Chương trình hành động Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030
  

(Theo Chương trình số 312/CTr-UBND ngày 11/10/2021 của UBND tỉnh)

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hành động về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa thực hiện đầy đủ, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế  khóa XVI.

2. Xác định rõ các nhiệm vụ để các Sở, ngành, địa phương và cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức triển khai đạt mục tiêu đề ra nhằm phát triển Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á. Tăng cường phối hợp đồng bộ của các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện chương trình hành động.

3. Tổ chức thực hiện phải gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá và định kỳ báo cáo kết quả với UBND tỉnh.

II. Mục tiêu và chỉ tiêu

1. Mục tiêu:

Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, Thành phố Văn hóa ASEAN, Thành phố Du lịch sạch ASEAN, Thành phố bền vững môi trường ASEAN và đạt danh hiệu Thành phố Sáng tạo về văn hóa.

2. Một số chỉ tiêu cụ thể

a) Hoàn thành Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.

b) Bảo quản, tu bổ, phục hồi 5 công trình thuộc cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh. Lập hồ sơ đề nghị xếp hạng 25 di tích có giá trị tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành công tác cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích. Kiểm kê toàn bộ hệ thống di tích, di vật; 70% di tích, di vật được lập hồ sơ khoa học; 60 - 70% các di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê và lập hồ sơ.

c) Hoàn thiện hồ sơ Ca Huế đệ trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; xây dựng 5 hồ sơ đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có Ẩm thực Huế (Bún bò Huế, Bánh Huế, Chè Huế), Áo dài Huế, Nghề làm gốm Phước Tích.

d) Hoàn thành một số thiết chế văn hóa: Quảng trường trước Trung tâm Thể thao tỉnh, Trung tâm Văn hoá và Hội nghị tỉnh, Di dời Bảo tàng Lịch sử tỉnh, Bảo tồn tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên, Trung tâm biểu diễn Ca Huế thính phòng, nâng cấp cơ sở Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (giai đoạn II), Thư viện Tổng hợp tỉnh.

đ) Phấn đấu 95% gia đình, khu dân cư đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 95% cơ quan, đơn vị và 80% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đóng trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn văn hóa; 100% các xã đăng ký xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

III. Nhiệm vụ

1. Xây dựng hệ giá trị, phát triển văn hóa Huế, con người Huế mang đậm bản sắc dân tộc và bản sắc văn hóa Huế

- Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc của văn hóa Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống mang tính độc đáo, đặc trưng, tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, con người xứ Huế.

- Chăm lo phát triển đời sống văn hóa xã hội, chú trọng các giá trị văn hóa truyền thống gia đình, tính cộng đồng, thân thiện, mến khách, xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hóa, đậm bản sắc văn hóa Huế, hướng tới một xứ sở hạnh phúc.

2. Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa                                                                                                                                             

- Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong mối quan hệ hài hòa với quy hoạch và phát triển đô thị; đầu tư tu bổ, tôn tạo, rà soát các công trình, di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu có chất lượng cao về khoa học bảo tồn và môi trường văn hóa, trong đó tập trung cho các di tích cấp quốc gia đặc biệtdi tích cấp tỉnh quan trọng; lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích; hoàn thành công tác cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích trên địa bàn tỉnh.

- Hoàn thành Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế. Triển khai Giai đoạn 2 Dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế; chú trọng đầu tư hoàn chỉnh một số khu vực trọng điểm trong Quần thể di tích Cố đô Huế.

- Thực hiện thăm dò khai quật khảo cổ phục vụ công tác tu bổ các công trình địa điểm thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và các công trình nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế thuộc Quy hoạch khảo cổ tỉnh Thừa Thiên Huế đến 2020, định hướng đến 2030.

- Tập trung kiểm kê, sưu tầm, lập hồ sơ khoa học cho hệ thống di sản văn hóa để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị. Tiến hành điều tra, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể, về hồ sơ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

- Duy trì, phục hồi và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu, nghiên cứu về nếp sống con người Huế, tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống Huế như Nhã nhạc, Ca Huế, Ca kịch Huế..., trang phục truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ đồng bào các dân tộc miền núi, giữ gìn tốt các giá trị văn hóa cho các thế hệ mai sau.

- Khôi phục cảnh quan, không gian cố đô; bảo tồn phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ Phước Tích...

- Xây dựng, nâng cấp, hỗ trợ các bảo tàng công lập theo quy hoạch và đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. Chú trọng triển khai Đề án hỗ trợ phát triển các bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

- Lập hồ sơ Ca Huế đề nghị UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; xây dựng các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghề may đo Áo dài Huế, Ẩm thực Huế.

3. Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế xứng tầm là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố lễ hội của Đông Nam Á

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế và tính chuyên nghiệp trong các hoạt động văn hóa, nhất là các kỳ Festival, các lễ hội văn hóa truyền thống; xây dựng các sản phẩm đưa vào khai thác thường xuyên, phục vụ du lịch.

- Duy trì kế hoạch tổ chức các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng, huy động nguồn lực xã hội hóa và sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, hình thành các sản phẩm du lịch; xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án Festival 4 mùa.

