Địa điểm: xã Thuỷ Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trần Thúc Nhẫn một danh sĩ đời Tự Đức, được xưng tụng là bậc tiết nghĩa sống cách chúng ta cả thế kỷ nay, nhưng tên tuổi và khí tiết của ông vẫn ngời sáng cho thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau noi theo.
Trần Thúc Nhẫn trong trận chiến đấu oanh liệt năm 1883 giữa triều đình Huế với quân xâm lược Pháp gìn giữ Thành Trấn Hải "biên cương" của Tổ quốc. Trần Thúc Nhẫn đã thay mặt triều đình Huế lúc bấy giờ đi thương thuyết và quyết chiến với thực dân Pháp khi chúng có mưu đồ chiếm kinh đô Huế. Mưu sự chưa thành, nhưng công lao của Trần Thúc Nhẫn có những đóng góp nhất định: Làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, ngăn chặn không cho binh lính Pháp đổ bộ lên kinh đô Huế. Trong khi anh dũng chống trả cuộc xâm lược này, đại thần Trần Thúc Nhẫn đã hy sinh đền nợ nước tại Thuận An ngày 18/7/1883.
Với sự đóng góp tích cực của ông, cả thế kỷ nay hàng năm cứ đến ngày kỷ niệm Thuận An thất thủ, nhân dân địa phương lại tụ tập lại lăng mộ Trần Thúc Nhẫn để tưởng nhớ nhà yêu nước Trần Thúc Nhẫn, ôn lại những đức tính cao đẹp của ông, khí phách chiến đấu ngoan cường lòng quả cảm, một gương sáng cho các thế hệ noi theo.
Tên tuổi của Trần Thúc Nhẫn và phần lăng mộ của ông là di tích lịch sử văn hoá đáng được trân trọng và gìn giữ cho hôm nay và mai sau. Tên tuổi và công trang của ông gắn liền với lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược. Ở thành phố Huế tên tuổi ông đã được đặt tên "đường Trần Thúc Nhẫn", nhằm nhắc nhở nhớ ơn công lao của vị đại thần. Người yêu nước có công lớn trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược trong việc gìn giữ đất nước nói chung và mảnh đất Thừa Thiên Huế thân yêu.
Lăng mộ Trần Thúc Nhẫn đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia tại quyết định số 2754/QÐBT ngày 15/10/1994.