(Theo báo cáo số 650/BC-UBND ngày 29/12/2023 của UBND tỉnh)
A. TÌNH HÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 12 VÀ NĂM 2023
I. Những kết quả đạt được
1. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ
Tập trung hoàn thiện các quy hoạch, đề án quan trọng: (i) Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Ngày 09/10/2023, hồ sơ quy hoạch đã được Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thông qua (có chỉnh sửa); ngày 20/10/2023, đã trình HĐND tỉnh thông qua; đã rà soát, tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hồ sơ quy hoạch và gửi xin ý kiến Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh; ngày 19/12/2023, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 13593/TTr-UBND trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (ii) Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Bộ xây dựng thẩm định; Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV đang trình Bộ Xây dựng thẩm định. Tổ chức Hội thảo cuối kỳ và đang hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý I/2024. Hiện đang tập trung triển khai lập Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế; cơ bản hoàn thành Đề án “Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế” và Đề án “Xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia”. Ngoài ra, đã phối hợp với Tổng Cục Thống kê hỗ trợ điều tra bổ sung và thu thập thông tin, rà soát một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đến cấp huyện để hoàn thiện các quy hoạch, đề án nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ.
UBND tỉnh đã tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình 12-CTr/TU ngày 13/5/2022 của Tỉnh ủy (khóa XVI) thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết 18/2022/NQ-HĐND về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị định 84/2022/NĐ-CP, ngày 20/10/2022 của Chính phủ về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế. Tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và các kiến nghị, đề xuất của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Thông báo số 137/TB-VPCP ngày 18/4/2023 và Chủ tịch Quốc hội kết luận tại Thông báo số 1812/TB-VPQH ngày 31/7/2023.
Trình Tỉnh ủy sơ kết 04 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn giám sát của Ban Kinh tế Trung ương về giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Tình hình phát triển kinh tế
a) Lĩnh vực dịch vụ
Hoạt động du lịch: Ngành du lịch tiếp tục duy trì đà phục hồi tốt. Ước đến cuối năm 2023, tổng khách du lịch ước đạt 3,2 - 3,3 triệu lượt khách, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra; trong đó, khách du lịch nội địa khoảng 2,0 - 2,1 triệu lượt, khách quốc tế khoảng 1,2 triệu lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt từ 7.000 - 8.000 tỷ đồng.
Hoạt động thương mại, giá cả: Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 12 ước đạt 5.199 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lũy kế 12 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 55.793 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tháng 12 ước tăng 2,2% so với bình quân cùng kỳ.
Hoạt động xuất nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa tháng 12/2023 ước đạt 259 triệu USD, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ; lũy kế KNXK 12 tháng ước đạt 1.200 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ; đã xuất khẩu đến 44 quốc gia, trong đó thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, các nước Châu Âu,…Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa tháng 12 ước đạt 28 triệu USD, giảm 72% so với cùng kỳ; lũy kế KNNK 12 tháng ước đạt 650 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ.
Hoạt động ngân hàng: Ước đến cuối năm 2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 69.000 tỷ đồng, tăng 14,08% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng tại các TCTD đạt 79.000 tỷ đồng, tăng 6,26% so với cuối năm 2022. Tính đến 31/10/2023, nợ xấu tại các TCTD trên địa bàn ở mức 1.638,8 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,17% (cao hơn mức tỷ lệ 0,72% vào thời điểm cuối năm 2022).
Hoạt động vận tải:
Trong tháng 12, vận tải hành khách ước đạt 2.867,6 nghìn hành khách, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 20,7% so với cùng kỳ. Hàng hóa vận chuyển ước đạt 1.889,3 nghìn tấn, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 15,4% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 447,8 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 24,4% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm, vận tải hành khách ước đạt 31.654,6 nghìn lượt khách, tăng 40,5% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 20.328,3 nghìn tấn, tăng 9,7%. Doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 4.693,8 tỷ đồng, tăng 18,2%.
b) Lĩnh vực công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tính chung 12 tháng ước tăng 2,7% so với cùng kỳ, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước tăng 1%; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,1%; Ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá ước giảm 3,8%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14%.
Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng như: Bia 381 triệu lít, tăng 20% so với cùng kỳ (trong đó: bia lon 261 triệu lít, tăng 25%; bia chai 120 triệu lít, tăng 11%); tôm đông lạnh 6.200 tấn, tăng 2,7%; sợi các loại 119 nghìn tấn, tăng 4,4%; vỏ lon nhôm 16.360 tấn, tăng 5,4%;...
