Kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025
  

 (Theo Kế hoạch số 335/KH-UBND ngày 28/10/2021 của UBND tỉnh)

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 đối với trường mầm non, trường phổ thông như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Duy trì, củng cố bền vững chất lượng các trường đạt KĐCLGD, đạt chuẩn quốc gia; nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia;

- Tiếp tục xây dựng, nâng số trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 kịp thời, hiệu quả, chất lượng, đúng quy định tại các Thông tư số 17/2018/TT-BDGDĐT, Thông tư số 18/2018/TT-BDGDĐT và Thông tư số 19/2018/TT-BDGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực cho giáo dục, góp phần tạo điều kiện đảm bảo cho các nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục;

- Định hướng xây dựng trường học đạt KĐCLGD, đạt chuẩn quốc gia theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục; phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, thời đại và hội nhập quốc tế; góp phần đảm bảo chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị.

2. Mục tiêu cụ thể: đến hết năm 2025.

2.1. Công tác KĐCLGD

- Có 90,0% trường mầm non và trường phổ thông đạt KĐCLGD, trong đó có 87,12% đạt từ Cấp độ 2 trở lên.

2.2. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Toàn tỉnh có 87,12% trường thuộc các cấp học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 8,1% đạt chuẩn quốc gia Mức độ 2, cụ thể:

- Giáo dục mầm non: Có 80,39% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 4,41% đạt chuẩn quốc gia Mức độ 2.

- Giáo dục phổ thông:

+ Cấp tiểu học: Có 90,37% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 12,30% đạt chuẩn quốc gia Mức độ 2.

+ Cấp THCS, TH&THCS: Có 94,62% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 6,15% đạt chuẩn quốc gia Mức độ 2;

+ Cấp THPT, THCS&THPT: Có 81,58% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 13,16% đạt chuẩn quốc gia Mức độ 2.

*Lộ trình xây dựng cụ thể theo năm:

Phụ lục đính kèm tại đây

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác KĐCLGD, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia

- Tổ chức quán triệt, tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan quản lý giáo dục; cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của nhiệm vụ xây dựng, phát triển trường đạt KĐCLGD và đạt chuẩn quốc gia đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;

- Phổ biến, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; các cơ quan tổ chức, đoàn thể, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinhtoàn xã hội trong việc phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng trường đạt KĐCLGD, đạt chuẩn quốc gia.

2. Vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác KĐCLGD, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

- Các cấp lãnh đạo Đảng đưa vào các chỉ thị, nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội để tổ chức lãnh đạo thực hiện nhằm huy động cả hệ thống chính trị tập trung nguồn lực cho công tác KĐCLGD và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

- Chỉ đạo tăng cường công tác tự kiểm tra, đánh giá, tổ chức rà soát hàng năm và theo chu kỳ công nhận đạt chuẩn để có kế hoạch cải tiến chất lượng, duy trì, nâng mức độ đạt chuẩn, khắc phục hạn chế xuống hạng, mất chuẩn.

3. Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp

- Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; căn cứ tiến độ của các kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, việc xây dựng và triển khai thực hiện các đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT ban hành kèm theo Chương trình hành động số 99/CTr-UBND ngày 28/5/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tiến hành rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện và quy mô phát triển giáo dục của địa phương để làm cơ sở cho việc đầu tư;

- Chỉ đạo các trường mầm non, trường phổ thông rà soát, đánh giá thực trạng hiện có; trên cơ sở đó, xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo theo hướng đáp ứng các quy định về KĐCLGD, về trường đạt chuẩn quốc gia trên cơ sở đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; tổng hợp danh sách các trường đạt KĐCLGD và đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình phù hợp trong giai đoạn 2021-2025.

4. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đáp ứng các tiêu chí về KĐCLGD và trường đạt chuẩn quốc gia

4.1. Tăng cường củng cố bộ máy tổ chức trong nhà trường theo Điều lệ trường học; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý các hoạt động giáo dục của nhà trường

- Nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, thực hiện quyền tự chủ của nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học một cách linh hoạt, sáng tạo; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà trường.

- Đề cao vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng trong thực hiện cải cách hành chính, quản lý việc thực hiện nhiệm vụ của nhà trường, phát huy quyền tự chủ trong quản lý tài chính; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường.

- Xây dựng quy chế công khai, quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.

- Tích cực xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong nhà trường vững mạnh; xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp trong nhà trường một cách chặt chẽ và hiệu quả.

4.2. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

- Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Sắp xếp, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và trình độ lý luận chính trị.

- Tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đủ giáo viên các bộ môn đảm bảo đạt chuẩn đào tạo; xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi đủ về số lượng và đóng vai trò nòng cốt trong việc duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

- Chú trọng việc rèn luyện, giữ gìn và nâng cao phẩm chất đạo đức, văn hóa ứng xử trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường.

4.3. Đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học

Đầu tư hoàn chỉnh điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường có trong danh mục đạt KĐCLGD và đạt chuẩn quốc gia, tập trung chủ yếu:

- Bảo đảm diện tích mặt bằng, thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý chủ quyền sử dụng đất; xây dựng đầy đủ phòng học, phòng học bộ môn và các phòng chức năng, đầu tư các trang thiết bị dạy học đúng chuẩn quy định.

- Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng, sửa chữa, duy tu hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; xây dựng môi trường trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn.

4.4. Về xã hội hóa công tác giáo dục

- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng chuẩn quốc gia. Nâng cao chất lượng hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, từ đó thực hiện tốt sự gắn kết chặt chẽ mối quan hệ nhà trường-gia đình-xã hội.

- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương đầu tư phát triển giáo dục, xây dựng phong trào xã hội học tập, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng tốt môi trường giáo dục.

- Phát huy sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, nhân dân quan tâm, đầu tư, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Tăng cường thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về tài chính, tài sản, chất lượng giáo dục và đào tạo.

4.5. Nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường

- Tăng cường đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Thực hiện tốt yêu cầu và lộ trình đổi mới chương trình giáo dục đối với từng cấp học theo quy định; triển khai các dự án, đề án về đổi mới phương pháp dạy học theo chỉ đạo của Bộ GDĐT. Khai thác, sử dụng triệt để và có hiệu quả các trang thiết bị dạy học được trang bị, các đồ dùng dạy học tự làm, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

- Mở rộng quy mô tổ chức dạy học 2 buổi/ngày có hiệu quả. Đối với cấp THCS, THPT, chú trọng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém; nâng cao tỷ lệ học sinh có học lực giỏi, khá và hạnh kiểm tốt, khá; giảm tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học.

5. Nguồn lực đầu tư

Nguồn lực đầu tư từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Dành ngân sách thỏa đáng, từ nguồn vốn ngân sách địa phương, đồng thời thực hiện lồng ghép có hiệu quả chương trình, dự án khác; khuyến khích, huy động đến mức cao nhất mọi nguồn lực, các nguồn vốn trong dân cư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các nhà đầu tư dưới nhiều hình thức để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan lập kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác KĐCLGD, công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với từng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đảm bảo đúng quy định hiện hành và lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông triển khai công tác xây dựng trường đạt KĐCLGD, đạt chuẩn quốc gia theo quy định; duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục (đối với các cơ sở đã đạt KĐCLGD và được công nhận đạt chuẩn quốc gia); đồng thời, củng cố, hoàn thiện hồ sơ và các điều kiện cần thiết theo quy định nhằm chuẩn bị cho công tác đánh giá ngoài chu kỳ tiếp theo để được công nhận đạt KĐCLGD, đạt chuẩn quốc gia.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, củng cố đội ngũ đánh giá ngoài; đề xuất, bố trí nhân lực tham gia các đoàn đánh giá ngoài đảm bảo số lượng, chất lượng theo quy định để thực hiện nhiệm vụ KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cốt cán ngành giáo dục và các đơn vị có liên quan về công tác KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động số 99/CTr-UBND ngày 28/5/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện Kế hoạch số 69-KH/TU ngày 24/4/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường đạt KĐCLGD và đạt chuẩn quốc gia.

- Phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố giải quyết những vướng mắc và đầu tư có trọng điểm cho các trường phấn đấu đạt KĐCLGD và đạt chuẩn quốc gia.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện kế hoạch KĐCLGD và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã được UBND tỉnh phê duyệt; báo cáo UBND tỉnh và Bộ GDĐT theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở GDĐT phân bổ vốn đầu tư cho các dự án thuộc các kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo đã ban hành, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư phân bổ kinh phí, cấp phát và hướng dẫn thanh quyết toán theo quy định, đảm bảo quá trình xây dựng các trường đạt KĐCLGD và đạt chuẩn quốc gia đúng tiến độ của kế hoạch đề ra.

4. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở GDĐT, UBND các huyện, thị xã và thành phố cân đối biên chế để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch biên chế cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục hàng năm đảm bảo thực hiện tốt Kế hoạch.

5. Sở Xây dựng

Thẩm định dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thẩm định thiết kế - dự toán đầu tư xây dựng các công trình trường học bảo đảm đúng theo các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng trường học theo phân cấp đảm bảo công trình xây dựng có chất lượng. Hướng dẫn chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã và thành phố thực hiện công tác quản lý xây dựng công trình đúng quy định của Luật Xây dựng.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với Sở GDĐT, UBND các huyện, thị xã và thành phố trong việc lập quy hoạch và bố trí quỹ đất đảm bảo đủ điều kiện xây dựng trường đạt chuẩn theo đúng kế hoạch.

- Thực hiện các thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các đơn vị trường học theo quy định.

7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế và các đoàn thể hỗ trợ ngành GDĐT trong việc huy động học sinh ra lớp, chống bỏ học, lưu ban và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục trong công tác xây dựng trường đạt KĐCLGD và đạt chuẩn quốc gia.

8. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt KĐCLGD và đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 của địa phương trên cơ sở bám sát Kế hoạch xây dựng trường đạt KĐCLGD và đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, đồng thời phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Tham mưu với huyện ủy, thị ủy, thành ủy chỉ đạo các đoàn thể, các cấp ủy xã, phường, thị trấn có kế hoạch xây dựng trường đạt KĐCLGD và đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn theo kế hoạch và tăng cường xã hội hóa giáo dục.

- Có kế hoạch phối hợp cụ thể với các ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng cấp trong tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng trường đạt KĐCLGD và đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn.

 

 Bản in]
Các bài khác