(Theo Quyết định số: 597/QĐ-TTg ngày 16 tháng 04 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)
1. PHẠM VI VÀ RANH GIỚI NGHIÊN CỨU
a) Phạm vi nghiên cứu gián tiếp: Toàn bộ ranh giới tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích tự nhiên 5.033,205 km2
b) Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm thành phố Huế hiện hữu (70,99km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi của thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và một phần huyện Phú Vang (thị trấn Thuận An và các xã lân cận) diện tích khoảng 300 - 350 km2
(Ranh giới cụ thể sẽ được xác định trong nội dung đề xuất của đồ án quy hoạch chung).
2. THỜI HẠN QUY HOẠCH:
Quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
3. QUAN ĐIỂM
a) Phù hợp với định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, Quy hoạch xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
b) Bảo tồn, phát huy và khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử và công trình của cố đô Huế bảo đảm phát triển bền vững môi trường sinh thái. Hỗ trợ và thúc đẩy phát triển các đô thị xung quanh nhằm phát huy tiềm năng về văn hóa, du lịch và khắc phục hạn chế trong việc sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo sức lan tỏa cho việc phát triển đô thị toàn tỉnh
c) Đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, kiểm soát chất lượng môi trường, hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Xây dựng đô thị có điều kiện sống tốt, tăng cường sức cạnh tranh đô thị trong vùng, khu vực và quốc tế
d) Kế thừa các đồ án quy hoạch đã phê duyệt.
4. MỤC TIÊU
a) Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cố đô Huế xây dựng thành phố có cơ cấu tổ chức không gian quy hoạch hợp lý, kiến trúc đô thị hài hòa với thiên nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại đáp ứng vai trò, chức năng của đô thị có tính đặc thù về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa của quốc gia và có ý nghĩa quốc tế
b) Xây dựng thành phố Huế và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị trở thành khu vực đô thị trung tâm của đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai trở thành một trong sáu đô thị trung tâm quốc gia
c) Làm cơ sở pháp lý triển khai công tác đầu tư xây dựng đô thị đồng bộ lập đề án nâng cấp, phân loại đô thị đưa toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Bộ Chính trị.
5. TÍNH CHẤT ĐÔ THỊ
a) Là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là khu vực đô thị trung tâm của đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai, là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á
b) Là di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival cấp quốc gia và mang tầm quốc tế
c) Là đầu mối giao lưu kinh tế trong vùng và trong trục hành lang thương mại quốc tế.
6. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CƠ BẢN
a) Dân số:
- Đến năm 2030, dân số thành phố Huế và các đô thị trong phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch chung khoảng 670.000 người, trong đó quy mô dân số thành phố Huế khoảng 410.000 người và quy mô dân số khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị khoảng 260.000 người
- Đến năm 2050, dự báo dân số thành phố Huế và khu vực định hướng phát triển, mở rộng khoảng 1 triệu người
(Quá trình nghiên cứu có thể đề xuất dự báo khác nhưng phải đảm bảo có đủ cơ sở khoa học về ngưỡng dân số phù hợp với điều kiện phát triển bền vững cho thành phố Huế).
b) Chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật: Căn cứ vào quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm ban hành về quy hoạch xây dựng, khả năng quỹ đất, điều kiện tự nhiên, môi trường, áp dụng chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật theo tiêu chí đô thị loại I được quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ. Trong quá trình lập quy hoạch, có thể áp dụng một số tiêu chuẩn nước ngoài sau khi được Bộ Xây dựng xem xét cho áp dụng.
7. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU LẬP ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH
a) Khảo sát và đánh giá hiện trạng tự nhiên, kinh tế - xã hội và thực trạng của quy hoạch đô thị:
- Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện trạng về kinh tế - xã hội dân số, lao động sử dụng đất đai hiện trạng về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, môi trường của đô thị
- Phân tích hiện trạng về quy hoạch, kiến trúc cảnh quan của đô thị và đánh giá việc thực hiện Quyết định số 166/1999/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2020
- Xác định tính chất, mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, lao động, quy mô đất xây dựng đô thị, các chỉ tiêu đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho đô thị phù hợp với các yêu cầu phát triển của từng giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
- Dự kiến sử dụng đất của đô thị theo yêu cầu phát triển của từng giai đoạn.
b) Định hướng phát triển không gian đô thị:
- Nghiên cứu và đề xuất mô hình phát triển không gian đô thị bảo đảm sự gắn kết đồng bộ và ổn định giữa các không gian, phù hợp với các chiến lược phát triển đô thị. Phát triển không gian đô thị phải có sự chuyển tiếp hài hòa giữa các khu đô thị hiện hữu, các khu vực di tích và các khu đô thị mới
- Đề xuất các phương án phân khu chức năng: Khu vực bảo tồn, khu vực chỉnh trang đô thị, khu vực phát triển đô thị, khu vực phát triển công nghiệp, khu vực phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vùng bảo tồn môi trường thiên nhiên,... phát triển phải bảo đảm đô thị gắn kết với phát triển kinh tế và an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái đảm bảo công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa thế giới đã được công nhận.
c) Tổ chức không gian:
- Xác định vị trí và tổ chức không gian các khu trung tâm đô thị xác định các vùng kiến trúc cảnh quan có tầm quan trọng trong không gian đô thị như các trung tâm, các cửa ngõ vào thành phố, các tuyến phố trục không gian chính, các hành lang ven sông và dọc bờ biển, các khu vực quảng trường, cây xanh... để có giải pháp tổ chức không gian và tạo các điểm nhấn trong đô thị
- Đề xuất định hướng quy hoạch cảnh quan và kiến trúc đô thị cho các khu vực đặc thù trong thành phố nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo vệ và tôn tạo các công trình di tích văn hóa lịch sử, các khu vực cảnh quan có vai trò quan trọng trong không gian đô thị… không gian ngầm đô thị.
d) Xác định hệ thống hạ tầng xã hội, trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm công cộng, công viên cây xanh, các cửa ngõ và không gian mở của đô thị.
đ) Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Được nghiên cứu quy hoạch hiện đại đáp ứng những mục tiêu và quan điểm phát triển của Tỉnh và thành phố bảo đảm mỹ quan, an toàn và vệ sinh môi trường, cụ thể:
- Giao thông đô thị: Nghiên cứu quy hoạch các công trình kết nối với hệ thống giao thông quốc gia, quốc tế như cảng hàng không, cảng biển, ga đường sắt ... hoàn thiện hệ thống giao thông nội thị bảo đảm kết nối không gian đô thị và hoạt động của các khu chức năng đề xuất các mô hình giao thông vận tải công cộng (xe buýt, xe điện trên cao,...) xác định quy mô và quy hoạch bố trí hệ thống bến xe và bãi đỗ xe của thành phố
- Chuẩn bị kỹ thuật xây dựng: Tận dụng địa hình tự nhiên, có tính đến những yếu tố bất lợi do khí hậu thay đổi để xác định cao độ nền khống chế tại từng khu vực và các tuyến giao thông chính đề xuất các giải pháp thoát nước mưa kết hợp hệ thống hồ điều hòa, hạn chế ảnh hưởng bất lợi từ bão lũ và nước biển dâng
- Cấp nước: Xác định nhu cầu, nguồn cấp, vị trí và quy mô các công trình đầu mối cấp nước. Quy hoạch mạng lưới đường ống cấp nước chính cùng các thông số kỹ thuật chủ yếu, đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn nước và quản lý vận hành hệ thống cấp nước
- Cấp điện và chiếu sáng đô thị: Xác định nhu cầu phụ tải công suất, nguồn cấp, vị trí quy mô các trạm biến áp, các mạng lưới phân phối chính, đề xuất các giải pháp vận hành và bảo đảm an toàn mạng lưới
- Thoát nước thải, thu gom và xử lý rác, nghĩa trang và vệ sinh môi trường: Xác định vị trí quy mô các khu xử lý chất thải rắn đề xuất các giải pháp về mạng lưới thoát nước và các công trình đầu mối xử lý nước thải, các giải pháp bảo vệ môi trường
- Hệ thống thông tin viễn thông: Xác định nhu cầu phát triển, các loại hình dịch vụ viễn thông hiện đại cần được cung cấp đề xuất giải pháp quy hoạch bố trí các công trình đầu mối, xác định các tuyến cấp chính cùng các trung tâm bưu chính cấp thành phố.
e) Đánh giá môi trường chiến lược: Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường chiến lược và đề xuất các giải pháp bảo vệ và hạn chế các tác động của việc điều chỉnh quy hoạch đến môi trường.
g) Đề xuất các giải pháp và thiết lập các vùng bảo tồn (vùng lõi, vùng bảo vệ di sản, vùng bảo vệ cảnh quan), kế hoạch bảo tồn, mối liên hệ và quản lý nhằm bảo vệ, khai thác, phát huy di sản. Đề xuất giải pháp đối với loại hình nhà truyền thống của thành phố Huế, bao gồm các làng truyền thống, nhà vườn và làng nghề thủ công.
h) Xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư phù hợp với dự báo nguồn lực đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch, kế hoạch hành động theo các giai đoạn.
i) Dự thảo Quy định quản lý theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
8. CÁC YÊU CẦU KHÁC
- Xác định ngưỡng phát triển về quy mô dân số đối với khu vực thành phố Huế để giảm sức ép dân cư, nâng cao chất lượng và điều kiện sống, bảo tồn được không gian, kiến trúc, cảnh quan đặc thù của đô thị
- Đề xuất các phương thức khoanh vùng và bảo vệ các di sản văn hóa các giải pháp đẩy mạnh và tái tổ chức các khu vực di tích đặc biệt là khu vực Kinh Thành và các lăng tẩm các vua Triều Nguyễn
- Đề xuất phân vùng cơ sở du lịch và hướng tuyến liên kết các cơ sở du lịch nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế (di sản cố đô Huế các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể di tích lịch sử cách mạng cảnh quan thiên nhiên rừng núi, biển, đầm phá,..) của đô thị Huế và các khu vực lân cận
- Hạn chế phát triển (theo quy hoạch đề xuất) các khu dân cư đô thị dọc theo các tuyến giao thông hướng vào trung tâm thành phố
- Tổ chức các vùng đệm giữa khu vực các khu vực đô thị bằng các không gian xanh đề xuất các vùng kiến trúc, cảnh quan trên cơ sở phát huy các đặc trưng về địa hình bảo vệ cảnh quanh thiên nhiên khu vực dọc sông Hương và các khu cây xanh trong thành phố
- Đề xuất xây dựng các trục không gian cảnh quan đô thị kết nối các giá trị văn hóa lịch sử với giá trị cảnh quan thiên nhiên đặc thù.