Một số sản phẩm có sản lượng giảm như: men frit 277 nghìn tấn, giảm 5% so với cùng kỳ; quần áo lót 412 triệu sản phẩm, giảm 0,2%; xi măng 2.090 nghìn tấn, giảm 1%; điện sản xuất 1.820 triệu kWh, giảm 9%; dăm gỗ 770 nghìn tấn, giảm 3,8%;...
c) Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp
- Trồng trọt:
Lĩnh vực trồng trọt tăng trưởng khá. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 340 nghìn tấn, tăng 24,8% so với năm 2022. Tổng diện tích gieo cấy lúa đạt 53.435 ha, năng suất ước đạt 62,5 tạ/ha, tăng 23,8% so với năm 2022; diện tích lúa chất lượng cao đạt 22.000 ha, tăng 12%; tiếp tục duy trì và phát triển các cánh đồng lớn, liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, tổng diện tích cánh đồng lớn đạt khoảng 8.690 ha, tăng 15,4%.
Diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm khác tương đối ổn định[1]; diện tích cây ăn quả có sự phát triển đạt 3.460 ha, tăng 5,4%, hồ tiêu 210 ha; cây Cao su 5.637 ha. Trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, VietGap, hữu cơ tiếp tục phát triển[2]; đã đưa các loại giống mới có ưu thế vượt trội về chất lượng, khả năng chống chịu (như HG12, HG244 ...- khoảng 8.000ha) đã góp phần rất lớn vào kết quả sản xuất lúa. Đáng chú ý, bước đầu kinh tế tuần hoàn từ rơm rạ trở thành sản phẩm hàng hóa đã hạn chế tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, cải thiện môi trường[3]; đã thực hiện thiết lập và cấp mã số vùng trồng với diện tích 63,8 ha cho một số sản phẩm nông nghiệp như: rau má, lúa, lạc, dưa lưới,…và đã được chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận ATTP.
- Chăn nuôi: Chăn nuôi tiếp tục có sự chuyển dịch từ phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, theo hướng công nghiệp, trang trại; phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Toàn tỉnh hiện có 406 trang trại chăn nuôi đạt quy mô trang trại[4]; một số cơ sở chăn nuôi công nghệ cao duy trì liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong các khâu cung ứng giống, thức ăn, bao tiêu sản phẩm, bước đầu hình thành chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi[5]. Tiếp tục thực hiện tiêm phòng vắcxin[6] và các biện pháp phòng ngừa, khống chế dịch bệnh. Ước năm 2023, sản lượng thịt hơi các loại đạt 34 nghìn tấn, tăng 3% so với năm 2022.
- Lâm nghiệp: Lĩnh vực lâm nghiệp gặp khó khăn, sản phẩm dăm gỗ khó tìm kiếm thị trường tiêu thụ; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt hơn 550 nghìn tấn (tương đương năm 2022), giá trị xuất khẩu các sản phẩm gỗ ước giảm 20% so với năm 2022. Diện tích trồng rừng tập trung ước đạt khoảng 6.200 ha, tăng 5,7%, trong đó: trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng khoảng 250 ha. Có thêm 1.060 ha được cấp chứng chỉ, nâng tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 12.315 ha. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,15%
- Thủy sản: Lĩnh vực thủy sản tiếp tục duy trì ổn định, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 7.800 ha, tương đương năm 2022[7]. Chú trọng phát triển nuôi tôm trên cát, nuôi các đối tượng thủy đặc sản vùng đầm phá[8], đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển để khai thác thủy hải sản, đặc biệt là khai thác xa bờ[9]. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 61.000 tấn, tăng 1,24%, trong đó: sản lượng khai thác 41.000 tấn, sản lượng nuôi trồng 20.000 tấn.
3. Thu chi ngân sách Nhà nước
Thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 11.000 tỷ đồng, vượt 10,8% dự toán, giảm 14% so với cùng kỳ; trong đó: Thu nội địa ước đạt 10.350 tỷ đồng, vượt 10,6% dự toán, giảm 14,3%; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 630 tỷ đồng, vượt 13,5% dự toán, tăng 0,1% so với cùng kỳ; Thu viện trợ, huy động đóng góp 20 tỷ đồng, vượt 81,8% dự toán, và giảm 66,4% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 14.092 tỷ đồng, bằng 97% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 5.346,8 tỷ đồng, bằng 96,2% dự toán.
4. Tình hình đầu tư và xây dựng
Ước cả năm 2023, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 31.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Phân theo cấp quản lý: vốn do Trung ương quản lý 7.440 tỷ đồng, tăng 6%; vốn do địa phương quản lý 23.560 tỷ đồng, tăng 14%.
