Di sản văn hóa Huế - Động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội Thừa Thiên Huế
  
Thừa Thiên Huế nằm ở vị trí trung độ của cả nước, trên trục giao thông chính Bắc Nam, tuyến hành lang Kinh tế Đông - Tây, là cực phát triển kinh tế quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Thừa Thiên Huế đang bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa mang đậm đặc trưng của vùng văn hóa phương Đông. Đây chính là nguồn lực và tiềm năng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Đại Nội Huế
Đại Nội Huế

* Tiềm năng thế mạnh của vùng di sản văn hóa

 

Thừa Thiên Huế đang gìn giữ kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Với gần 1000 di tích bao gồm di tích lịch sử cách mạng, di tích tôn giáo, di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới (năm 1993).

Thừa Thiên Huế còn là nơi tập trung những di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng, được bảo tồn, khai thác và phát huy. Từ những loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình bác học, nghệ thuật trang trí đến những phong tục tập quán mang đậm những nét riêng của từng vùng đất. Trong đó, Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (năm 2003) và đang được tích cực gìn giữ và phát huy giá trị. Các loại hình múa hát cung đình, lễ nhạc cung đình, tuồng Huế, ca Huế, ca kịch Huế và các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ đã và đang tiếp tục được đầu tư sưu tầm, khôi phục, phát huy và phát triển.

Thừa Thiên Huế có hơn 500 lễ hội bao gồm lễ hội cung đình, lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội tôn giáo tồn tại cùng với truyền thống văn hóa lâu đời của mỗi vùng miền. Hiện nay, có hơn 100 lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống và hiện đại đã được các địa phương khôi phục và phát huy, bao gồm lễ hội cung đình Huế (lễ tế Đàn Nam Giao, lễ tế Đàn Xã Tắc, lễ hội thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn, Lễ Truyền Lô..), các lễ hội văn hóa tín ngưỡng tôn giáo (lễ hội Điện Huệ Nam, lễ hội Quán Thế Âm, lễ Phật Đản...), lễ hội tưởng nhớ các vị khai canh, thành hoàng, lễ tưởng niệm các vị tổ sư làng nghề (lễ hội Cầu ngư, Vật võ Làng Sình, vật võ Làng Thủ Lễ, Đu tiên Phong Điền, lễ hội Làng Chuồn, lễ hội đua ghe...) và nhiều lễ hội khác như lễ hội Đền Huyền Trân, Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch đồng bào các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế, Lăng Cô huyền thoại biển, Festival Thuận An Biển gọi, Ấn tượng Bạch Mã... Đặc biệt, Festival Huế được định kỳ tổ chức hai năm một lần vào các năm chẵn, Festival Nghề truyền thống Huế tổ chức hai năm một lần vào các năm lẻ đã trở thành một sinh hoạt văn hóa, lễ hội ấn tượng, đặc sắc, tạo nên nét độc đáo cho vùng đất.

Nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị văn hóa của một vùng đất đã được bảo tồn, khôi phục và phát huy, tạo sự hấp dẫn khách du lịch như các làng điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian Làng Sình, tranh thêu cố đô, đan lát Bao La, gót Dã Lê, đúc đồng Phường Đúc, dệt Zèng A Lưới.

Thừa Thiên Huế cũng là vùng đất lưu giữ những giá trị nghệ thuật ẩm thực với gần 1.700 món ăn cung đình và dân gian độc đáo, hấp dẫn. Phát huy lợi thế di sản văn hóa Huế - nguồn tài nguyên quý giá, ngành kinh tế - du lịch kết hợp với những tiềm năng khác của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển khá toàn diện và bền vững, trở thành một trong những trung tâm văn hóa - du lịch lớn của cả nước, thực hiện sự liên kết phát triển với các tuyến du lịch của hành lang Đông - Tây và các điểm du lịch Phong Nha - Cố đô Huế - Hội An - Mỹ Sơn, hình thành nên “Con đường di sản miền Trung”.

 

* Khai thác hợp lý nguồn tài nguyên văn hóa phát triển du lịch, dịch vụ

 

Với lợi thế về tài nguyên di sản và lễ hội, Thừa Thiên Huế đã khai thác và phát huy lợi thế đó, đưa du lịch trở thành một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và của cả khu vực miền Trung. Năm 1990, dịch vụ du lịch chỉ chiếm 25-35%, đến nay đã vươn lên chiếm tới hơn 43% trong tổng thu nhập kinh tế của tỉnh. Ngành du lịch từ chỗ chỉ có 30 khách sạn với 150 phòng, nay đã tăng lên gần 160 khách sạn với 6000 phòng, trong đó có 36 khách sạn được công nhận là khách sạn 1-5 sao. Những doanh nghiệp du lịch tiêu biểu như làng Hành hương, Sài Gòn Morin, Hoàng Cung, Celadon Palace, Century, Hương Giang, Park View, Festival Huế, La Résidence, Xanh Huế, Queen Huế... các khu du lịch Lăng Cô, Làng Xanh, Mỹ An, Thanh Tân... Doanh thu từ dịch vụ du lịch ngày càng tăng cao, tốc độ tăng trưởng bình quân 30-35% năm, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế đạt từ 300.000 lượt mỗi năm, đến nay đã tăng lên từ 1,5 đến 2 triệu lượt khách mỗi năm. 

Du lịch văn hóa, lễ hội ngày càng được khai thác và phát huy có hiệu quả, đây là tâm điểm thu hút một số lượng lớn các quan chức, các nhà nghiên cứu các nhà khoa học, các vận động viên, khách tham quan trong và ngoài nước đến tham dự các hội nghị, các giải thi đấu thể thao và tham quan du lịch. Chính nhờ hiệu quả kinh doanh dịch vụ du lịch nên Thừa Thiên Huế cũng là địa bàn thu hút các nhà đầu tư, có nhiều chương trình hợp tác được triển khai, trong đó có những dự án đầu tư du lịch trên 1 tỷ USD.

Không chỉ là vùng đất mang đậm nét văn hóa đặc sắc của phương Đông, Thừa Thiên Huế còn là một vùng đất có nhiều nguồn lực và tiềm năng thu hút đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đô thị Huế đang từng bước khẳng định là Thành phố du lịch, Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Qua 5 kỳ tổ chức Festival Huế, Thừa Thiên Huế đã khẳng định năng lực và tiềm năng tổ chức lễ hội quốc tế. Đặc biệt, sau khi Chính phủ có Quyết định 143/2007/QĐ-TTg (ban hành ngày 30/8/2007) phê duyệt Đề án xây dựng Huế trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và Quyết định số 1085/QĐ-TTg (ban hành ngày 12/8/2008) phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, và mới đây, trong Kết luận 48-KL/TW (ngày 25/5/2009) của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 đã khẳng định vai trò, vị thế của văn hóa Huế trong sự phát triển của miền Trung và cả nước.

 

* Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

 

Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tập trung đẩy mạnh công tác tu bổ hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, cảnh quan môi trường, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học nhằm phát huy tốt các giá trị của hệ thống di tích trên địa bàn, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân và thu hút khách đến tham quan du lịch.

Gắn việc bảo tồn phát huy giá trị di tích với hình thành các công trình, thiết chế văn hóa, cơ sở dịch vụ lớn trên địa bàn Thành phố Huế và các khu vực lân cận phù hợp các quy hoạch trên địa bàn. Tiến hành điều chỉnh, quy hoạch hệ thống di tích, các cơ sở hạ tầng, chú trọng nâng cao chất lượng các phương tiện vận chuyển phù hợp với điều kiện giao thông đi lại, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ giá trị cảnh quan, môi trường sinh thái, không gây ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, nước thải. Xây dựng cơ chế nhằm điều tiết, hạn chế số dân trong các khu vực khoanh vùng bảo vệ khu vực I, II của di tích, đồng thời tuyên truyền làm cho người dân ý thức tham gia vào công tác bảo vệ di sản, các loại hình hoạt động nhằm phát triển du lịch, dịch vụ. Tăng cường quản lý chặt chẽ về cảnh quan, môi trường, hạn chế các công trình xây dựng tạo sự đối nghịch, làm phá vỡ cảnh quan của thành phố lịch sử.

Nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý về du lịch nhằm đề ra những biện pháp, giải pháp hữu hiệu để quản lý chặt chẽ việc phát triển các khu lưu trú, nghỉ dưỡng. Tăng cường các biện pháp, lập lại trật tự tại các điểm tham quan du lịch, khắc phục tình trạng chèo kéo, ăn xin. Quy hoạch các loại hình dịch vụ đảm bảo trật tự mỹ quan, tăng các loại hình dịch vụ cung cấp các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, cao cấp, mang đặc trưng của vùng đất Thừa Thiên Huế.

Mở rộng phạm vi tham quan nhằm đưa khách đến với các hoạt động văn hóa, lễ hội, di chỉ khảo cổ, làng nghề truyền thống; tham quan hệ sinh thái biển, đầm phá; du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trên biển, thể thao dưới nước, du lịch mạo hiểm... Từng bước xây dựng các điểm du lịch gắn với giá trị cảnh quan độc đáo, phát huy có hiệu quả loại hình du lịch tâm linh; hình thành mới các loại hình dịch vụ, hình thành các điểm vui chơi giải trí; các điểm du lịch sinh thái.

Tăng cường các hoạt động hợp tác phát triển về văn hóa, giáo dục, đào tạo, tăng cường hoạt động ngoại giao thông qua các hiệp hội và tổ chức xã hội, hướng đến hợp tác phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa - xã hội. Tranh thủ sự hợp tác trong việc trùng tu, bảo vệ các di tích trên địa bàn. Triển khai các chương trình nghiên cứu về tài nguyên văn hóa, về quan hệ và tác động giữa di sản văn hóa với phát triển du lịch; di sản và lễ hội; các biện pháp chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, du lịch, thể dục thể thao...

Di sản văn hóa là vốn quý, hoạt động văn hóa luôn gắn kết chặt chẽ và mật thiết với những bước đi và sự phát triển kinh tế - xã hội ở Thừa Thiên Huế. Với những nguồn lực đầy tiềm năng, di sản văn hóa Huế đã góp phần tạo ra động lực mới củng cố vị thế Trung tâm văn hóa - du lịch, tạo tiền đề để phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành Thành phố trực thuộc trung ương.
Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 Trang kế Trang cuối