Khẳng định thương hiệu Festival Nghề truyền thống Huế
  
Cập nhật:03/04/2017 11:52:25 SA
Sau 6 kỳ tổ chức, đến thời điểm này, đã có 65 cơ sở nghề và làng nghề trong cả nước đăng ký tham dự Fesstival Nghề truyền thống Huế 2017. Cùng với Festival Huế vào những năm chẵn, Festival Nghề truyền thống Huế là một thương hiệu được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến. Đây là lễ hội không chỉ nhằm bảo tồn những giá trị tinh hoa của nghề truyền thống Việt Nam mà còn góp phần khẳng định danh hiệu: Huế - thành phố Festival của Việt Nam.
Festival Nghề truyền thống Huế là sân chơi dành cho nghệ nhân trên mọi miền đất nước. Ảnh tư liệu của Hàn Đăng
Festival Nghề truyền thống Huế là sân chơi dành cho nghệ nhân trên mọi miền đất nước. Ảnh tư liệu của Hàn Đăng

Giá trị lớn về văn hóa, tinh thần

Qua 6 kỳ tổ chức, Festival Nghề truyền thống Huế đã đem lại rất nhiều dấu ấn. Đó không chỉ là một không khí rộn ràng, vui tươi và đậm đà màu sắc Việt qua không gian nghề truyền thống được sắp đặt đầy thú vị mà còn là một sân chơi cho các nghệ nhân khắp mọi miền đất nước về trình diễn, thi thố. Tài năng của của các nghệ nhân bàn tay vàng qua Festival Nghề truyền thống được mọi người biết đến, ngưỡng mộ và từ đó tạo ra động lực mạnh mẽ tiếp sức cho những người trẻ, nghệ nhân trẻ nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề truyền thống của cha ông.

Festival Nghề truyền thống Huế là sân chơi dành cho nghệ nhân trên mọi miền đất nước. Ảnh tư liệu của Hàn Đăng

Không chỉ thành công ở khâu tổ chức, quảng bá thương hiệu làng nghề mà hàng chục cơ sở đã thành danh thông qua các kỳ festival. Nhiều làng nghề tưởng như mai một theo thời gian đã sống dậy như: gốm Phước Tích, mộc Mỹ Xuyên (Phong Điền); mây tre đan Bao La (Quảng Điền) hay nghề nón, hoa giấy Thanh Tiên (Phú Vang); thêu, đúc đồng, kim hoàn (TP. Huế)…

Một số làng nghề đã gây được tiếng vang và ký kết nhiều hợp đồng giá trị sau khi tham gia lễ hội này. Đặc biệt, qua Festival Nghề truyền thống, nghề dệt Zèng ở A Lưới đã có điều kiện để được quảng bá rộng rãi hơn đến với công chúng, tạo nên động lực quan trọng để chắp cánh cho nghề truyền thống của đồng bào dân tộc phát triển mạnh mẽ, để giờ đây trước thềm Festival Nghề truyền thống 2017 đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tiếp tục lan tỏa 

Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa thông tin thành phố Huế cho biết, Festival Nghề truyền thống Huế đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Huế. Sự trưởng thành của lễ hội này thể hiện không chỉ qua số lượng các làng nghề đăng ký ngày càng đông, mà còn ở tính chuyên nghiệp trong cách tổ chức, chủ trương xã hội hóa cũng được thể hiện rõ và ngày càng nhận được sự hưởng ứng của các nghệ nhân, làng nghề, doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.

Đến thời điểm này, đã có 65 cơ sở nghề và làng nghề trong và ngoại tỉnh (trong đó: trong tỉnh 41, ngoại tỉnh 24) đăng ký tham gia Festival Nghề truyền thống Huế 2017. Có 3 đơn vị chủ động đăng ký mà không đề nghị hỗ trợ kinh phí từ ban tổ chức gồm: Dệt lụa xã Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình), mộc mỹ nghệ Chuyên Mỹ (Hà Nội), làng nghề sản xuất gốm, đan lát, thảm Lục Bình (Vĩnh Long).

Festival nghề Huế 2017 cũng có sự tham gia của 6 thành phố đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó riêng Nhật Bản, một quốc gia với nhiều nghề truyền thống nổi tiếng có đến 4 thành phố tham gia gồm: Shuei, Takayama, Saijo, Shizuoka.

Festival lần này, ngoài các chương trình có dấu ấn từ festival trước như lễ hội ẩm thực, chương trình hội tụ bản sắc châu Á, còn có những chương trình mới trước đây chỉ xuất hiện ở các kỳ Festival Huế (năm chẵn) như: Lễ hội áo dài, liên hoan chiếu phim Hàn Quốc, thậm chí có quy mô lớn hơn như lễ hội khinh khí cầu ở sân Hàm Nghi với sự có mặt của 13 khinh khí cầu lớn nhỏ. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế,  Phó Trưởng ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017, ông Nguyễn Đăng Thạnh cho hay: “Qua 6 kỳ tổ chức, thành phố đang dần định hình quy trình, công nghệ tổ chức festival. Chúng tôi có kế hoạch chuẩn bị sớm, phân công cụ thể từng bộ phận và thành lập các tiểu ban, đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, quảng bá trên tất cả các hình thức: từ việc dán sticker trên các phương tiện giao thông công cộng, trên mạng xã hội facebook, trên tin nhắn di động SMS đến việc mở các hoạt động quảng bá tại các thành phố lớn trong nước, thậm chí tranh thủ quảng bá ở nước ngoài khi các đoàn đi ngoại giao, công tác. Chúng tôi mong muốn tạo ra được không khí ngay từ khi lễ hội chưa bắt đầu”.

Kỳ vọng của TP.Huế là biến các kỳ Festival Nghề truyền thống trở thành một sự kiện lớn, là nơi hội tụ, gặp gỡ, giao lưu các nghệ nhân cả nước. Và chính ở đây, người dân và du khách sẽ nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh làng nghề Việt Nam thu nhỏ.         

Đã chọn được Logo Festival Nghề truyền thống Huế

UBND TP.Huế đã chọn được logo biểu trưng Festival Nghề truyền thống Huế. Đây là mẫu thiết kế của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, dựa trên ý tưởng cách điệu bàn tay vàng, ôm trọn Lầu Ngũ Phụng (Đại nội Huế) với họa tiết hoa trang trí truyền thống Huế lồng ghép một cách mềm mại. Để tìm được biểu trưng trên, thành phố đã chọn lựa và chỉnh sửa dựa trên góp ý của các nhà chuyên môn trên tổng số 18 mẫu thiết kế tham gia. Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống 2017 sẽ công bố và kịp thời bổ sung trong các ấn phẩm phục vụ tuyên truyền, quảng bá lễ hội.

Quang Phong

Theo Báo Thừa Thiên Huế
 Bản in]
Các bài khác