Phân theo nguồn vốn: vốn ngân sách nhà nước đạt 7.650 tỷ đồng, tăng 14%; vốn tín dụng đạt 10.820 tỷ đồng, tăng 7%; vốn đầu tư của doanh nghiệp 3.078 tỷ đồng, giảm 6,2%; vốn đầu tư của dân 5.545 tỷ đồng, tăng 17%; vốn viện trợ nước ngoài 740 tỷ đồng, tăng 10,5%; vốn đầu tư nước ngoài 3.167 tỷ đồng, tăng 44%.
* Giải ngân vốn đầu tư công: Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm đến nay là 5.361 tỷ đồng / 5.758,257 tỷ đồng, đạt 93%, xếp thứ 10/63 tỉnh thành và thuộc nhóm có tỷ lệ giải ngân cao của toàn quốc theo số liệu công khai giải ngân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cụ thể các nguồn vốn như sau: (1) Vốn ngân sách địa phương: Kế hoạch vốn 3.053,266 tỷ đồng, giải ngân 3.053,266 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. (2) Vốn ngân sách trung ương trong nước: kế hoạch vốn 2.021,041 tỷ đồng, giải ngân 1.880 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch. (3) Vốn nước ngoài (ODA): kế hoạch vốn 683,95 tỷ đồng, giải ngân 428 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch. Dự kiến kết quả giải ngân cả năm kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Tỉnh đạt 96% kế hoạch.
Tập trung đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, liên vùng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương, dự án Đê chắn sóng Cảng Chân Mây - giai đoạn 2. Hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án: Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường vành đai 3,... Đôn đốc thực hiện 05 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội[10]. Dự kiến cuối năm 2023 sẽ đưa vào khai thác sử dụng một số dự án trọng điểm như: Đường Phú Mỹ - Thuận An, Điện Kiến Trung,...
5. Về phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư
- Tính đến 14/12/2023, có 658 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 9.596,5 tỷ đồng, giảm 17,4% về lượng và tăng 56,4% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 324 doanh nghiệp, giảm 133 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 532 doanh nghiệp, tăng 18 doanh nghiệp; giải thể tự nguyện 128 doanh nghiệp, tăng 05 doanh nghiệp; giải thể theo quyết định thu hồi 185 doanh nghiệp, tăng 181 doanh nghiệp.
- Tính đến tháng 12/2023, đã cấp mới 25 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 9.374,1 tỷ đồng (gồm 08 dự án FDI vốn đăng ký 134,8 triệu USD tương đương 3.219 tỷ đồng), trong đó:
(i) Trong địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp cấp mới 11 dự án đầu tư với vốn đăng ký 4.084,4 tỷ đồng (trong đó có 08 dự án FDI với tổng vốn 134,8 triệu USD). Điều chỉnh tăng/giảm vốn 05 dự án với vốn tăng thêm 1.842,1 tỷ đồng (điều chỉnh tăng vốn 04 dự án với vốn tăng thêm 1.794,7 tỷ đồng; điều chỉnh giảm vốn 01 dự án giảm 47,4 tỷ đồng); thu hồi 05 dự án với vốn đăng ký 2.173,6 tỷ đồng.
(ii) Ngoài địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp cấp 14 dự án với vốn đăng ký 5.289,7 tỷ đồng[11]. Điều chỉnh tăng vốn 04 dự án với vốn tăng thêm 356 tỷ đồng. Chấm dứt hoạt động 08 dự án[12] với số vốn đăng ký 182 tỷ đồng.
- Ngoài ra, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 6.246 tỷ đồng. Một số dự án lớn như: Bệnh viện Quốc tế Huế tại Khu E - Đô thị mới An Vân Dương với tổng vốn đăng ký 817 tỷ đồng; Khu đô thị sinh thái tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy với tổng vốn đăng ký 4.316 tỷ đồng,...
6. Văn hóa - xã hội
a) Về văn hóa - thể thao
Đã tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao, văn nghệ, thông tin, tuyên truyền, cổ động trực quan kỷ niệm các ngày lễ lớn, tạo khí thế chính trị trên địa bàn toàn tỉnh: Tổ chức dâng hoa, dâng hương kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và triển lãm “Nhật ký trong tù - Bảo vật quốc gia” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; tổ chức Lễ hội làng Dương Nỗ với chủ đề “Dương Nỗ - Hành trình tháng Năm” tại cụm Di tích quốc gia đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Phú Dương, thành phố Huế. Tổ chức chương trình nghệ thuật “Người mẹ Làng sen” nhân dịp kỷ niệm 155 năm ngày sinh bà Hoàng Thị Loan và 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ chức thành công Tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế “Tinh hoa Nghề Việt”, Lễ hội Huế - Kinh đô Ẩm thực; Lễ hội “Chợ quê ngày hội”... Khai trương phố đi bộ Hai Bà Trưng (tuyến phố đi bộ thứ 3 của thành phố Huế). Tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, tổ chức các hoạt động ý nhĩa nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023). Tổ chức thành công Hội thảo “Kết nối Việt Nam” lần thứ 14 thu hút gần 600 đại biểu trong nước và quốc tế. Tổ chức Lễ hội Áo dài Festival Huế, Lễ hội Điện Huệ Nam, Triễn lãm mỹ thuật Khu vực IV Bắc miền Trung lần thứ 28.
Trong tháng 12/2023, tổ chức thành công chương trình nghệ thuật Khai mạc Tuần lễ Âm nhạc Quốc tế Huế 2023 với chủ đề “Giai điệu bốn mùa”; chương trình nghệ thuật "Huế by light - The live show" do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phối hợp Viện Pháp Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tại Ngọ Môn, Đại nội Huế;…Ẩm thực Huế được vinh danh thứ 28 thế giới trên trang web Taste Atlas chuyên về ẩm thực nổi tiếng thế giới.
Tổng lượng khách tham quan di tích đến ngày 20/12/2023 là 2,25 triệu lượt, tăng 70,6% so với cùng kỳ; tổng doanh thu bán vé tham quan đạt hơn 344,2 tỷ đồng, tăng 80,6%.
Lĩnh vực thể thao: Đã tổ chức nhiều giải thể thao quốc gia, cấp tỉnh được tổ chức thành công, cụ thể: Giải Bóng đá Cúp Quốc gia và hạng Nhất Quốc gia năm 2023; Giải Vô địch Taekwondo học sinh, sinh viên toàn quốc lần I; Giải Golf Faldo Series Châu Á 2023 lần thứ 14; Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2023; Giải Việt dã truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XXXI năm 2023 (Lễ phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Hưởng ứng Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2023),... Đã cử các đoàn vận động viên tham gia thi đấu các giải quốc gia, khu vực và quốc tế đạt được 446 huy chương các loại: 123 HCV, 131 HCB, 192 HCĐ, trong đó có 10 huy chương quốc tế (6 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ).
b) Về khoa học và công nghệ
Tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/8/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh về nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh,…Xây dựng Kế hoạch thực hiện lộ trình thành lập Khu Công nghệ cao và phát triển các thiết chế công nghệ cao Thừa Thiên Huế đến năm 2030, xây dựng Đề án “Phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030”. Tiếp tục thực hiện các dự án nâng cao năng lực cho các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ. Tổ chức Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2023 với chủ đề “Kiến tạo dữ liệu số - thúc đẩy liên kết vùng”.
Hoạt động quản lý nhiệm vụ nghiên cứu - thử nghiệm KH&CN được tăng cường, triển khai 13 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Tỷ lệ đề tài nghiên cứu được đưa vào ứng dụng trong các ngành kinh tế có hiệu quả ước đạt 65%.
Hoạt động quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được chú trọng, đã tiếp nhận, tổ chức thẩm định hỗ trợ 38 hồ sơ của các tổ chức, doanh nghiệp theo Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020. Tổ chức thành công vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023[13].
Các hoạt động quản lý Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; Sở hữu trí tuệ; An toàn bức xạ hạt nhân được đẩy mạnh... Đặc biệt, trong năm 2023, đã phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về Sở hữu trí tuệ năm 2023 tại tỉnh Thừa Thiên Huế với sự tham gia của hơn 350 đại biểu trên khắp cả nước.
c) Về giáo dục và đào tạo
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy (khóa XVI) về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Hoàn thiện quy mô mạng lưới theo hướng tinh gọn, tập trung, đồng bộ, hiện đại, chuẩn hóa và tăng cường xã hội hóa, đến nay, có 405/568 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 71,3%.
Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn được nâng lên, nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi. Tại kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia năm học 2022 - 2023 có 62 giải/80 học sinh dự thi, tăng 5 giải so với năm học trước và đứng thứ 7 của toàn quốc (02 giải Nhất, 17 giải Nhì, 18 giải Ba và 25 giải Khuyến khích); 01 học sinh nhận Bằng khen Kỳ thi Olympic Vật lý - Thái Bình Dương; 01 học sinh đạt giải Ba chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 23.
Hoàn thành công tác tuyển sinh, tổ chức thi, xét tuyển vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tri Phương, lớp 10 tại các Trường THPT trên địa bàn; tổ chức thành công kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 98,09%, tăng so với năm 2022 (năm 2022 đạt 96,55%). Hoàn thành việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 theo lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiến hành tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024. Tổ chức Lễ tuyên dương 386 học sinh danh dự toàn trường năm học 2022 - 2023.
Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học quốc gia, Đề án tái cấu trúc ĐHH xứng tầm đại học quốc gia. Làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về Đề án thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia khu vực miền Trung trên cơ sở sáp nhập Viện Công nghệ sinh học - Đại học Huế và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm.
d) Về y tế - chăm sóc sức khỏe
Đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ y tế, chăm sóc sức khỏe 2023. Ước tổng số lượt khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập là 841.336 lượt, tăng 158.986 lượt (tăng 23,3%) so với cùng kỳ[14]. Đến cuối năm 2023, ước đạt 15,3 bác sỹ, 60,8 giường bệnh trên vạn dân, hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 99,2% so với dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ước đạt dưới 6,5%; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 9,0%.
Đến nay, 100% đơn vị khám chữa bệnh đã triển khai áp dụng phần mềm phục vụ công tác quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT; 100% đơn vị đã triển khai hóa đơn điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai đề án Chính sách thu hút nguồn nhân lực bác sĩ cho ngành y tế, kết quả tuyển dụng được 8 bác sỹ đa khoa.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra liên ngành công tác an toàn vệ sinh thực phẩm vào các dịp lễ hội năm 2023. Chủ động trong công tác phòng chống dịch, bệnh, đặc biệt là Covid-19, sốt xuất huyết và các bệnh dịch khác,… Tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh, đến nay đã giải ngân 65,78%; trong đó, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng dự án cải tạo, sửa chữa 31 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.
e) Về lao động - việc làm và an sinh xã hội
Năm 2023, đã giải quyết việc làm cho 17.034 người (Vượt 0,2% so với kế hoạch năm 2023); trong đó, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 2.325 lao động (vượt 16,25% so với kế hoạch năm 2023).
Tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững, Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2022-2025, Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh...các địa phương đã xây dựng kế hoạch, phương án thoát nghèo cụ thể theo địa chỉ cho từng hộ nghèo; chú trọng thực hiện các chính sách giảm nghèo về bảo hiểm y tế, tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác , hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo,... Ước đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,27% (giảm 1,29% so với năm 2022: 3,56%), tương ứng với số hộ nghèo giảm 4.192 hộ (từ 11.735 hộ năm 2022 xuống còn 7.542 hộ cuối năm 2023); vượt 0,52% chỉ tiêu kế hoạch và đưa huyện A Lưới thoát huyện nghèo Quốc gia vào cuối năm 2023.
Triển khai Kế hoạch Phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023, kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an năm 2023. Toàn tỉnh đã tuyển sinh 16.150 người, trong đó: 3.990 học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp THCS, THPT học trình độ cao đẳng, trung cấp và 12.160 người học trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70,25%.
Chăm lo chính sách xã hội, người có công đã thực hiện kịp thời và đầy đủ; các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” được quan tâm; tổ chức Lễ Truy điệu, an táng hài cốt các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh; triển khai thực hiện tốt các hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023); tổ chức thành công Hội nghị biểu dương Người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2023.
Công tác bảo trợ xã hội được quan tâm. Tiến hành phương thức chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội, đến nay có 137/141 xã, phường, thị trấn áp dụng, chiếm tỷ lệ 97,16%. Chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về trẻ em năm 2023, công tác Phòng chống tệ nạn xã hội, triển khai kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mại dâm trên địa bàn; Kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ;…
7. Công tác cải cách hành chính, công tác đối ngoại và đảm bảo quốc phòng, an ninh
Công tác cải cách hành chính được tập trung đẩy mạnh: 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình, một phần và thực hiện Một cửa liên thông trên môi trường mạng. 100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình Một cửa điện tử hiện đại; 100% UBND cấp huyện có phòng họp trực tuyến (thuê dịch vụ).
Đến nay, toàn tỉnh có 2.120 TTHC (tỷ lệ 100%) được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông[15]. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã kết nối và khai thác CSDL quốc gia về dân cư đảm bảo triển khai Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ đối với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh không yêu cầu công dân cung cấp thông tin đã có trong CSDL quốc gia về dân cư. Đã thực hiện kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế… trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện dịch vụ công.
Dịch vụ công trực tuyến với 2.069 TTHC; đã giải quyết 167.404 hồ sơ trong đó có 51% hồ sơ phát sinh trực tuyến trong 6 tháng đầu năm 2023. Tỷ lệ TTHC được tích hợp, triển khai thanh toán trực tuyến là 100% trên tổng số 654 thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính. Hue-S đã có hơn 909.359 người đăng ký tài khoản qua đó đã thúc đẩy hoạt động kết nối giữa người dân với nhà nước và doanh nghiệp trên không gian mạng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách hành chính.
Chỉ số CCHC, đặc biệt điều hành của chính quyền có tiến bộ: Thừa Thiên Huế vinh dự Top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc 2022. Chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị thứ 6 toàn quốc, tăng 02 bậc so với năm 2021; chỉ số chuyển đổi số (DTI) xếp thứ 4, giảm 02 bậc; hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp vị thứ 5 toàn quốc, giảm 04 bậc so với năm 2021; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp vị thứ 19 toàn quốc, giảm 15 bậc so với năm 2021.
Công tác đối ngoại: Đã đón tiếp, làm việc với 854 đoàn khách quốc tế/5616 lượt người đến thăm, làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư – thương mại (tăng 350 đoàn/3401 lượt người so với cùng kỳ). Tổ chức thành công “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023”. Ngày 20/11/2023, đã tổ chức lễ ký kết bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Chính quyền tỉnh Kyoto (Nhật Bản).
Tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm duy trì và tăng cường, mở rộng quan hệ quốc tế và hợp tác hữu nghị với các đối tác theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế; khai thác hiệu quả các mối quan hệ đối tác, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động…với các địa phương nước ngoài; triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, ngoại giao văn hoá và ngoại giao kinh tế trên địa bàn tỉnh. Công tác đối ngoại tiếp tục phục vụ có hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Quốc phòng, an ninh: Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Đã triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh trên địa bàn tỉnh. Tổ chức lễ ra quân mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh trật tự tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tổng kết công tác tuyển quân năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Hoàn thành dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới”. Tập trung triển khai kế hoạch về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, cơ sở chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Triển khai kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”.
Về trật tự, an toàn xã hội: Năm 2023, Tội phạm về trật tự xã hội giảm sâu, xảy ra 748 vụ, giảm 130 vụ so với năm 2022 (14,81%). Trong đó:
Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Phát hiện 171 vụ/181 đối tượng vi phạm, trong đó: xử lý hình sự 33 vụ/40 đối tượng phạm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; 07 vụ/09 đối tượng phạm tội về chức vụ; xử lý hành chính 130 vụ/133 đối tượng, phạt tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Tội phạm ma túy: Phát hiện xử lý hình sự 197 vụ, bắt 348 đối tượng, tăng 36 vụ so với năm 2022 (22,36%).
Tội phạm về môi trường: Phát hiện 362 vụ/375 đối tượng, trong đó: xử lý hình sự 06 vụ/05 đối tượng; xử lý hành chính 347 vụ/370 đối tượng, phạt tiền hơn 02 tỷ đồng.
Cháy xảy ra 70 vụ, gây thiệt hại khoảng 44,5 tỷ đồng và 40 ha rừng; so với năm 2022 giảm 19 vụ (21,3%).
An toàn giao thông: Từ đầu năm đến 14/12/2023, toàn tỉnh xảy ra 251 vụ tai nạn giao thông, làm 117 người chết, 171 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2022 giảm 09 vụ, giảm 65 người chết, tăng 18 người bị thương.
Tháng 12/2023 (thống kê từ 15/11/2023 - 14/12/2023), toàn tỉnh xảy ra 20 vụ, làm 10 người chết, 09 người bị thương; so với tháng trước giảm 12 vụ, giảm 02 người chết, giảm 08 người bị thương. Tuần tra kiểm soát, phát hiện 3.339 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, quyết định xử phạt 3.643 trường hợp, phạt tiền hơn 6,75 tỷ đồng, tước 860 giấy phép lái xe, tạm giữ 1.410 phương tiện.
B. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM 2024
1. Tập trung triển khai đồng bộ, kịp thời Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Tỉnh uỷ nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Hoàn thành các quy hoạch, đề án quan trọng: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế, Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương, Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch vùng huyện và các quy hoạch phân khu xây dựng,.…Xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội.
2.1. Phát triển du lịch, dịch vụ xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách. Tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, chuyển đổi số ngành du lịch. Đa dạng hoá các hoạt động du lịch, dịch vụ, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết các hãng lữ hành, các hãng hàng không mở đường bay đến Huế; phối hợp với các địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù…góp phần phát triển du lịch.
2.2. Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc đối với các dự án sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, các chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế nhằm phát triển sản xuất kinh doanh. Kêu gọi, hỗ trợ tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nghiên cứu giao nhiệm vụ cho một số đơn vị sự nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Lồng ghép, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, nông thôn.
2.3. Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu trong sản xuất nông nghiệp, ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ hình thành trang trại chăn nuôi quy mô lớn; hình thành các mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ chuyển đổi và phát triển diện tích đất trồng cây ăn quả; nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm du lịch. Duy trì diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản; tuyên truyền, hạn chế đánh bắt, khai thác huỷ diệt, tăng cường tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; tăng cường các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo, không theo quy định (IUU). Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp; chủ động phương án phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả.
2.4. Triển khai quyết liệt thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xây dựng, triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất, tạo sinh kế nhằm hấp thụ nguồn vốn sự nghiệp đã phân bổ. Thực hiện thí điểm cơ chế điều hòa nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia tại cấp huyện.
3. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, duy trì và nâng cao các chỉ số xếp hạng PCI, PAPI, PAR Index, DTI, ICT. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nhất là công tác chuẩn bị, tính sẵn sàng đối với các dự án kêu gọi đầu tư; hỗ trợ các dự án đang nghiên cứu, triển khai đầu tư trên địa bàn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, các dự án phát triển đô thị, các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai, theo dõi chặt chẽ các dự án chậm tiến độ. Tiến hành đánh giá kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh, kịp thời tham mưu HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ phù hợp tình hình thực tiễn.
4. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm: Các dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế, Mở rộng phạm vi giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế, tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua Sông Hương, đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2, đường Tố Hữu nối dài; các dự án phát triển hạ tầng sản xuất, chỉnh trang đô thị, khắc phục, phòng chống thiên tai,…Hỗ trợ các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư ngoài ngân sách: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gilimex, nhà máy Kanglongda Huế, Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long motors Huế.
5. Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển, tập trung giải pháp tăng thu ngân sách, chống thất thu thuế; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác quản lý ngân sách, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, thẩm định chặt chẽ dự toán, hạn chế chuyển nguồn. Quan tâm cân đối, kịp thời bố trí nguồn vốn ủy thác thực hiện các chính sách đã phê duyệt.
6. Chăm lo, phát triển văn hoá, xã hội và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục trọng điểm; các công trình trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa nhằm phát huy giá trị di sản. Tiếp tục triển khai các đề án xây dựng trung tâm văn hoá, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo đa ngành đa lĩnh vực, khoa học công nghệ. Quan tâm xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa Huế, con người Huế. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Đầu tư hoàn thành các cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; chủ động công tác phòng chống dịch bệnh. Tổ chức thành công Festival Huế 2024.
7. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Chủ động nắm chắc hình cơ sở, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các tình huống phức tạp phát sinh, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, tín dụng đen. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, khai thác khoáng sản trái phép, xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, rà soát tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu dân cư tập trung, chung cư, căn hộ cao tầng, khu vực các chợ, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, về an toàn cháy nổ.
8. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính của đội ngũ công chức, viên chức gắn với đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thiếu trách nhiệm. Tiếp tục triển khai công tác chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực.
[1] Trong đó: Rau các loại 4.548ha, sản lượng 45.956 tấn; Ngô 1.492ha, sản lượng 6.023 tấn; lạc 2.369ha, sản lượng 4.951 tấn; Sắn 3.708 ha, sản lượng 81.385 tấn; đậu các loại 954ha, sản lượng 650 tấn; Sen 633ha, sản lượng 1.160 tấn.
[2] Hơn 60.000m2 với diện tích nhà màng, nhà lưới; 9.180 ha sản xuất theo VietGAP (rau 298 ha, lúa 8.354 ha, cây ăn quả 529 ha), tăng 21,6% và có 672 ha đã được cấp giấy chứng nhận. Sản xuất theo hướng hữu cơ 278 ha (29 ha rau, 249 ha lúa), tăng 11,6 % và có 118 ha đã được cấp giấy chứng nhận .
[3] Toàn tỉnh hiện có 108 máy cuộn rơm, tăng 47 máy so với năm 2022; Mỗi ha lúa thu được khoảng 220 cuộn rơm, tổng giá trị thu được khoảng hơn 4,4 triệu đồng/ha.
