Thừa Thiên Huế với các chính sách thu hút đầu tư
  
Trong những năm qua nền kinh tế Thừa Thiên Huế đạt mức tăng trưởng khá so với cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng du lịch, dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp. Tuy vậy, như các tỉnh khác trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Thừa Thiên Huế vẫn còn đang khó khăn trong việc hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc huy động các nguồn vốn đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, cơ sở hạ tầng và phát huy lợi thế của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo của Nhà nước là trách nhiệm của lãnh đạo các Ban, Ngành. Căn cứ vào các quy định của Nhà nước về đầu tư, Thừa Thiên Huế khuyến khích và có chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có vốn đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn.
Khởi công xây dựng Nhà máy Xi măng Nam Đông
Khởi công xây dựng Nhà máy Xi măng Nam Đông

Ưu đãi về đất đai: Dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp được thuê đất với mức ưu đãi như sau: Giá thuê đất có hạ tầng tại khu công nghiệp (KCN) Phú Bài: 0,32 USD/m2/năm. Giá thuê đất tại các KCN khác: tuỳ theo điều kiện hạ tầng được áp dụng mức giá sàn, thấp nhất theo qui định chung.

Ưu đãi về thuế: Cơ sở sản xuất thành lập trong KCN được hưởng mức thuế suất 15% trong thời gian 12 năm kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh; Được miễn thuế 03 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 7 năm tiếp theo.
Dự án đầu tư kinh doanh và phát triển hạ tầng KCN; Dự án doanh nghiệp chế xuất được hưởng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động kinh doanh; Được miễn thuế 04 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Chính sách một giá: Áp dụng chính sách một giá đối với các loại phí: giá nước sạch, nước thô, phí thu gom rác, phí xây dựng và các loại phí khác thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh. Hỗ trợ kinh phí đào tạo: Nhà đầu tư được hỗ trợ tối đa 30% kinh phí đào tạo nâng cao tay nghề lần đầu hoặc đào tạo lại khi thay đổi dây chuyền công nghệ cho công nhân trực tiếp sản xuất tại các trung tâm dạy nghề trong nước. Trường hợp tự đào tạo theo hợp đồng chuyển giao công nghệ tại đơn vị hoặc phải gửi công nhân ra nước ngoài đào tạo, nhà đầu tư cũng được hưởng chính sách trên, nhưng mức hỗ trợ chỉ tương đương với mức hỗ trợ đào tạo tại các trung tâm dạy nghề trong nước.

Các doanh nghiệp thực hiện xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9000, ISO 14000, SA8000, HACCP, GMP được hỗ trợ 30% kinh phí tư vấn và chứng nhận mà doanh nghiệp phải chi trả theo hợp đồng được cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

Các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đăng ký bản quyền nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền phát minh sáng chế... được hỗ trợ 50% kinh phí phải chi trả theo hợp đồng được cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

Ngoài ra, tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư:

Theo quy định mới của Bộ Tài chính, các dự án đầu tư mới trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động và được miễn trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

Mức thuế này sẽ được giảm 50% cho 9 năm kế tiếp. Các dự án đầu tư có quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển ngành cũng được áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện, sau khi được Chính  phủ chấp thuận.

Trong quá trình hoạt động, sau khi quyết toán với cơ quan thuế mà bị lỗ, doanh nghiệp được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm.

Người có thu nhập cao (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) làm việc tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được giảm 50% số thuế thu nhập có được do làm việc trên địa bàn, gồm cả thu nhập thường xuyên và không thường xuyên.

Cũng theo quy định mới, các loại hàng hóa từ khu phi thuế quan xuất khẩu ra nước ngoài và ngược lại, hay hàng hóa từ khu phi thuế quan chuyển sang hoặc bán cho các khu phi thuế quan khác... sẽ không thuộc diện chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Hàng hóa được sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi CEPT nếu đủ điều kiện theo quy định hiện hành. Ngoài ra các dự án đầu tư sản xuất trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô của các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện và bán thành phẩm mà trong nước chưa sản xuất được trong 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất.

Tuấn Mỹ
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 Trang kế Trang cuối