Phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao và ổn định thu nhập cho người nông dân luôn là định hướng và mục tiêu của tỉnh Thừa Thiên Huế nhất là hiện nay khi toàn Tỉnh đang nỗ lực phấn đấu về mọi mặt sớm đưa Tỉnh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.
Những năm gần đây, cơ cấu sản xuất Nông nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều thay đổi,tuy diện tích sản xuất không tăng nhưng giá trị sản xuất Nông nghiệp đều tăng cao hàng năm.. Đó là nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, phù hợp yêu cầu đẩy mạnh tiến trình CNH, HĐH. Năm 2009, tỉnh đạt sản lượng 290 nghìn tấn lương thực (năm 2000 đạt 196 nghìn tấn), cao nhất từ trước đến nay. Bước đột phá này nhờ bắt đầu từ vấn đề giống lúa. Năm 2000, toàn tỉnh mới có 12% giống lúa gieo cấy là giống xác nhận, đến năm 2009 tăng lên gần 92%, đưa năng suất lúa bình quân tăng tương ứng từ 38,3 tạ lên 55 tạ/ha. Huyện miền núi Nam Đông đạt năng suất lúa nước bình quân 49,34 tạ/ha; huyện miền núi A Lưới đạt bình quân 44 tạ/ha. Một số cây trồng chủ yếu có diện tích tăng nhanh như cao su, cà phê, lạc, sắn công nghiệp. Những năm gần đây, tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp cơ bản hoàn thiện đã góp phần từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất. Chính nhờ kết cấu hạ tầng cơ bản hoàn thiện đã tạo thuận lợi trong việc triển khai thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa” sớm được hoàn thành. Việc hoàn thành “dồn điền đổi thửa” không chỉ góp phần nâng cao năng suất lúa, rau màu mà còn tạo điều kiện cho việc hình thành các vùng chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thực tế trên địa bàn huyện đã hình thành một số mô hình chuyên canh rau an toàn, các trang trại gà an toàn, trang trại tổng hợp cho thu nhập bình quân mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Kết cấu hạ tầng thuận lợi thật sự góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân được nâng lên đáng kể. Đầu tư xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp là chủ trương lớn được tỉnh hết sức quan tâm. Đến nay hầu hết hệ thống đồng ruộng trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư xây dựng giao thông nội đồng. Ngoài những tuyến đường chính ra đồng ruộng được xây dựng bằng bê tông, các địa phương còn đắp nhiều tuyến đê bằng đất cấp phối để đưa các phương tiện cơ giới vào đồng ruộng. Chính nhờ vậy việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bình quân đạt gần 70%, một phần là nhờ hệ thống giao thông nội đồng được đầu tư cơ bản hoàn thiện.
Hệ thống kênh mương thuỷ lợi cũng được tỉnh từng bước đầu tư xây mới và nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp. đến nay ngành nông nghiệp và các địa phương đã kiên cố hoá hơn 2/3 trong số 1015 km kênh mương trên địa bàn tỉnh. Phần lớn các công trình kênh mương được bê tông khoảng ba năm trở lại đây đều phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả. Cùng với giao thông nội đồng, công trình kênh mương, nhiều hệ thống đê bao, thuỷ lợi đã và đang được tỉnh quan tâm đầu tư xây mới và nâng cấp kịp thời phục vụ tưới tiêu, góp phần ngăn lũ tiểu mãn đầu vụ. Toàn tỉnh hiện có khoảng 485 công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ, trong đó có trên 250 trạm bơm điện, còn lại là hồ, đập; có khoảng 700 km kênh mương được bê tông hoá. Các công trình đã chủ động tưới cho khoảng 18 ngàn ha mỗi vụ, đạt 72,7% diện tích và tiêu khoảng 7.000 ha, đạt gần 60% diện tích sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Nhờ chủ động được tưới tiêu đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, riêng năng suất lúa năm 2009 bình quân toàn tỉnh đạt 53,6 tạ/ha. Đến năm 2015 và tầm nhìn 2020, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, góp phần đưa ngành nông nghiệp lên tầm cao mới. UBND tỉnh đã xây dựng đề án đầu tư xây dựng các công trình đê bao, thuỷ lợi đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư cho các công trình khoảng 14 ngàn tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2008-2015 là 11.200 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 2.800 tỷ đồng. Mục tiêu tiêu đến năm 2015 là đầu tư xây mới và nâng cấp hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp. Các công trình được xây dựng đảm bảo quy mô lớn theo hướng đa mục tiêu, đảm bảo điều tiết nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp hạn chế lũ lụt và phòng chống cháy rừng. Từ nay đến năm 2015, tỉnh tiếp tục đầu tư xây mới, nâng cấp các đập dâng, hồ chứa và các trạm bơm điện tại các vùng lưu vực sông Ô Lâu, sông Hương, sông A Sáp, vùng phía nam Phú Lộc... cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho cho toàn bộ diện tích nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các công trình được xây dựng như hồ chứa nước Ô Lâu với dung tích khoảng 40 triệu mét khối, phục vụ tưới cho khoảng 5.211 ha lúa, kết hợp tạo nguồn nuôi trồng thuỷ sản; xây mới hồ Thuỷ Yên-Thuỷ Cam nhằm cấp nước tưới cho khoảng 1.270 ha lúa, kết hợp tạo nguồn phục vụ dân sinh bình quân mỗi ngày đêm 25 ngàn mét khối. Tiếp tục nạo vét hệ thống kênh mương thuỷ lợi đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh. Xây dựng các công trình, trạm bơm nhằm đưa nước từ hồ Truồi phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các vùng ven biển hai huyện Phú Vang và Phú Lộc... Phấn đấu đến năm 2015, các công trình hoàn thành đảm bảo tiêu úng khoảng 11.200 ha/vụ bằng thiết bị động cơ và tiêu tự chảy khoảng 12 ngàn ha; đến năm 2020 chủ động tiêu úng khoảng 11.634 ha/vụ bằng động cơ và 12 ngàn ha tự chảy... Đối với hệ thống đê bao sẽ được đầu tư kết hợp giao thông nội đồng nhằm phục vụ cơ giới hoá trong sản xuất một cách thuận lợi. Riêng đối với công trình lớn hồ Tả Trạch đa mục tiêu mang tầm chiến lược mặc dù còn gặp một số khó khăn về thay đổi thiết kế,nhưng sẽ sớm hoàn thành phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Để phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định, đúng với yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương, biện pháp hiện nay của Thừa Thiên Huế là nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch, ổn định diện tích gieo trồng lúa nước có năng suất hiệu quả cao, hạn chế tới mức thấp nhất việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nước sang xây dựng khu công nghiệp hoặc khu đô thị. Chuyển dịch mạnh mẽ, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi và nguồn lao động nông thôn. Đa dạng hóa cơ cấu sản xuất, kinh doanh nhằm tạo thêm việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, phân công lại lao động nông thôn, tạo điều kiện cho việc định cư ổn định, giảm sức ép di dân từ nông thôn ra thành thị. Về nông dân, tỉnh tập trung sức giải quyết việc làm, nâng thu nhập cho dân cư nông thôn bằng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển nông-lâm-ngư, ngành nghề. Thực hiện lồng ghép các chương trình dạy nghề cho nông thôn và doanh nhân nông thôn giỏi về quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh, khả năng tiếp thị, xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở vừa có tâm vừa có tầm để phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững.