Kế hoạch Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
  

 (Theo Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 27/05/2021 của UBND tỉnh)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2030, ngành Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý, điều hành cơ bản hoàn toàn trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Tạo chủ động, hiệu lực, hiệu quả trong: quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Chuyển đổi số của ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế là nhiệm vụ quan trọng để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực trên tinh thần: “Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á”.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025

a) Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động

- Nghiên cứu, áp dụng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật bắt kịp thay đổi nhanh chóng của công nghệ, bảo đảm phát triển, vận hành Chính phủ điện tử ngành, đáp ứng yêu cầu tiến trình chuyển đổi số.

- 100% văn bản đi, đến được cập nhật, xử lý trên môi trường mạng (trừ văn bản mật); 100% ý kiến chỉ đạo được theo dõi và xử lý trên môi trường mạng; 100% đơn thư và khiếu nại đủ điều kiện xử lý, giải quyết được cập nhật trong Hệ thống quản lý công tác tiếp dân và xử lý đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ảnh; 100% lịch họp được đăng ký và phát hành giấy mời qua mạng.

- 100% thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4; 70% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tích hợp các DVCTT với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức của ngành được cấp phát chữ ký số;  100% cán bộ lãnh đạo cấp Phòng trở lên của ngành được cấp phát chữ ký số qua sim di động.

- Tỷ lệ người dân tham gia đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo DVCTT mức độ 3, 4 đạt 50%.

- 100% báo cáo tổng hợp, báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê của Sở được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- 80% cơ sở dữ liệu (CSDL) về TNMT được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng; trong đó cơ bản hoàn thành CSDL đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện DVCTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

- 90% thiết bị trong điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc thu nhận dữ liệu sử dụng công nghệ số, trong đó 70% tích hợp giải pháp thông minh sử dụng công nghệ kết nối Internet vạn vật (IoT).

- 90% tiêu chí đánh giá xếp loại công chức, viên chức dựa trên dữ liệu số được tổng hợp từ các hệ thống thông tin chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh.

- 80% các hệ thống thông tin liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ; dữ liệu, thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại.

- 50% hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- 100% người làm việc trong ngành được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số, trong đó, 10% được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu.

- Hoàn thiện, đưa vào vận hành Hệ thống thông tin quản lý ngành TNMT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tiếp tục nâng cao Chỉ số về Chính phủ điện tử của ngành TNMT, góp phần nâng cao Chỉ số về Chính phủ điện tử của tỉnh.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin mạng.

- Triển khai hệ thống phòng họp số (Báo gồm ứng dụng họp thông minh và giải pháp họp trực tuyến).

- Triển khai tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức và người lao động về vai trò và tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng.

b) Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu nhận, tạo lập, quản lý tài nguyên số về TNMT, cho phát triển kinh tế số.

- Cung cấp và triển khai dịch vụ dữ liệu, thông tin về TNMT cho tổ chức, cá nhân, cộng đồng cho phát triển kinh tế số, dịch vụ nội dung số.

c) Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số

- Tuyên truyền, truyền thông số nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển đổi số TNMT. Sử dụng phương thức, công nghệ số nâng cao chất lượng dịch vụ, khả năng tương tác, phục vụ minh bạch hóa, đảm bảo trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước làm hài lòng người dân, doanh nghiệp, tạo thói quen sử dụng dịch vụ số, góp phần phát triển xã hội số.

- 100% cán bộ công chức, viên chức ngành TNMT cài đặt Hue-S và triển khai các hoạt động công vụ trên nền tảng Hue-S.

- 100% các vấn đề của ngành TNMT được thông báo, tuyên truyền qua Hue-S.

- 100% phản ánh hiện trường, góp ý của người dân liên quan đến ngành TNMT  được xử lý đảm bảo đúng điều kiện.

2.2. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030

a) Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động

- Xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm phát triển Chính phủ số ngành TNMT. Hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện để thu nhận, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về TNMT, phục vụ quản lý “không gian phát triển” của tỉnh.

- 100% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến, tích hợp các DVCTT với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 95% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC.

- Hoàn thiện cơ sở dữ liệu TNMT bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, làm nền tảng phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

- 100% thiết bị trong điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc thu nhận dữ liệu sử dụng công nghệ số, trong đó 90% sử dụng công nghệ IoT.

- Cơ bản công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ, giám sát, dự báo, cảnh báo về TNMT hoàn toàn trên cơ sở phân tích, xử lý dữ liệu lớn bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định chính xác, kịp thời.

- Từ 70% hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- Bảo đảm an toàn thông tin cho triển khai vận hành Chính phủ số.

