Với diện tích hơn 5.000 km2, dân số 1,1 triệu người, Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, nền văn hóa đặc sắc; có Cố đô Huế là Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam; là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung. Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông quốc lộ 1A, tuyến đường sắt xuyên Việt chạy dọc theo tỉnh, có cảng biển nước sâu Chân Mây, cảng Thuận An; có sân bay quốc tế Phú Bài; có 02 cửa khẩu với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Thừa Thiên Huế được xác định là cực phát triển kinh tế quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là cửa ngõ của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối Myanma, Thái Lan, Lào với biển Đông. Với những điều kiện thiên nhiên, con người cùng những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, Thừa Thiên Huế hội tụ đầy đủ những điều kiện để sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiềm năng, lợi thế của Tỉnh
Thừa Thiên Huế là tỉnh trọng điểm nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung, nằm trên trục giao thông quan trọng Bắc - Nam và trục hành lang kinh tế Đông - Tây, nối cảng Chân Mây với Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và cả Tiểu vùng sông Mê Kông, đồng thời lại là một trong những cửa ngõ chính thông ra biển Đông, có cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Với bờ biển dài 128 km và 22.000 ha đầm phá, có cảng Thuận An và cảng nước sâu Chân Mây hội đủ điều kiện để tiếp nhận các tàu trọng tải đến 50.000 DWT phục vụ giao lưu hàng hoá, tiếp chuyển hàng hoá quá cảnh của Lào, Campuchia và miền Trung Thái Lan, phục vụ du lịch quốc tế đường biển. Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập với mô hình Khu kinh tế tổng hợp, sẽ trở thành trung tâm kinh tế và giao thương quốc tế lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả khu vực tiểu vùng Mê Kông. Với vị trí thuận lợi đó, Thừa Thiên Huế có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế hàng hoá, mở rộng giao lưu kinh tế với các địa phương trong nước và Thế giới.
Thừa Thiên Huế là một trung tâm văn hóa, du lịch và dịch vụ, thành phố Festival của Việt Nam. Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là hai Di sản Văn hoá vật thể và phi vật thể của thế giới; vịnh Lăng Cô là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền, Bạch Mã, Hải Vân, Cảnh Dương, Thuận An, Tam Giang - Cầu Hai, có nhiều đền đài, lăng tẩm, chùa chiền nổi tiếng... tạo cho Thừa Thiên Huế vị thế là một trung tâm du lịch lớn của cả nước, thực hiện sự liên kết về du lịch với các tuyến du lịch của Hành lang kinh tế Đông Tây, với các điểm du lịch của cả vùng KTTĐ miền Trung và cả nước.
Thành phố Huế là một trung tâm giáo dục đào tạo lớn của cả nước và khu vực với 08 trường đại học, nhiều trường cao đẳng, viện nghiên cứu; là trung tâm y tế chuyên sâu lớn thứ 3 của cả nước, trung tâm khám chữa bệnh phục vụ cho nhu cầu phát triển của cả vùng, với Bệnh viện Trung ương Huế có lịch sử 115 năm hình thành và phát triển. Đây là lợi thế để xây dựng, phát triển thành phố Huế thành cực phát triển kinh tế, văn hoá xã hội quan trọng của miền Trung.
Người dân Thừa Thiên Huế văn minh, lịch thiệp, ham học, mang sắc thái đặc thù văn hoá Huế. Nguồn lao động có nhiều tài năng, cần cù thông minh; chất lượng nguồn nhân lực khá cao.
Trong Thông báo kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020; Quyết định số 86/2009/QĐ-TTg ngày 17/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020; đều khẳng định rõ: “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020 Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Châu Á; có đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện”.
Một số kết quả đạt được
Năm 2009, nền kinh tế của tỉnh đạt được những thành tựu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ước đạt 11,19%, trong đó chiếm tỷ trọng trong GDP: dịch vụ chiếm 45,9% (tăng 11% so với kế họach), công nghiệp – xây dựng chiếm 37,6% (tăng 14,4%), nông nghiệp chiếm 16,5% (tăng 2,5%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 7.500 tỷ đồng, tăng 25,2%; thu ngân sách đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 31%; GDP bình quân đầu người đạt 1.003 USD. Chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh từng bước được cải thiện; cơ sở vật chất hạ tầng được tăng cường đầu tư; quá trình đô thị hoá nhanh tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển bền vững, lâu dài.
Thừa Thiên Huế có các chỉ số xếp hạng cao: xếp thứ 10/64 tỉnh thành về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI (năm 2008); xếp thứ 4/64 tỉnh thành về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông - ICT (năm 2009).
Tính đến nay, Thừa Thiên Huế có 66 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 2.455,5 triệu USD, trong đó 17/66 dự án đang xây dựng; có 26/66 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 360 triệu USD, bằng 14,7% vốn đăng ký. Doanh thu cả năm đạt khoảng 250 triệu USD (tăng 25% so với năm 2008), nộp ngân sách đạt hơn 850 tỷ đồng (tăng 3% so với năm 2008).
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2020
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 là phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2015 mang nét đặc trưng của Cố đô – thành phố di sản, thành phố thiên nhiên, thành phố môi trường; trong đó, thành phố Huế hiện nay là đô thị trung tâm, hạt nhân của một hệ thống đô thị văn minh, hiện đại, cùng với thành phố Chân Mây – Lăng Cô, các thị xã : Hương Thủy, Tứ Hạ, Thuận An và các thị trấn vệ tinh khác: Bình Điền, Phú Đa,... Thành phố Thừa Thiên Huế trong tương lai là một thành phố phát triển bền vững, gắn giữa tăng trưởng kinh tế hợp lý với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển theo hướng thành phố xanh, thành phố công viên... Đến năm 2020, Thừa Thiên Huế trở thành một trong nhóm 20 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu cả nước, trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực.
Theo đó, phấn đấu mức tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2011 - 2020 đạt 12 - 13%; GDP bình quân đầu người/năm đạt 4.000 USD/người. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đến năm 2020 cơ cấu kinh tế là: Dịch vụ 47,4%, công nghiệp - xây dựng 47,3%, nông - lâm - ngư nghiệp 5,3%. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1 tỷ USD/năm; tỷ lệ thu ngân sách từ GDP chiếm trên 14% năm 2020; giải quyết khoảng 20 nghìn lao động /năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 60%; 100% các khu đô thị, khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và làng nghề được xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn.
Nhiệm vụ quan trọng nhất là phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tạo sự chuyển biến về chất lượng phát triển. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ với tăng trưởng kinh tế. Không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm... Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh.
Để hoàn thành được những mục tiêu và nhiệm vụ trên, cần có một số giải pháp chủ yếu sau:
Tập trung hoàn chỉnh và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Nâng cấp các tuyến giao thông gắn kết các trung tâm phát triển kinh tế của tỉnh với hệ thống giao thông đối ngoại; tổ chức lại không gian phát triển kinh tế, gắn các khu vực tập trung phát triển kinh tế của tỉnh với hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia; tích cực mở rộng liên kết với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm để phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, cấp điện, hệ thống giao thông, thuỷ lợi, các khu công nghiệp; hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc.
Đầu tư xây dựng đường bộ, đường sắt cao tốc, đường Hồ Chí Minh phía Đông, hầm đường bộ đèo Phú Gia, Phước Tượng; nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 49A, 49B, tuyến đường La Sơn – Nam Đông; đầu tư xây dựng mới các tuyến đường 71, 74 nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 1A và các cảng biển; cầu qua sông Hương, sông An Cựu; Nâng cấp sân bay quốc tế Phú Bài đáp ứng nhu cầu vận chuyển 2 triệu hành khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm; mở rộng và nâng công suất các cảng: Chân Mây, Thuận An...
Đầu tư phát triển thành phố Huế trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng, là trung tâm du lịch, dịch vụ - thương mại, trung tâm văn hoá, nghệ thuật, trung tâm đào tạo đại học, trung tâm y tế chuyên sâu và y tế chất lượng cao, trung tâm khoa học của vùng, trung tâm Festival đặc trưng của Việt Nam, trung tâm giao dịch quốc tế quan trọng của vùng và cả nước.
Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại phù hợp với quần thể Di sản Văn hoá thế giới; phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, du lịch; nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ giá trị cao đạt đẳng cấp quốc gia và quốc tế; ưu tiên huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện trùng tu di tích Cố đô Huế.
Có sự chọn lọc, ưu tiên trong phát triển các ngành công nghiệp sạch không ô nhiễm, các ngành công nghiệp công nghệ cao như: công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử, vật liệu mới, cơ khí tự động hoá, công nghệ sinh học, chế biến thực phẩm chất lượng cao, hàng thủ công, mỹ nghệ đặc thù với truyền thống văn hoá Huế...
Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại - dịch vụ, hình thành một số trung tâm đại lý phân phối bán sỉ, các trung tâm thương mại và hệ thống siêu thị hiện đại, văn minh, mặt hàng đa dạng... là nơi tham quan, mua sắm cho cả khách du lịch và dân cư tại chỗ.
Cơ cấu lại kinh tế nông thôn, gắn kinh tế nông thôn như một vành đai, vệ tinh phát triển của khu kinh tế và các đô thị trong tỉnh. Xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng công nghiệp hóa; phát triển sản xuất thủ công nghiệp, các làng nghề, các ngành phục vụ đời sống, nông nghiệp… góp phần nhanh chóng hình thành hệ thống đô thị nông thôn (thị trấn, thành phố vườn) trong quá trình phát triển chung của Thừa Thiên Huế.
Ưu tiên đầu tư phát triển mạnh Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô thành trung tâm kinh tế và đô thị quan trọng phía Nam của tỉnh, từng bước trở thành trung tâm kinh tế của vùng KTTĐ miền Trung và cả nước; tiến hành sắp xếp quy hoạch đồng bộ các cơ sở hạ tầng; phát triển đầu tư nhanh khu phi thuế quan, trung tâm thương mại, các trung tâm dịch vụ du lịch, các dự án du lịch trọng điểm: Khu du lịch Laguna Huế, Khu du lịch Bãi Chuối...
Hoàn thiện quy hoạch không gian lãnh thổ theo hướng tạo chuỗi các đô thị gắn kết với nhau và với các khu vực nông thôn bằng bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ theo xu hướng khai thác hiệu quả quỹ đất; hệ thống giao thông phải đảm bảo gắn kết các đô thị, điểm dân cư và các khu công nghiệp (KCN) tập trung.
Hình thành và phát triển các hạt nhân tăng trưởng kinh tế của tỉnh trên cơ sở phát triển nhanh thành phố Huế - đô thị loại I - thành phố Festival, đẩy mạnh vai trò trung tâm văn hoá, du lịch, y tế, đào tạo đại học, trung tâm thương mại và giao dịch của cả vùng KTTĐ miền Trung; hình thành các thị xã: Thuận An, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền, A Lưới và các thị trấn huyện lỵ khác; từng bước hiện đại hoá hệ thống đô thị, xây dựng các khu đô thị mới theo hướng hiện đại nhằm chuyển nhanh cơ cấu lao động của tỉnh và đạt mục tiêu về tỷ lệ dân số đô thị đến năm 2010 khoảng 50% và năm 2020 đạt khoảng 70%.
Chú trọng sự phát triển bền vững, giải quyết tốt các vấn đề về an toàn môi trường ngay trong công tác quy hoạch và điều hành. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hoá cần chú trọng sự phát triển bền vững, không để xảy ra các sự cố môi trường sinh thái, môi trường đô thị…
Xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước. Coi kinh tế biển và đầm phá là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Đẩy mạnh hợp tác phát triển giữa Thừa Thiên Huế với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước.
Phát huy nhân tố con người, coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đó là nguồn lực phát triển quan trọng của Thừa Thiên Huế. Gắn giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật với thị trường sức lao động. Phát huy thế mạnh của một trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao, trung tâm y tế chuyên sâu đi đôi với việc thực hiện xã hội hoá sự nghiệp y tế, giáo dục đào tạo. Nâng cao trình độ dân trí của dân cư, đặc biệt là dân cư nông thôn và miền núi. Coi trọng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ đầu đàn, cán bộ khoa học kỹ thuật, các nhà doanh nghiệp và công nhân lành nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Đảm bảo phát triển bền vững về xã hội, phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với phát triển xã hội, xoá đói giảm nghèo và nâng cao mức sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
Coi trọng công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy dân chủ và sức mạnh của các thành phần kinh tế, tạo môi trường thân thiện với các nhà đầu tư.
Đảm bảo an ninh - quốc phòng gắn phát triển kinh tế với nhiệm vụ an ninh quốc phòng tạo thế ổn định vững chắc về chính trị để phát triển kinh tế và xã hội. Chú trọng phát triển kinh tế gắn với yêu cầu tăng tiềm lực quốc phòng trên các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, bưu chính - viễn thông, vận tải, công nghiệp, thủy sản...
Xây dựng Huế là 1 trong 5 đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; là trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của miền Trung và cả nước. Đây là niềm vinh dự và tự hào to lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cùng hướng về mục tiêu sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố Trực thuộc trung ương. Toàn tỉnh đang tập trung mọi nỗ lực thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, sớm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước thành hiện thực, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế./.