Đình Lương Văn - Di tích lịch sử
  
Di tích lịch sử Đình Lương Văn thuộc Làng Lương Văn, phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận là di tích lịch sử theo Quyết định số 3313/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 16/12/2021.

Trong quá trình khai hoang lập ấp, xây dựng làng xã của người Việt, làng được xem là đơn vị hành chính, sự hình thành một làng xã thường gắn liền với sự ra đời của các thiết chế văn hóa như: đình, đền, chùa, miếu…

Về sự hình thành làng Lương Văn, căn cứ vào “Ô Châu Cận lục” của tác giả Dương Văn An (1553), làng Lương Văn ra đời cách đây gần 500 năm. Dưới thời các chúa Nguyễn, làng Lương Văn là làng nội phủ, đến thời các vua Nguyễn làng Lương Văn thuộc tổng Lương Văn.

Sự hình thành của đình Lương Văn cho đến nay vẫn chưa xác định mốc thời gian cụ thể. Tuy nhiên, căn cứ vào quá trình ra đời của làng Lương Văn, cũng như truyền tích thì đình Lương Văn được xây dựng vào khoảng nữa cuối thế kỷ XVI. Đình Lương Văn tọa lạc trong thửa đất TIN 621/10541, tờ bản đồ số 7, có diện tích 10.541m2, thuộc đất tín ngưỡng. Đình quay mặt về hướng Bắc, phía trước giáp con hói của làng, cổng đình quay về hướng Đông Bắc, trước mặt giáp đường Trần Hoàn. Trong khuôn viên đình làng có nhiều cây cổ thụ xanh rợp bóng mát, cùng với hệ thống ao hồ tạo nên phong cảnh hữu tình, uy nghiQua khảo sát cho thấy, dấu tích nền cũ của đình và các hòn tán trụ cột vẫn còn, phần nào cho thấy quy mô to lớn của đình Lương Văn trước đây. Hiện nay, tại đình làng không thờ thần chủ mà chỉ thờ các vị Thượng, Trung Đẳng thần và tôn thần như: Thần Cao Các, Đại Càn Quốc gia Nam Hải…Hằng năm, ngoài việc dân làng Lương Văn tổ chức cúng tế ở các đền, miếu… trong các dịp “Xuân Thu nhị kỳ” làng tổ chức tế lễ tại đình. Trước ngày chánh tế diễn ra ở đình Lương Văn, ban nghi lễ cử các chức sắc, trưởng tộc, cùng đoàn rước khiêng kiệu, cờ lọng, kèn, trống… đến cáo yết và nghinh rước cung thỉnh thần vị ở các đền, miếu như: Miếu Thành Hoàng, miếu Sơn thần, miếu Thủy thần, miếu khai khẩn… về đình dự, sau khi lễ tế xong các thần vị được rước trở lại đền, miếu.

Trải qua những thăng trầm lịch sử đình Lương Văn đã xuống cấp, được nhiều lần tu sửa, năm 1810, dưới thời vua Gia Long đình được trùng tu với quy mô lớn và lần gần đây nhất là vào năm 2000. Về kiến trúc của đình làng Lương Văn theo ông Hoàng Tích, trưởng làng cho biết: “Nguyên trước đây đình được xây dựng với quy mô rộng lớn hơn hiện nay, gồm 3 gian 2 chái, theo kiến trúc truyền thống nhà rường Huế, mái lợp ngói liệt, các cấu kiện cột kèo, xuyên, trến được làm bằng gỗ, chạm khắc tinh xảo. Dưới thời Nguyễn, làng Lương Văn thuộc tổng Lương Văn nên hằng năm vào các dịp xuân thu nhị kỳ triều đình nhà Nguyễn cử các quan về cùng dân làng tổ chức tế lễ ở đình làng, để tạ ơn các thần linh đã có công hộ quốc tí dân và tri ân các bậc tiên hiền đã có công trong việc mở mang bờ cõi. Sau này, do điều kiện kinh tế khó khăn nên cứ 3 năm làng tổ chức tế lễ một lần”.

Bên cạnh đình Lương Văn, còn có miếu khai khẩn cách đình làng khoảng 20 mét, nằm về hướng Tây Nam, miếu thờ các ngài họ Hoàng (Huỳnh), Võ, Phạm là 3 họ lớn có công trong việc khai phá lập làng. Theo các vị cao niên làng Lương Văn, miếu khai khẩn cũng được xây dựng vào khoảng thời gian nửa cuối thế kỷ XVI.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đình Lương Văn được làm Trụ sở làm việc Ủy ban hành chính xã Thủy Lương. Đến năm 1949 sát nhập hai xã Thủy Lương và Thủy Châu thành xã Minh Thủy, đình Lương Văn trở thành trung tâm văn hóa và là trụ sở hội họp của dân làng Lương Văn. 

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, một số chiến sỹ cách mạng, du kích địa phương đã dựa vào đình, đền, miếu…để trú ẩn và hoạt động. Do đó, năm 1952 thực dân Pháp và tay sai cho đốt đình làng Lương Văn, các sắc phong lưu tại đình cũng bị cháy hoàn toàn. Ông Lê Ứng hiện ở tại thôn An Khánh,Thủy Lương thời điểm đó là Chủ tịch UBND xã cho biết: “địch đốt, đập phá đình làng, lấy gỗ lót đường cho xe chạy”. Riêng miếu khai khẩn may mắn không bị chiến tranh tàn phá, do đó ngày nay vẫn còn giữ lại được một phần kiến trúc xưa.

Hiện nay, ở các nhà thờ họ tộc và đền, miếu… làng Lương Văn còn lưu giữ 24 sắc phong của triều đình nhà Nguyễn phong tặng, chủ yếu là các sắc phong cho các dòng họ có công trong việc khai phá lập làng và các sắc phong thần linh. Đó là những di sản quý giá, góp phần tô đẹp những giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống của làng Lương Văn.

Đình Lương Văn là những thiết chế văn hóa của làng, nơi thờ các vị Thượng Đẳng thần, Trung Đẳng thần, tôn thân và các vị tiên hiền, hậu hiền khai khẩn của làng đã được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong.Đình là trung tâm văn hóa, chính trị của làng, nơi diễn ra các cuộc hội họp và các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội... Hằng năm, vào các dịp “Xuân - Thu nhị kỳ”, dân làng Lương Văn tổ chức tế lễ tại đình làng để tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh bảo vệ, che chở dân làng và tri ân các bậc tiên hiền có đã công trong việc khai phá mở mang làng xã.

Đối với miếu khai khẩn nơi thờ 3 vị Thủy tổ các họ: Hoàng, Võ, Phạm là những vị có công khai phá lập làng và 7 họ đến sau là: Hoàng, Võ, Phạm, Trần, Nguyễn, Dương, Nguyễn Tử Du. Hằng năm vào ngày tết Thanh Minh (12/3 Âm lịch) để tri ân các vị tiên hiền có công khai phá lập làng, ngoài ra trong các ngày như: Rằm, ba mươi, mồng một hằng tháng và dịp Tết Nguyên Đán, Ban quản lý và dân làng Lương Văn còn dâng hương hoa, làm vệ sinh sạch sẽ khuôn viên đình làng và miếu khai khẩn.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối  

Du lịch

Dịch vụ