- 100% người làm việc trong ngành được đào tạo về kỹ năng số đáp ứng yêu cầu triển khai vận hành Chính phủ số.

b) Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

- Nghiên cứu, áp dụng cơ chế tài chính xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu, thông tin về tài nguyên và môi trường.

- Huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng hoạt động xây dựng, cung cấp dữ liệu số, cung cấp dịch vụ số,... về TNMT. Cung cấp đầy đủ dịch vụ dữ liệu, thông tin về TNMT cho phát triển kinh tế số, dịch vụ nội dung số.

c) Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số

Nâng cao năng lực quản lý, phục vụ, minh bạch hóa, đảm bảo trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, làm hài lòng người dân, doanh nghiệp trên nền tảng số góp phần phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số

a) Chuyển đổi nhận thức

- Chuyển đổi số phải bắt đầu từ nhận thức vai trò người đứng đầu các đơn vị. Quan điểm chuyển đổi số thực hiện theo phương châm “4 không 1 có” bao gồm: Làm việc không giấy tờ; Hội họp không tập trung nhiều; Dịch vụ công không gặp mặt; Thanh toán không dùng tiền mặt và Có dữ liệu số hóa phục vụ chuyển đổi số.

- Tổ chức các chuyên đề tập huấn kiến thức cơ bản về chuyển đổi số và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo, cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

- Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm về chuyển đổi số nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

- Xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về kế hoạch và kết quả thực hiện chuyển đổi số của ngành TNMT trên các Cổng/Trang thông tin điện tử.

- Tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp cùng tham gia góp ý, giám sát và sử dụng các dịch vụ, tiện ích do chuyển đối số mang lại.

- Biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong chuyển đổi số ngành TNMT.

b) Kiến tạo thể chế

Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy định đảm bảo điều kiện cho công cuộc chuyển đổi số, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức chi trả trong lĩnh vực CNTT ngành TNMT, trong đó cần chú trọng các nội dung sau:

- Hướng dẫn thử nghiệm các sản phẩm TNMT số mới; phát triển các nền tảng số, dịch vụ nội dung số về TNMT.

- Các quy định về quản lý, thu thập dữ liệu TNMT; Cơ chế khai thác, chia sẻ dữ liệu TNMT thông qua mô hình số.

- Các quy chuẩn, quy định về kết nối, liên thông dữ liệu giữa các phần mềm trong ngành TNMT.

- Các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh; bảo đảm tính riêng tư của thông tin TNMT trên môi trường mạng.

- Tham gia tạo lập hành lang pháp lý để phát triển dịch vụ nội dung số về TNMT.

c) Phát triển hạ tầng số

- Bảo đảm kết nối, tự động hóa thu nhận dữ liệu quan trắc TNMT trên nền tảng IoT; cung cấp khả năng quản lý, lưu trữ trên nền tảng dữ liệu lớn; cung cấp năng lực phân tích, xử lý, tính toán bằng công nghệ AI; bảo đảm cung cấp và chia sẻ dữ liệu, thông tin về TNMT theo thời gian thực.

- Tái cấu trúc, tập trung hóa hạ tầng số, kết nối, cung cấp cơ sở hạ tầng, nền tảng, dịch vụ dùng chung, ứng dụng dưới dạng dịch vụ của hệ thống.

- Triển khai hạ tầng phục vụ kết nối mạng lưới thiết bị IoT, tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số, bao gồm cả các thiết bị IoT của doanh nghiệp để thiết lập nền tảng số thu nhận dữ liệu, thông tin TNMT toàn tỉnh.

d) Phát triển dữ liệu

- Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành về TNMT trên cơ sở kiến trúc, tiêu chuẩn, quy chuẩn, dịch vụ chia sẻ dữ liệu thống nhất, bảo đảm nền tảng về dữ liệu là hạ tầng quan trọng, cốt yếu cho chuyển đổi số ngành TNMT.

- Tập hợp, số hóa nội dung, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu văn bản hành chính, cơ sở dữ liệu nội bộ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, xử lý văn bản đáp ứng nhu cầu chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác hành chính.

- Thiết kế, tích hợp, kết nối hệ thống dữ liệu TNMT đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh (dữ liệu không gian đô thị, đất đai, môi trường, tài nguyên nước, địa chất - khoáng sản,...).

- Xây dựng hệ thống lưu trữ điện tử chuyên ngành TNMT.

- Xây dựng kho dữ liệu TNMT dùng chung, sử dụng giải pháp công nghệ quản lý dữ liệu lớn nhằm quản lý toàn diện tài nguyên số về TNMT.

đ) Xây dựng nền tảng số

- Phát triển nền tảng tích hợp, kết nối dữ liệu TNMT với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương nhằm chia sẻ dữ liệu, thông tin cho khai thác, sử dụng.

