là dòng tộc nhiều đời kết thông gia với họ Nguyễn Phúc. Theo các nguồn tư liệu đã dẫn, sau khi vượt Linh giang, một lòng phò tá chúa Nguyễn, Nguyễn Cửu Kiều chính thức được “sánh duyên” với Công nữ Ngọc Đỉnh, con gái của Hy tông Hiếu Văn hoàng đế, tức chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Công nữ Ngọc Đỉnh có pháp danh là Diệu Liên, là con gái thứ 4 của Hy tông Hiếu Văn hoàng đế và bà Nguyễn Thị Bá Giai, tức bà Mạc Thị Giai sinh vào ngày 20 tháng 2 (tháng Ất Mão), năm Mậu Thân [1608] và mất vào ngày 16 tháng 11 năm Giáp Tý [1685], hưởng thọ 77 tuổi.

Trong gần 33 năm phò tá chúa Nguyễn, cuộc đời của danh tướng Nguyễn Cửu Kiều sống gần như trọn vẹn trên đất Quảng Bình và tham dự hầu hết các trận chiến lớn nhỏ, góp một phần không nhỏ trong việc ổn định mạn bắc Đàng Trong, tạo dựng cơ sở vững chắc cho công cuộc di dân mở cõi về nam. Cùng với Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Đào Duy Từ… Nguyễn Cửu Kiều là lớp thế hệ “khai quốc công thần”, gắn liền với giai đoạn khởi nghiệp của chúa Nguyễn ở Nam Hà. Có thể nói, những đóng góp của các văn thần võ tướng vào giai đoạn này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, qua đó, từng bước thiết đặt nền móng cho sự phát triển của các đời chúa sau này.

Lăng Nghĩa Quận công Nguyễn Cửu Kiều và Công nữ Ngọc Đỉnh được cát táng tại làng Bạch Thạch, nay thuộc xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Cả hai khu lăng mộ đều có kiến trúc: hai vòng thành, bình phong tiền, bình phong hậu, trụ biểu, nhà bia và tẩm mộ. Lăng mộ Nguyễn Cửu Kiều và bà Ngọc Đỉnh tồn tại trên 300 năm, lại xây dựng tại địa điểm trên núi, xa dân cư, đường đi đến lăng mộ khó khăn. Mặt khác, trải qua thời gian, bao phen binh lửa chiến tranh, tác động của thiên nhiên và con người đã gây ảnh hưởng lớn đến di tích lăng mộ. Tuy nhiên, với sự phát tâm công đức của con cháu gần xa, khu lăng mộ Nguyễn Cửu Kiều và bà Ngọc Đỉnh được đại trùng tu liên tục, qua đó hiện trạng kiến trúc vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn.

Lăng mộ của Nguyễn Cửu Kiều và Công nữ Ngọc Đỉnh có kiến trúc đơn giản, sự có mặt của các đồ án trang trí ở đây là khá ít, thay vào đó là tính đăng đối, uy nghiêm, song, không kém sự hoành tráng và khoáng đạt. Đây là chứng tích vật thể hiếm hoi, nơi còn lưu giữ, bảo tồn nguyên trạng kiến trúc, hàm chứa những nét văn hóa độc đáo, phản ánh những quan niệm tiêu biểu về phong thủy của người Việt Nam, đặc biệt là quan niệm về cuộc đất “vạn niên cát địa”, cách chọn thế núi, dòng nước, tàng phong, tụ thủy, cách tầm long, điểm huyệt. Cùng với quần thể di tích cố đô Huế, lăng mộ Nguyễn Cửu Kiều và bà Ngọc Đỉnh là một phức hệ trong hệ thống lăng tẩm thời chúa Nguyễn, đó chính là “quỹ kiến trúc” quý giá để chúng ta nghiên cứu và hiểu thêm về một giá trị lịch sử văn hóa, mỹ thuật và kiến trúc.

Lăng mộ Nguyễn Cửu Kiều là nơi an giấc ngàn thu của một trong những nhân vật mà dấu ấn cuộc đời của ông vẫn còn rất đậm nét trong dòng chảy văn hóa lịch sử xứ Huế. Việc nghiên cứu, lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử lăng mộ Nguyễn Cửu Kiều và Công nữ Ngọc Đỉnh thể hiện sự quan tâm sâu sắc của chính quyền các cấp đối với di sản văn hóa dân tộc, đồng thời mang ý nghĩa thiết thực, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong vùng, nhất là con cháu trong dòng tộc, đồng thời là cơ sở để giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đó cũng là chủ trương của UBND tỉnh nhằm “xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô”, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 54-NQTW (ngày 10 tháng 12 năm 2019) của Bộ Chính trị.

Di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân) Lăng mộ Nguyễn Cửu Kiều và Công nữ Ngọc Đỉnh được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 3317/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 16/12/2021.
www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối  

Du lịch

Dịch vụ