Di tích lịch sử Địa điểm Lùm Phum thuộc thôn Lộc Sơn, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận là di tích lịch sử theo Quyết định số 3315/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 16/12/2021.
Lùm Phun tọa lạc trên thửa đất số 41, tờ bản đồ số 28, diện tích 23.325,0m2, thuộc thôn Lộc Sơn, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phía Đông giáp Tỉnh lộ 3 thôn Lộc Sơn; phía Tây giáp Lùm Ông; phía Nam giáp Tỉnh lộ 3 và Tỉnh lộ 16; phía Bắc giáp khu nghĩa địa thôn Lộc Sơn.
Với địa hình hiểm trở, cây cối um tùm, rậm rạp, có khe suối, bùn lầy, là điểm giao thông liên hoàn với thôn Lê Xá Đông (xã Phú Lương), thôn Đồng Di (xã Phú Hồ)… Lùm Phun hội đủ các điều kiện để trở thành “hậu cứ” an toàn, là nơi cất giấu lương thực, quân trang, quân dụng; địa bàn đứng chân của các cơ quan lãnh đạo tỉnh, huyện; là nơi nuôi dưỡng thương binh, nơi ém quân để mở các chiến dịch lớn tiến công tiêu diệt kẻ thù.
Từ năm 1946, lực lượng bộ đội chủ lực của tỉnh về đóng tại đây, sau 01 năm đơn vị này chuyển đi, khu vực này được giao lại làm kho lương thực nuôi quân, do 3 xã Phú Thượng, Phú An, Phú Mỹ và Khu III Hương Thủy quản lý.
Sau khi mặt trận Huế vỡ (tháng 2/1947), binh lính Pháp tổ chức phản kích mạnh vào các lực lượng của ta; thực dân Pháp mở các cuộc hành quân càn quét ra các vùng nông thôn đồng bằng, tiến công lấn chiếm và đốt phá vùng căn cứ để thực hiện âm mưu chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”. Ở huyện Phú Vang, đi đôi với việc tổ chức bộ máy chính quyền từ huyện đến thôn, xã, thực dân Pháp và tay sai đã thành lập những đội quân cơ động ứng chiến nhanh để đối phó với quân ta. Quân địch ra sức càn quét, thực hiện ba sạch “đốt sạch, phá sạch, giết sạch” hết sức man rợ. Ở xã Phú Xuân, quân địch bố trí hệ thống đồn bốt dày đặt để đối phó với phong trào cách mạng như đồn Ba Lăng - Quảng Xuyên, đồn chợ Quảng Xuyên, đồn Xuân Ổ, đồn Đồng Lộc, thôn Lộc Sơn.
Trước tình hình khó khăn trên, tháng 3/1947, Tỉnh ủy Thừa Thiên mở Hội nghị cán bộ Đảng tại thôn Nam Dương (huyện Quảng Điền), dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Hội nghị đã kiểm điểm tình hình kháng chiến trong toàn tỉnh, ra Nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục kháng chiến để lấy lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh: “Mất đất chưa phải là mất nước, chúng ta cần tranh thủ từng thôn từng người dân, chúng ta không thể mất dân, chết không rời cơ sở, chúng ta nhất định thắng”. Thực hiện chủ trương, tháng 3/1947, Thường vụ Huyện ủy Phú Vang triệu tập Hội nghị Đảng viên tại thôn Quảng Xuyên (xã Phú Xuân) và đề ra chủ trương: “Đảng viên không được chạy trốn, địch đến ta đánh, địch đi ta lại về với dân. Dưới sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, từ tháng 3/1947, du kích địa phương đã phối hợp với đội cảm tử quân huyện do đồng chí Dương Ngọc Linh chỉ huy, tổ chức tập kích đánh đồn Sư Lỗ, tiêu diệt được hàng chục tên địch, số còn lại hoảng hốt bỏ chạy, ta thu được toàn bộ chiến lợi phẩm. Sau đó, các cơ quan Thị ủy, Thị đội Thuận Hóa chuyển về đóng quân và chỉ đạo phong trào tại Lùm Phun và Trằm Sen, được bà con trong làng nuôi giấu và bảo vệ.
Về phía quân địch, ngày 3/5/1948, quân Pháp ở đồn Sư Lỗ (xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc) tiến hành mở rộng đánh phá vùng giải phóng của ta, tăng cường kìm kẹp Nhân dân ở các thôn Đồng Di, Tây Hồ, Lê Xá, Lộc Sơn; chúng xây dựng nhiều hệ thống đồn bốt ở các thôn: Lộc Sơn, Ba Lăng - Quảng Xuyên, Diên Đại... để dễ bề kiểm soát sự đi lại của người dân và nhất là nhằm ngăn chặn mọi hoạt động của Việt Minh, đồng thời ra sức đốt phá nhà cửa, cướp phá lương thực, lúa vừa thu hoạch xong, quân địch bắt đưa về đồn với luận điểm “Để bảo vệ lúa khỏi rơi vào tay Việt Minh”. Quân Pháp tăng cường kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, lương thực, ép người dân phải bán lương thực, thực phẩm cho chúng với giá rẻ, lập những “chợ xép” gần đồn bốt để chúng dễ quản lý, không cho tiếp tế lương thực, thực phẩm ra vùng tự do hoặc vùng giáp ranh cho cách mạng.
Nắm được âm mưu trên, bộ đội địa phương huyện và dân quân du kích xã Phú Lạc, Phú Xuân (gồm các đồng chí: Đặng Văn Lộc, Đặng Sơn Tùng, Đặng Tợ) do đồng chí Tâm Oanh chỉ huy phục kích đánh địch ở xóm Hóp (Đồng Di Đông) và Lùm Phun (thôn Lộc Sơn), dựa vào địa hình, địa vật, đặc biệt là hệ thống đường giao thông hào liên hoàn từ thôn Lê Xá Đông (xã Phú Lương) và từ trạng cát Quãng Xuyên lên đến Lùm Phun tổ chức bao vây, chặn đánh nhiều đợt; kết quả ta tiêu diệt 5 tên, bắn bị thương 3 tên khác, thu 5 súng trường và 2 khẩu MTZ.
Trước sức mạnh tấn công của quân ta, đến đầu năm 1949, quân địch phải rút lui, bỏ trống đồn Đồng Lộc (thôn Lộc Sơn), đồn Quảng Xuyên. Ta kiểm soát và làm chủ xã Phú Xuân, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của quân và dân ta ở vùng giáp ranh địch. Nhân dân ta đã tổ chức nhiều địa điểm giao thương mua bán hàng hóa, tiếp tế lương thực, thực phẩm ở Lùm Chùa, Lùm Ông, Lùm Phun.
Tháng 7/1949, quân và dân du kích trong xã phối hợp với các lực lượng của xã Phú Thái và Tiểu đoàn 319 của tỉnh do đồng chí Hoàng - Tiểu đoàn trưởng chỉ huy, tổ chức phục kích đánh quân địch về càn quét, cướp phá tại các thôn trong xã Phú Mỹ. Bằng chiến thuật du kích, quân ta tiêu diệt 15 tên. Ngày 20/7/1952, bộ đội địa phương huyện Phú Vang cùng du kích xã Phú Hưng (Phú Xuân) đánh một đại đội quân Pháp (Com-man-đô) ở Xuân Ổ (làng Quảng Xuyên), diệt 11 tên. Ngày 28/7, dân quân du kích xã, tiếp tục dựa vào địa hình, tổ chức chặn đánh 1 xe GMC tại Xuân Ổ, diệt và bắt sống 3 tên.
Để cứu vãn tình hình, ngày 29/12/1953, tiểu đoàn 25 của địch đóng ở đồn Trường Hà (xã Vinh Phú, nay là Phú Gia) từ các thôn Vĩnh Lưu, Giang Đông B lên Lê Xá Đông phối hợp với quân địch ở đồn Quảng Xuyên, Xuân Ổ tổ chức càn quét các thôn trong xã. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Toàn và đồng chí Nguyễn Ái Nghĩa, quân dân du kích địa phương kết hợp với Đại đội 323 của huyện Phú Vang, đã dựa vào địa hình lùm, rú, trằm... tổ chức tập kích đánh trả. Kết quả ta tiêu diệt tại chỗ 36 tên, bắn bị thương 9 tên, thu 2 súng trung liên, nhiều súng trường, đạn súng máy và quân trang, quân dụng.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Lùm Phun vẫn là vị trí chiến lược quan trọng, diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa quân ta và quân địch. Từ năm 1965 đến năm 1968, quân Mỹ mở hàng chục trận càn, dùng pháo, máy bay bắn phá vào thôn Lộc Sơn, xã Phú Xuân.
Về phía ta, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, ngày 01/6/1965, Tiểu đoàn 4 (K4) chủ lực tỉnh do đồng chí Hà chỉ huy, phối hợp với du kích địa phương trong xã, tổ chức tập kích vào một trung đội địch ở đồn Diên Đại, tiêu diệt 3 tên (trong đó có tên xã trưởng), bắt sống 8 tên, thu 12 súng. Chiều cùng ngày, quân địch huy động 16 xe bọc thép và pháo binh từ Phú Bài về yểm trợ cho 1 tiểu đoàn bộ binh địch tiến về càn quét ở thôn Lộc Sơn, cứu nguy cho đồn Diên Đại. Lúc này, lực lượng chủ lực của tỉnh phối hợp với du kích địa phương dựa vào Lùm Phun tổ chức tập kích bẻ gãy trận càn của quân địch, tiêu diệt 80 tên, thu nhiều vũ khí. Đây là trận chống càn mang lại niềm tin cho quần chúng nhân dân, cơ sở cách mạng được phục hồi và mở ra hướng phát triển của phong trào cách mạng quần chúng ở các vùng nông thôn, đồng bằng thuộc huyện Phú Vang.
Từ tháng 8/1965 đến tháng 10/1967, Tiểu đoàn 4 (K4) chủ lực tỉnh phối hợp với du kích địa phương tổ chức nhiều trận tập kích tiêu diệt địch ở Diên Đại, đồn Quảng Xuyên, chợ Sam (xã Phú Mỹ). Từ vị trí Lùm Phun quân ta kết hợp các loại hỏa lực, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu được phân công, kết quả ta tiêu diệt được một đại đội, bắt sống nhiều tên, thu nhiều vũ khí. Những thắng lợi này, chứng tỏ các lực lượng vũ trang của quân ta ngày càng lớn mạnh, tạo được tuyến hành lang an toàn từ Lùm Phun để tiền nhập vào thành phố Huế.
Ngày 14/4/1968, được sự yểm trợ của sư đoàn kỵ binh bay Mỹ, 1 tiểu đoàn lính VNCH cùng với 18 xe tăng, 24 xe ủi, tổ chức càn quét, cày ủi ở Phú Xuân. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hồ Đông, du kích xã Phú Xuân đã tương kế, tựu kế, dựa vào địa hình địa vật, dùng bom mìn tự tạo, tổ chức tập kích phá hủy 2 xe tăng, 16 xe cày, 1 xe Jeep, tiêu diệt tại chỗ 39 tên và nhiều tên khác bị thương.
Tháng 5/1968, Tiểu đoàn chủ lực K10 của tỉnh đã phối hợp với dân quân địa phương trong xã tổ chức tập kích vào quân địch ở thôn Xuân Ổ, diệt 56 tên, phá hủy 8 xe tăng, 4 khẩu pháo, thu nhiều vũ khí.
Đến tháng 8/1968, quân địch điều lực lượng của Sư đoàn 1 và 2 đại đội của Trung đoàn 54, cùng 5 đoàn bình định tổ chức càn quét vào các thôn xã Phú Xuân. Lúc này, du kích trong xã phối hợp với C117 (lực lượng đội địa phương huyện Phú Vang) và Tiểu đoàn K10 tỉnh, đã dẫn đường vượt qua hệ thống lùm, trằm… tổ chức ém quân, bất ngờ tập kích từ nhiều mũi vào quân địch. Kết quả, chúng bị diệt gọn 2 đoàn bình định (70 tên), tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn Trung đoàn 54 bộ binh địch, thu nhiều vũ khí. Thắng lợi này đã giáng một đòn phủ đầu lên âm mưu bình định cấp tốc của quân địch.
Đầu năm 1969, địch lập một chi khu quân sự ở Diên Đại gồm 2 trung đội, 1 đoàn bình định và 3 cố vấn Mỹ, ngoài ra còn có 6 đoàn bình định và hàng chục tên ác ôn phản động, chúng lập 5 khu định cư, ở các thôn: Diên Đại, Xuân Ổ, Quảng Xuyên, Lộc Sơn, Ba Lăng. Tại thôn Xuân Ổ, quân địch thiết lập một căn cứ kỵ binh bay của Mỹ, thường xuyên có một tiểu đoàn tăng cường, được trang bị đầy đủ các phương tiện chiến tranh (16 máy bay trực thăng, 12 xe tăng và nhiều pháo hạng nặng). Lực lượng quân Mỹ cùng tay sai quyết tâm xóa xã Phú Xuân thành vùng trắng để đập tan tuyến hành lang chiến lược quan trọng, giữ vị trí cầu nối với các xã vùng sâu, khu III Hương Thủy và vùng ven Huế.
Trước hoàn cảnh đó, các lực lượng của ta vẫn kiên cường bám trụ địa bàn, tổ chức nhiều trận đánh tiêu hao sinh lực địch. Từ tháng 6/1969, du kích xã Phú Xuân do đồng chí Đặng Văn Lộc phối hợp với đội công tác vũ trang của huyện do đồng chí Hồ Đông đã tổ chức tập kích quân địch ở đình Lộc Sơn, tiêu diệt 30 tên, thu 30 súng các loại. Đến tháng 9/1969, Tiểu đoàn K10 của tỉnh phối với với du kích xã Phú Xuân tổ chức đánh một đoàn bình định của địch ở Lùm Phun, diệt 15 tên, thu 15 súng.
Năm 1970, quân địch đã huy động máy bay trực thăng, thả bom xăng đốt phá Lùm Phun, dùng xe tăng cày phá Lùm Ông và một số vùng khác để truy tìm lực lượng của ta, nhưng với quyết tâm “một tấc không đi, một li không rời”, quân và dân ta vẫn kiên cường bám địa bàn xây dựng cơ sở cách mạng.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, địa điểm Lùm Phun vẫn là căn cứ cách mạng an toàn, là nơi đứng chân của các cơ quan lãnh đạo của tỉnh, huyện; là nơi ém quân, nuôi dưỡng thương binh… địa điểm Lùm Phun trở thành cầu nối với các căn cứ cách mạng ở Phú Vang, Hương Thủy và vùng ven thành phố Huế cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng (26/3/1975).