Công binh xưởng Phú Lâm - Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh
  
Công binh xưởng Phú Lâm
Công binh xưởng Phú Lâm

Công binh xưởng Phú Lâm đóng tại làng An Đô, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km về hướng Tây Bắc.

Chấp hành quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập ngành quân giới Việt Nam (19.5.1945). Ngày 18.9.1945 Uỷ ban cách mạng Thừa Thiên Huế quyết định thành lập Ban chế tạo vũ khí do đồng chí Lê Đình Tạo làm Trưởng ban, ông Võ Sum và một hàng binh người Nhật, có tên Việt Nam là Võ Hoàng Kim làm cố vấn. Ngoài ra còn có một số đồng chí được đào tạo chuyên môn cơ bản ở trường Kỹ nghệ thực hành như Phan Lục, Đoàn Ngật, Nguyễn Văn Thương và công binh xưởng Phú Lâm ra đời.

Nhiệm vụ của công binh xưởng Phú Lâm là sửa chữa các loại vũ khí, sản xuất các loại đạn súng trường, súng ngắn, lựu đạn, bom ba càng, băng đạn 20 ly... Từ ngày thành lập cho đến đầu năm 1947, dưới sự chỉ đạo của UBND cách mạng thành phố Huế, công binh xưởng Phú Lâm đã sửa chữa, phục hồi, chế tạo nhiều vũ khí đạn dược, đặc biệt là sản xuất thành công bom ba càng - một loại vũ khí lợi hại, trang bị cho lực lượng vũ trang, góp phần quan trọng bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Những thành tích đóng góp của công binh xưởng Phú Lâm được Bộ Quốc phòng biểu dương. Sau ngày thực dân Pháp tái chiếm lại Huế (2/1947) dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ban chế tạo vũ khí Thừa Thiên Huế có chủ trương sơ tán và hợp nhất các cơ sở sản xuất vũ khí trong Tỉnh như bộ phận sản xuất vũ khí ở Đại Nội, công binh xưởng Ngọc Lâm, công binh xưởng Phú Lâm, trong đó công binh xưởng Phú Lâm là nòng cốt. Nhờ đó chúng ta đã hoàn thành việc vận chuyển máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất vũ khí từ trường Kỹ nghệ thực hành lên chiến khu Khe Trái (Hương Trà).

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng bước vào giai đoạn ác liệt, Bộ Quốc phòng chủ trương chia nhỏ công binh xưởng Phú Lâm, một bộ phận ra Nghệ Tĩnh để xây dựng ngành quân giới Liên khu 4, một bộ phận bổ sung cho ngành quân giới Liên khu 5, bộ phận còn lại chuyển lên Khe Trò (Hương Trà). Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, công binh xưởng Phú Lâm luôn thay đổi tên gọi và vị trí đóng quân, khi chuyển về Nam Đông đổi tên là xưởng quân giới Phạm Hồng Thái, khi chuyển về Khe Trái lấy tên là xưởng quân giới Văn Thăng, sau này chuyển về Dương Hoà có tên gọi xưởng vũ khí Thừa Thiên Huế, và mang tên gọi này cho đến ngày kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.

Hiện nay công binh xưởng Phú Lâm chỉ còn lại địa điểm một vài nhà xưởng sản xuất. Những đóng góp của xưởng quân giới Phú Lâm những ngày đầu chống Pháp, làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng của ngành quân giới Việt Nam, góp phần thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Thừa Thiên Huế.

Công binh xưởng Phú Lâm đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Tỉnh theo Quyết định số 4296/QĐ-UBND ngày 21/12/2005 của UBND tỉnh.

Một số hình ảnh Công binh xưởng Phú Lâm:

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối  

Du lịch

Dịch vụ