- Xây dựng, cung cấp các nền tảng dữ liệu số TNMT phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh, tập trung vào các nền tảng cốt lõi như: Nền tảng dữ liệu thông tin đất đai; Nền tảng dữ liệu về tài nguyên nước, Nền tảng dữ liệu môi trường; Nền tảng thông tin thời tiết, khí hậu.

- Xây dựng, phát triển nền tảng dữ liệu mở TNMT, đáp ứng thu nhận dữ liệu từ các hệ thống dữ liệu liên quan đến TNMT trong tỉnh và quốc gia, thiết bị cảm biến, dữ liệu chia sẻ từ người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, mạng xã hội hướng tới hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở về TNMT.

- Từng bước áp dụng và phát triển các nền tảng trí tuệ nhân tạo, khai phá, xử lý dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối (blockchain), các nền tảng thông minh cho công tác dự báo, cảnh báo, phân tích, tổng hợp, thống kê nhằm cung cấp, chia sẻ dữ liệu, thông tin về TNMT theo thời gian thực phục vụ quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

- Phát triển các nền tảng ứng dụng, di động cung cấp các dịch vụ, xử lý, tư vấn, khai thác dữ liệu thông tin về TNMT.

e) Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin

- Các đơn vị TNMT triển khai bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống thông tin của đơn vị theo đúng cấp độ an toàn thông tin của hệ thống thông tin.

- Ưu tiên nguồn lực bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng, bảo đảm tỷ lệ kinh phí chi cho nhiệm vụ bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng đạt tối thiểu 10% trong tổng kinh phí ứng dụng CNTT.

- Phối hợp triển khai hệ thống chữ ký số trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Sở (bao gồm việc đăng ký và xác thực trên thiết bị di động).

- Thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin định kỳ cho các hệ thống thông tin, CSDL. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, diễn tập bảo đảm an toàn thông tin mạng.

g) Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số

- Đẩy mạnh hợp tác, thăm quan, học tập, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, công nghệ, mô hình triển khai chuyển đổi số ngành TNMT. Tổ chức các hội thảo, các diễn đàn trực tuyến để trao đổi, chia sẻ về chuyển đổi số ngành TNMT.

- Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu khoa học trong nước nghiên cứu, xây dựng, triển khai các ứng dụng thông minh trong TNMT.

h) Phát triển nguồn nhân lực

- Triển khai hợp tác, đào tạo cán bộ chuyển đối số về các công nghệ số áp dụng trong TNMT, các công nghệ số về dữ liệu lớn, di động, trí tuệ nhân tạo,... trong lĩnh vực TNMT làm nòng cốt trong chuyển đối số TNMT.

- Triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại về việc chỉ đạo triển khai chuyển đối số trong TNMT cho các đồng chí lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; Trưởng phòng TNMT cấp huyện; Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện và các đơn vị TNMT khác.

2. Phát triển Chính quyền số trong ngành tài nguyên và môi trường

- Phát triển, vận hành các hệ thống thông tin nội bộ, chuyên ngành sử dụng công nghệ thông minh phân tích, xử lý, trình bày thông tin, dữ liệu trên các nền tảng số phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ của các đơn vị trong ngành và cung cấp dịch vụ thuận tiện, an toàn, nhanh chóng cho người dân và doanh nghiệp.

- Tiếp tục hoàn thành triển khai các dịch vụ công mức độ 4.

3. Phát triển kinh tế số trong ngành tài nguyên và môi trường

- Cung cấp dữ liệu, thông tin chia sẻ, dữ liệu mở, hệ sinh thái nội dung số về TNMT cho xã hội.

- Các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực TNMT tăng cường triển khai ứng dụng các công nghệ số trong sản xuất, quản trị, cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho khách hàng.

- Tạo điều kiện, thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, tài trợ, tăng cường nghiên cứu các công nghệ số, phát triển các nền tảng số, hoạt động dữ liệu số, tạo ra các dịch vụ nội dung số về TNMT phục vụ xã hội, phát triển nền kinh tế số.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 54/2020/QĐ-UBND ngày 07/11/2020 Ban hành quy chế thu thập, quản lý, khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

4. Phát triển xã hội số trong ngành tài nguyên và môi trường

- Phát triển các ứng dụng TNMT trên các thiết bị cầm tay, thiết bị di động để người dân có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ TNMT ở mọi lúc, mọi nơi.

- Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các siêu ứng dụng di động trong lĩnh vực TNMT, hình thành các nhóm cộng đồng sử dụng các dịch vụ TNMT trên siêu ứng dụng di động.

 

 

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 Trang kế Trang cuối