- Bảo tồn, phát huy, nâng cao chất lượng quy mô các hoạt động lễ hội truyền thống độc đáo gắn với khai thác, thu hút, phát triển du lịch.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược văn hóa đối ngoại. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, tuyên truyền về danh hiệu “Thành phố Văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”.

- Tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội có quy mô quốc tế; đưa các chương trình văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu tham gia các lễ hội, liên hoan khu vực và quốc tế nhằm giới thiệu những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế. Triển khai các nội dung thỏa thuận hợp tác, ký kết với các đối tác quốc tế về hoạt động văn hóa.

4. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, đáp ứng yêu cầu của một trung tâm văn hóa lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á

- Giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống xanh - sạch - sáng; có các giải pháp đồng bộ về đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, đảm bảo hài hòa về kiến trúc, cảnh quan và môi trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển văn hóa, du lịch. 

- Tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, các công trình phục vụ du lịch và vui chơi, giải trí đồng bộ cho thành phố di sản, thành phố văn hóa, thành phố Festival của Việt Nam, xứng tầm một trung tâm văn hóa, du lịch của Đông Nam Á và khu vực Châu Á.

- Tiếp tục đầu tư, chỉnh trang trục văn hóa hai bờ sông Hương tạo điểm nhấn cho đô thị Huế; phấn đấu đến năm 2025 phấn đấu khởi công và khánh thành các công trình thiết chế văn hóa quan trọng sau: Quảng trường trước Trung tâm Thể thao tỉnh, Trung tâm Văn hoá và Hội nghị tỉnh, Di dời Bảo tàng Lịch sử tỉnh, Bảo tồn tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên, Bảo tàng tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm biểu diễn Ca Huế thính phòng, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (giai đoạn II), Thư viện Tổng hợp tỉnh, Công viên văn hóa Bắc Ngự Bình - Công viên vườn tượng.

- Triển khai Đề án sắp xếp hệ thống tượng, phù điêu, biểu tượng kiến trúc trên địa bàn thành phố Huế; triển khai xây dựng, tôn tạo một số tượng đài danh nhân văn hóa, lịch sử.

- Huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện hạ tầng, cơ sở vật chất, hệ thống thiết chế phục vụ hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, thông tin, truyền thông từ tỉnh đến cơ sở, bao gồm các trung tâm văn hóa huyện, thị xã, nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; các trung tâm thể thao, sân vận động, bể bơi, các khu vui chơi giải trí dành cho khách du lịch, thanh thiếu niên, đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao quốc gia, quốc tế và phục vụ du lịch.

5. Phát triển nền văn hóa công vụ, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần xây dựng môi trường và đời sống văn hoá lành mạnh

- Nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng và chính quyền trong cải cách hành chính, xây dựng nền văn hóa công vụ, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa. Triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng nâng cao chất lượng, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội; tiếp tục phát huy vai trò của quy ước, hương ước xây dựng khu dân cư văn hóa; triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nông thôn; thực hiện nghiêm túc các quy định về việc cưới, việc tang và lễ hội.

- Quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; chú trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân trong các khu công nghiệp.

- Tiếp tục thực hiện các mô hình có hiệu quả như: “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”; Quản lý trật tự xã hội thông qua dịch vụ “Đô thị thông minh Huế S”; “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” gắn với phong trào thi đua “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải”; “Huế không tiếng còi xe”; “Huế - thành phố bốn mùa hoa”; “Mai vàng trước ngõ”; “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”...

6. Chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa

- Hình thành và phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá thương hiệu Huế, con người Huế; xác lập các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa: Nhã nhạc Cung đình, Ca Huế, Tuồng Huế, Ẩm thực, Áo dài, tín ngưỡng, văn hóa dân tộc thiểu số... thông qua điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành phim trường tự nhiên lớn nhất cả nước và khu vực.

- Xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”, “Huế - Kinh đô Ẩm thực”, khẳng định và xác lập thương hiệu các sản phẩm văn hóa, ẩm thực, ngành nghề thủ công truyền thống để khai thác, phát huy, phát triển các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, du lịch.

- Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của địa phương gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ văn hóa; phát triển thị trường văn hóa nhằm quảng bá các giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của Thừa Thiên Huế đến bạn bè trong nước, quốc tế. Phát huy ưu thế của văn hóa internet, đồng thời ngăn chặn các tác động tiêu cực của loại hình văn hóa này đến việc bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa, di sản văn hóa.

- Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa; phát huy vai trò của khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số; xây dựng, củng cố hệ thống từ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ văn hóa đến với công chúng; thực hiện chuyển đổi số đối với các lĩnh vực bảo tàng, thư viện.

7. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa

- Xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực văn hóa; triển khai hiệu quả, đảm bảo các quy định về chế độ, chính sách liên quan đến ưu tiên, chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng cho văn nghệ sĩ; nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia về văn hóa, các chính sách, cơ chế thu hút tài năng văn hóa

- Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ trí thức, nhân lực về văn hóa; trong đó, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ hoạt động chuyên môn trong lĩnh văn hóa; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực vào công tác phát triển nguồn nhân lực văn hóa, thể thao.

- Tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh liên kết với các trường đào tạo chuyên ngành về văn hóa tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn; bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, tin học, từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa.

- Triển khai xét tặng các giải thưởng, danh hiệu vinh dự Nhà nước: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú theo quy định pháp luật.

8. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa; xây dựng và triển khai hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch về phát triển văn hóa; tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, thực hiện tốt công tác khen thưởng, nêu gương và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thực hiện tốt cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển văn hóa, dịch vụ văn hóa theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

IV. GIẢI PHÁP

1. Chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, các giá trị văn hóa độc đáo, đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của vùng đất văn hóa, di sản và phong phú về cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh của vùng đất cố đô Huế gắn với đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, thông qua các phương tiện truyền thông, công nghệ thông tin, mạng xã hội, các hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm.

2. Thực hiện xây dựng đồng bộ các quy hoạch và quản lý quy hoạch về phát triển văn hóa - du lịch gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; có các giải pháp đồng bộ về đầu tư hạ tầng đảm bảo hài hòa về kiến trúc, cảnh quan và môi trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển văn hóa, du lịch. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, công trình, không gian, cảnh quan văn hóa phục vụ các hoạt động văn hóa, du lịch, dịch vụ; chú trọng tu bổ các công trình di tích có giá trị gắn với hoàn thiện hạ tầng phát triển du lịch, dịch vụ.

3. Nghiên cứu ban hành cơ chế thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực văn hóa. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để hoàn thiện hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, các thiết chế, cụm thiết chế đa năng. Tập trung xúc tiến, kêu gọi đầu tư theo danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phát triển văn hóa, huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, các kỳ Festival Huế, đầu tư ngành công nghiệp văn hóa, ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa...

4. Có các chính sách ưu đãi về vay vốn; giảm thuế; thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI), liên doanh với nước ngoài, vốn tài trợ, thu hút vốn đầu tư trong nước để xây dựng đồng bộ hạ tầng các điểm đến di tích, xây dựng các cụm, tổ hợp văn hóa, thể thao.

5. Xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực văn hóa. Có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về văn hóa, nghệ thuật. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực văn hóa chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của một trung tâm văn hóa lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực và ASEAN. Củng cố, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật để bổ sung kịp thời đội ngũ cho các lĩnh vực hoạt động.

6. Tăng cường vai trò lãnh đạo công tác quản lý nhà nước về văn hóa, phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, chính quyền các địa phương và các ngành liên quan. Tăng cường các biện pháp nhằm bảo vệ các tài nguyên đặc trưng, đặc biệt là các giá trị về sinh thái - đa dạng sinh học, cảnh quan, văn hóa truyền thống; xây dựng môi trường văn hóa, du lịch văn minh, thân thiện; thực hiện tốt các quy chế phối hợp, phân cấp quản lý các lĩnh vực hoạt động, dịch vụ văn hóa trên địa bàn.

7.  Tăng cường hợp tác quốc tế về văn hóa; mở rộng các hoạt động giao lưu đối ngoại, củng cố, hình thành các trung tâm giao lưu văn hóa Việt - Pháp, Việt - Đức, Việt - Nhật, Việt - Hàn… tại Thừa Thiên Huế. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá sâu rộng về văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, tuyên truyền danh hiệu “Thành phố văn hóa ASEAN”, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “Thành phố sáng tạo về văn hóa”…

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

1. Ngân sách nhà nước (gồm nguồn vốn đầu tư phát triển, nguồn vốn ngân sách sự nghiệp) bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về đầu tư công.

2. Kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án, đề án có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước; nguồn huy động từ xã hội, cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức nghiên cứu quán triệt các nội dung nêu trong Chương trình hành động của UBND tỉnh đến mọi cán bộ, công chức.

2. Trên cơ sở những nhiệm vụ đã được phân công tại Chương trình hành động, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai, đồng thời cụ thể hóa bằng các công việc, chương trình, đề án cụ thể của ngành, địa phương có liên quan. Hàng năm tổ chức tổng đánh giá rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện, báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở Văn hóa và Thể thao để tổng hợp đánh giá.

3. Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể và các địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ hằng năm báo cáo UBND tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành tham mưu bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa. Kêu gọi đầu tư để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ.

5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp theo phân cấp ngân sách hiện hành và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.

6. Sở Nội vụ phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao triển khai thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực văn hóa, thể thao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 sau khi được phê duyệt.

6. Sở Ngoại vụ thông qua các mối quan hệ quốc tế để vận động các tổ chức quốc tế tài trợ và tham gia xây dựng, đầu tư, triển khai các chương trình, dự án liên quan đến phát triển văn hóa; kết nối các đơn vị Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán để xúc tiến hình thành các trung tâm văn hóa của các nước tại Huế.

8. Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình này, hằng năm có báo cáo kết quả cho Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời./.

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác