Kế hoạch triển khai Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030
  

(Theo Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 06/6/2024 của UBND tỉnh)

Căn cứ Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, với các nội dung chính sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh).

- Xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các dự án; xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực thực hiện Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch được xây dựng phải phù hợp, đúng với nhu cầu thực tiễn gắn với phân bổ, cân đối và huy động các nguồn lực thực hiện đảm bảo đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có hiệu quả.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng sở, ban, ngành, địa phương; có sự phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động của các cụm công nghiệp.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng các cụm công nghiệp cơ bản đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phát huy được tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của địa phương, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển công nghiệp nông thôn; đầu tư điều chỉnh, thành lập mới các cụm nằm trong Phương án phát triển cụm công nghiệp, trong đó ưu tiên nguồn lực phát triển có chọn lọc một số cụm công nghiệp có nhu cầu đầu tư và di dời các cơ sở sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế, xã hội cao.

- Huy động các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng từ các chương trình, kế hoạch của các Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức trong và ngoài nước; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân cho phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật 05 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động đảm bảo tuân thủ quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; hoàn thiện các thủ tục, khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 02 cụm công nghiệp đã được thành lập.

- Đầu tư thành lập, mở rộng 20 cụm công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng phục vụ thu hút đầu tư, di dời các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp đảm bảo khả thi, hiệu quả sử dụng đất.

100% cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

III. NỘI DUNG

1. Rà soát Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh

- Tổ chức rà soát lại Phương án phát triển cụm công nghiệp trong kỳ quy hoạch đảm bảo đầy đủ thông tin đối với từng cụm công nghiệp (gồm tên gọi, vị trí, diện tích, ngành nghề hoạt động, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật); đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất và không chồng lấn với các quy hoạch khác trên địa bàn.

- Rà soát, đánh giá hiện trạng đầu tư hạ tầng kỹ thuật; thu hút đầu tư, tỷ lệ lấp đầy, tình hình sản xuất kinh doanh, hiệu quả kinh tế - xã hội của các cụm công nghiệp đã quy hoạch; đề xuất điều chỉnh Phương án phát triển cụm công nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và quy định của pháp luật.

2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút các thành phần kinh tế vào đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.

- Đánh giá tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp; tham mưu sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.

- Ban hành Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

- Thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; ban hành bộ tiêu chí đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và mức điểm tối đa tương ứng phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương.

3. Đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động

- Khuyến khích các cụm công nghiệp do đơn vị sự nghiệp công lập quản lý và tổ chức đầu tư xây dựng chuyển sang giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã được lựa chọn làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để quản lý, sửa chữa và vận hành phục vụ hoạt động chung của cụm công nghiệp. Kinh phí xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp từ ngân sách nhà nước không được tính vào giá cho thuê đất, giá sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp.

- Quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động đảm bảo tuân thủ quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; 100% các cụm công nghiệp có công trình xử lý nước thải tập trung.

- Xây dựng giải pháp quản lý, kế hoạch chuyển đổi khả thi, phù hợp quy định của pháp luật có liên quan đối với cụm công nghiệp không còn nằm trong Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh (cụm công nghiệp Bắc An Gia); quản lý chặt chẽ về môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Phê duyệt điều chỉnh quy mô, vị trí các cụm công nghiệp nhằm đảm bảo tính khả thi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

4. Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp bổ sung mới có trong Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh

- Phê duyệt thành lập mới 18 cụm công nghiệp có trong Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2030, trong đó ưu tiên thành lập các cụm công nghiệp có nhu cầu đầu tư, di dời các cơ sở sản xuất lớn; có doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ năng lực, kinh nghiệm đăng ký làm chủ đầu tư. Ưu tiên xúc tiến các doanh nghiệp/dự án đầu tư thứ cấp có cùng ngành nghề, có khả năng liên kết, hỗ trợ nhau vào cùng một cụm công nghiệp; các ngành công nghiệp theo định hướng Quy hoạch tỉnh có công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững vào cụm công nghiệp.

- Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có đủ năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

- Rà soát các quy hoạch có liên quan trên địa bàn; cập nhật, điều chỉnh, bổ sung nhằm đảm bảo thống nhất, có đủ quỹ đất để đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.

 

 

5. Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động tại các cụm công nghiệp

- Thực hiện tốt công tác quản lý cụm công nghiệp đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế và phát triển công nghiệp nông thôn.

- Tăng cường tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong quản lý hoạt động các cụm công nghiệp trên địa bàn; tập trung vào các vi phạm về đầu tư, xây dựng, đất đai và môi trường, phòng cháy, chữa cháy,… để chấn chỉnh công tác quản lý, đầu tư phát triển các cụm công nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030: khoảng 6.085 tỷ đồng.

2. Nguồn kinh phí: nguồn vốn xã hội hóa, ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Tổ chức thực hiện, tham mưu điều chỉnh Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh theo quy định của pháp luật. Rà soát lại Phương án phát triển cụm công nghiệp trong kỳ quy hoạch đảm bảo đầy đủ thông tin đối với từng cụm công nghiệp (gồm tên gọi, vị trí, diện tích, ngành nghề hoạt động, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật); đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất và không chồng lấn với các quy hoạch khác trên địa bàn.

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị liên quan đánh giá tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp; tham mưu sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất giải quyết những vướng mắc khi chuyển đổi công tác quản lý, kinh doanh, khai thác hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện sang doanh nghiệp, hợp tác xã theo đúng quy định của pháp luật.

- Tham mưu ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp; xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí hoạt động phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn.

- Tham mưu thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn).

- Chủ trì thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, điều chỉnh, bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất hiệu quả thực hiện Phương án phát triển, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu bố trí ngân sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Sở Công Thương rà soát lại Phương án phát triển cụm công nghiệp trong kỳ quy hoạch đảm bảo đầy đủ thông tin đối với từng cụm công nghiệp; tham mưu điều chỉnh Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

- Tiếp tục quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật đầu tư đến khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai và môi trường đối với các cụm công nghiệp đang hoạt động do đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ đầu tư, các cụm công nghiệp đầu tư thành lập mới, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, quản lý hoạt động các cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai và môi trường.

          - Thực hiện tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai; tham mưu, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng cho các địa phương để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn, thực hiện việc giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng theo quy định.

          - Hướng dẫn, tham mưu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp.

4. Sở Xây dựng

- Thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng trên địa bàn cấp huyện làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết xây dựng và xác định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện và chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp về lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500); điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ (1/500) đối với các cụm công nghiệp để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng.

 

5. Sở Tài chính

          - Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan giải quyết những vướng mắc trong công tác quản lý tài chính-ngân sách khi chuyển đổi công tác quản lý, kinh doanh, khai thác hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện sang doanh nghiệp, hợp tác xã theo đúng chức năng, nhiệm vụ quy định của pháp luật.

- Tham mưu bố trí kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn theo phân cấp quản lý thuộc nhiệm vụ chi ngân sách tỉnh.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Hướng dẫn, tham mưu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và thực hiện các thủ tục có liên quan về lâm nghiệp để thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp theo quy định; kiểm tra, rà soát phương án sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước.

          7. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Định hướng, ưu tiên xúc tiến các doanh nghiệp/dự án đầu tư thứ cấp có cùng ngành nghề, có khả năng liên kết, hỗ trợ nhau vào cùng một cụm công nghiệp; các ngành công nghiệp theo định hướng Quy hoạch tỉnh có công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững vào cụm công nghiệp.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn; thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp; phối hợp với Sở Công Thương đề xuất điều chỉnh Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tham mưu xử lý các vướng mắc về thủ tục đất đai, môi trường đối với các cụm công nghiệp đang hoạt động do đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ đầu tư.

- Rà soát, đánh giá hệ thống kết cấu hạ tầng bên ngoài hàng rào các cụm công nghiệp trong Phương án phát triển cụm công nghiệp để có phương án, kế hoạch đầu tư các công trình bên ngoài hàng rào cụm công nghiệp hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư hạ tầng.

- Thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (trong đó lưu ý cụm công nghiệp phải có hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định), thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát huy hiệu quả; xử lý hoặc tham mưu xử lý dứt điểm các cụm công nghiệp, dự án trong cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, chậm tiến độ.

- Cập nhật, bổ sung quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các cụm công nghiệp đảm bảo đồng bộ, thống nhất các quy hoạch, đảm bảo đủ điều kiện để thành lập, mở rộng và triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

- Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500); chỉ đạo hỗ trợ thực hiện công tác thu hồi đất, thuê đất, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, nhà ở công nhân, thủ tục triển khai đầu tư vào cụm công nghiệp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật tại các cụm công nghiệp trên địa bàn (như: pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các quy định khác có liên quan).

- Ủy ban nhân dân huyện Quảng Điền có giải pháp quản lý, kế hoạch chuyển đổi khả thi, phù hợp quy định của pháp luật có liên quan đối với cụm công nghiệp Bắc An Gia rút ra khỏi quy hoạch; trong đó, lưu ý quản lý chặt chẽ về môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Giao Sở Công Thương đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện kế hoạch này; định kỳ hằng năm, các Sở, ban, ngành và các địa phương, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Công Thương trước ngày 30/11 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 Trang kế Trang cuối