[4] Trong đó: 14 trang trại chăn nuôi lợn, gà quy mô lớn, 75 trang trại quy mô vừa và 317 trang trại quy mô nhỏ; có 42 cơ sở chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sử dụng đệm lót sinh học và có liên kết với doanh nghiệp và và 01 trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ tại Tổ hợp chăn nuôi 4F ở xã Phong Thu, huyện Phong Điền với quy mô 100 con lợn nái và 2.200 lợn con giống, lợn thịt
[5] Có khoảng 30 cơ sở chăn nuôi công nghệ cao duy trì liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, tiêu biểu như: Công ty CP chăn nuôi MaVin, Công ty CP 3F Việt chi nhánh Huế, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm, Công ty cổ phần Liên doanh VLXD Bảo Nguyên, Công ty TNHH CP Lam Điền, Công ty TNHH Hoàng Vân, Công ty CP Greenfeed, Công Ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam.
[6] Tính đến 30/9/2023, toàn tỉnh đã tiêm được 25.460 liều THT Trâu bò (81%), 84.420 liều tam liên lợn (80%), 8.600 liều vắc xin và kháng thể E. coli (50%), 895.600 liều Cúm gia cầm (80%), 595.500 liều dịch tả vịt (77%), 9.920 liều THT gia cầm (50%), 116.400 liều Đậu gà (62%), 158.390 liều Gumboro (78%), 274.000 liều Newcastle (57%), 31.110 liều LMLM lợn tại các trang trại và 51.528 liều Dại chó (87%), LMLM đợt 1: 36.850 liều (90%)
[7] Trong đó diện tích nuôi nước lợ: 5.700 ha, diện tích nuôi nước ngọt 2.100 ha.
[8] Đã sinh sản nhân tạo và bước đầu nuôi thành công một số loại thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá Nâu, cá Trê vàng...
[9] Tổng số tàu cá đã đăng ký là 676 chiếc, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 mét trở lên là 433 chiếc. Năm 2023 có 392 tàu cá đăng ký tham gia khai thác trên vùng biển xa và đến nay đã có khoảng 1.439 chuyến biển tham gia khai thác biển xa, số ngày hiện diện trên biển xa đạt 11.512 lượt ngày/tàu. Góp phần củng cố an ninh quốc phòng toàn dân, ở vùng biển Hoàng Sa.
[10] Dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, Phú Hải, huyện Phú Vang đã giải ngân 75,2 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 47%; Dự án cơ sở trợ giúp xã hội tỉnh đã giải ngân 1,3 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 1,9%; Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) đã giải ngân 1,5 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 1,9%; dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện đa khóa Bình Điền và Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền đã giải ngân 0,81 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 1,5%; dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 31 trạm y tế tuyến xã đã giải ngân 12,6 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 29,3%.
[11] Gồm 02 dự án được quyết định chủ trương đầu tư năm 2022, chấp thuận nhà đầu tư trong năm 2023 là dự án Khu văn hoá đa năng ngoài công lập - Công viên Độn Sầm, thị xã Hương Thủy và dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái ven biển tại xã Giang Hải, huyện Phú Lộc
[12] Gồm: Khai thác quặng sắt Laterit làm phụ gia xi măng tại khu vực Động Đá, xã Phong Thu, huyện Phong Điền; Nhà máy chế biến tinh quặng sắt đá đen; Khai thác mỏ quặng sắt đá đen; Nhà máy chế biến lâm sản tại huyện Nam Đông; Khai thác đất làm vật liệu san lấp tại khu vực Đồi Khe Quan (Trốc Voi), phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy; Khai thác đất làm vật liệu san lấp tại khu vực núi Gích Dương 2, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy; Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng tái tạo Thiên Phú; Khu nghỉ dưỡng sinh thái Tam Giang.
[13] Năm 2023 có 90 hồ sơ hợp lệ dự thi, đây là số lượng hồ sơ tham dự nhiều nhất kể từ trước đến nay, qua đó, Ban tổ chức đã chọn ra 18 dự án xuất sắc để tham gia vào vòng chung kết.
[14] Trong đó, lượt bệnh nhân điều trị nội trú: 52.542 lượt, tăng 8.537 lượt (tăng 19,4%) so với cùng kỳ.
[15] Trong đó, cấp sở có 1.597 TTHC một cửa (444 TTHC liên thông); UBND cấp huyện có 390 TTHC một cửa (20 TTHC liên thông) và 40 TTHC lĩnh vực Công an, Thuế, Bảo hiểm xã hội; UBND cấp xã có 133 TTHC một cửa (17 TTHC liên thông).