Những năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng tỉnh Thừa Thiên Huế được phát triển mạnh mẽ, đồng bộ. Các ngành giao thông, điện, cấp thoát nước, sân bay, cảng biển… không ngừng phát triển và đổi mới công nghệ nhằm đáp ứng tốt nhất cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giao thông vận tải trên địa bàn Thừa Thiên Huế có những bước phát triển quan trọng. Đó là đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông mang tầm vóc quốc gia, tạo thành hệ thống liên hoàn giữa các vùng, rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa với các vùng đồng bằng, đô thị. Việc hoàn thành nâng cấp sân bay Phú Bài thành sân bay quốc tế đã đáp ứng việc cất, hạ cánh cho máy bay cỡ lớn, bay cả ban ngày lẫn ban đêm và trong mọi thời tiết, có khả năng đón các chuyến bay từ nước ngoài vào để tạo điều kiện cho khách du lịch nước ngoài bay trực tiếp đến Huế, thúc đẩy ngành dịch vụ - du lịch thành mũi nhọn kinh tế của tỉnh nhà. Đưa vào sử dụng cầu cảng số 1 cảng nước sâu Chân Mây với khả năng đón tàu 50 ngàn tấn, mở ra một hướng phát triển mới cho khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Cũng tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, dự án phát triển hạ tầng với hơn 100.000m2 nhà xưởng xây dựng sẵn, với tổng vốn đầu tư 1.279 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn - Huế (SGH), thành viên của tập đoàn Đầu tư Sài Gòn - Saigon Invest Group (SGI) làm chủ đầu tư đang chờ đón các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thông xe hầm đường bộ Hải Vân, đường Hồ Chí Minh phía Tây đã tháo gở những ách tắc trầm trọng cho việc lưu thông hàng hóa, hành khách theo hướng tuyến Bắc - Nam nhất là trong mùa bão lũ. Quan trọng hơn, việc hoàn thành mở hai cửa khẩu Hồng Vân, Cu Tai (nối với tỉnh Sa-ra-van) và A Đớt - Tà Vàng (nối với tỉnh Sê - Kông) tạo thêm năng lực mới cho việc thông thương hàng hóa và phát triển hợp tác kinh tế của Thừa Thiên Huế với các tỉnh Nam Lào và Thái Lan...
Hệ thống cầu vượt phá Tam Giang (Trường Hà, Tư Hiền) và hiện nay đang triển khai thi công cầu Ca Cút, tạo một hệ thống đường ngang nối liền hai bờ Đông - Tây của phá Tam Giang, xóa thế chia cắt nhiều năm nay đối với nhân dân ven biển. Hệ thống giao thông nông thôn cũng đã được kiên cố hóa rộng khắp, tuyến đường lên hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới đã được nâng cấp, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng. Đến nay toàn tỉnh đã nhựa hóa được 80% đường tỉnh, bê tông hóa 70% đường giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã), 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Chương trình phát triển đô thị (trong đó có phát triển giao thông vận tải) cũng đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, nhiều công trình giao thông quan trọng được xây dựng và hoàn thành đã góp phần cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp như cầu Chợ Dinh, cầu Gia Hội, cửa ngõ Bắc - Nam thành phố Huế, đường Tự Đức - Thủy Dương, đường lên lăng Tự Đức …
Nhằm đảm bảo cung cấp điện, phục vụ kịp thời các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và đời sống nhân dân tỉnh nhà, Điện lực Thừa Thiên Huế đã luôn tìm mọi biện pháp để tăng sản lượng điện thương phẩm. Đối với các khu công nghiệp, các phụ tải công nghiệp và dịch vụ, du lịch, đơn vị thường xuyên phối hợp nắm bắt nhu cầu về điện của các nhà đầu tư, từ đó có kế hoạch, chủ động đầu tư xây dựng lưới điện đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Sản lượng điện hàng năm tăng bình quân 14 - 15%, năm 2009 ước đạt 825 triệu KWh, tăng 70% so với năm 2005, doanh thu đạt gần 749 tỷ đồng, phấn đấu năm 2010 đạt 1 tỷ KWh điện. Bên cạnh đó, đơn vị đã tích cực triển khai và hoàn thành việc tiếp nhận, quản lý lưới điện trung, hạ áp nông thôn, miền núi theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Điện lực 3. Đến nay, đơn vị đã đưa điện lưới về 152/152 xã, phường trên toàn tỉnh. Để nâng cao hiệu quả lao động, đơn vị đặc biệt quan tâm đến công tác giảm tỉ lệ điện dùng để truyền tải, phân phối. Mặc dù tiếp nhận quản lý vận hành một khối lượng lớn lưới điện trung, hạ áp nông thôn do địa phương chuyển giao hầu hết không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nhưng nhờ làm tốt công tác quản lý kỹ thuật và sửa chữa cải tạo nên đảm bảo việc cấp điện an toàn và tỷ lệ điện dùng để truyền tải, phân phối hàng năm giảm rõ rệt.
Xuất phát từ nhu cầu sử dụng điện của xã hội ngày càng tăng cao, thời gian tới Điện lực sẽ tập trung thực hiện tốt một số mục tiêu trọng tâm sau: ưu tiên phát triển nguồn, lưới điện truyền tải và các TBA từ 110KV - 500KV trên địa bàn tỉnh; đầu tư để phát triển thêm hơn 100 trạm biến áp (TBA) phân phối có cấp điện áp từ 10 - 35/0,4 KV; xây dựng mới hơn 110 Km đường dây trung áp 22 KV và 35 KV; 170 Km đường dây hạ áp. Đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục và chất lượng. Xây dựng mỗi huyện một Chi nhánh điện để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý vận hành và nắm bắt kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khách hàng ngày một tốt hơn. Ngoài ra còn đẩy mạnh công tác phát triển dịch vụ viễn thông (đến nay, điện lực Thừa Thiên Huế đã phát triển trên 54.700 thuê bao viễn thông điện lực).
Đến nay, Công ty TNHH Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế đã có 10 nhà máy trực thuộc, với công suất thiết kế 99.200m3/ngày đêm. Hơn 100 năm phát triển và trưởng thành, nhất là kể từ thời kỳ đổi mới đến nay, hệ thống đường ống của Công ty không ngừng phát triển. Hiện Công ty có gần 800.000 mét tuyến ống cấp nước chính các loại, có đường kính từ DN50 đến DN 1.000mm. Trong đó, giai đoạn từ năm 1909 đến năm 1975 có 62.700 mét, từ năm 1975 đến năm 1993 là 41.000 mét, chủ yếu các loại ống gang xám và ống thép; từ năm 1993 đến 1999 có 176.900 mét tuyến ống, chủ yếu là ống gang dẻo; từ năm 1999 đến năm 2004 có 454.400 mét, chủ yếu các loại ống gang dẻo, ống PVC và nhất là ống HDPE chất lượng cao.
Hệ thống đường ống chính do Công ty thiết kế, thi công và bố trí hợp lý, có tính đến quy hoạch tới năm 2010. Hệ thống đường ống cấp nước đã vượt khỏi phạm vi thành phố, đến các thị trấn, thị tứ, vùng nông thôn của tất cả các huyện trong tỉnh, đến các trung tâm công nghiệp dịch vụ quan trọng của tỉnh. Được phân chia thành các hệ thống cấp nước riêng biệt, bao gồm: Hệ thống cấp nước thành phố Huế và các huyện phụ cận gồm Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Hương Thuỷ; Hệ thống cấp nước A Lưới; Hệ thống cấp nước Nam Đông; Hệ thống cấp nước Chân Mây Phú Lộc; Hệ thống cấp nước Bạch Mã; Hệ thống cấp nước Phong Hoà, Phong Bình và Phong Chương; hệ thống cấp thoát nước qua phá Tam Giang phục vụ cho nhân dân 5 xã ven biển thuộc huyện Phú Lộc.
Bên cạnh đó, Công ty đã chú trọng công tác cập nhật, quản lý bản đồ hệ thống đường ống cấp nước. Thiết lập bản đồ mạng đường ống, cập nhật thường xuyên và quản lý bằng phần mềm Mapinfo, Epanet. Điều này cho phép Công ty quản lý, vận hành mạng đường ống dễ dàng và hiệu quả.
Với mục tiêu xây dựng Công ty trở thành một trong những đơn vị cấp nước có trình độ quản lý tiên tiến, công nghệ hiện đại ngang tầm với các Công ty cấp nước trong nước và thế giới, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh nhà, phù hợp với định hướng phát triển cấp nước các đô thị đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện dự án nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước giai đoạn II, nâng tổng công suất đạt 206.500m3/ngày đêm vào năm 2010. Tiếp tục thực hiện “Chương trình phát triển bền vững mạng lưới cấp nước”, vừa phát triển nhanh hệ thống đường ống cấp nước, vừa cải tạo mạng vững bền, phấn đấu đến năm 2010 cấp nước cho 111/152 phường xã, thị trấn trong tỉnh, trong đó, cấp nước cho 100% dân thành phố Huế, 90% dân các thị trấn thị tứ và các xã vùng ven. Tiếp tục thực hiện “Chương trình tiến đến mục tiêu cấp nước uống được an toàn trên toàn mạng”. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, chuyển dần từ sử dụng clo khử khuẩn nước sang dùng tia cực tím/ozone, kết hợp với javen. Phấn đấu giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống dưới 15% vào năm 2010.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên tỉnh Thừa Thiên Huế đi trước một bước về phát triển cơ sở hạ tầng tạo nên bộ mặt của một đô thị lớn, một thành phố công nghiệp trong nay mai.