Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
  

 (Theo Kế hoạch số 257/KH-UBND ngày 03/12/2020 của UBND tỉnh)

 

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tuyên truyền quan điểm, mục tiêu, định hướng và nội dung của Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2025 đến tất cả các cấp, ngành, doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

b) Xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

c) Cung cấp các dịch vụ viễn thông băng rộng đa dạng với chất lượng tốt, giá cước hợp lý theo cơ chế thị trường.

d) Cở bản các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được phổ cập internet băng rộng cố định và di động.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Băng rộng cho cộng đồng đến năm 2025

a) Băng rộng cho gia đình: 100% số hộ gia đình (hoặc thuê bao cá nhân) trên địa bàn tỉnh được tiếp cận và sử dụng dịch vụ băng rộng cố định, trong đó 100% thuê bao được kết nối với tốc độ tối thiểu đường xuống là 50Mb/s.

b) Băng rộng cho các điểm truy nhập viễn thông công cộng: 100% các điểm truy nhập viễn thông công cộng trên địa bàn Thừa Thiên Huế sử dụng dịch vụ băng rộng cố định trong đó 100% các điểm có truy nhập băng rộng cố định với tốc độ tối thiểu đường xuống là 100Mb/s.

c) Băng rộng cho điểm thư viện công cộng: 100% các điểm thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng dịch vụ băng rộng cố định trong đó 100% các điểm có truy nhập băng rộng cố định với tốc độ tối thiểu đường xuống là 100Mb/s.

d) Băng rộng di động:

Đảm bảo 100% các khu vực dân cư được phủ sóng 4G/5G với tốc độ trung bình:

4G: Tải xuống (Download) là 55 Mbps; Tải lên (Upload) 25 Mbps.

5G: Tải xuống (Download) là 100 Mbps; Tải lên (Upload) 50 Mbps.

2.2. Băng rộng cho công sở đến năm 2025

a) Băng rộng cho cơ sở giáo dục:

100% các cơ sở giáo dục có kết nối băng rộng, trong đó:

- 100% các cơ sở giáo dục bậc cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu sử dụng dịch vụ băng rộng với tốc độ tối thiểu đường xuống là 1,5Gb/s;

- 100% các cơ sở giáo dục bậc phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cơ sở dạy nghề có truy nhập băng rộng với tốc độ tối thiểu đường xuống là 100Mb/s.

b) Băng rộng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

100% các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có kết nối băng rộng, trong đó:

- Ít nhất 50% cơ sở có truy nhập băng rộng với tốc độ tối thiểu đường xuống là 200Mb/s;

- 50 % các kết nối với tốc độ tối thiểu đường xuống là 100Mb/s.

c) Băng rộng cho cơ quan hành chính và doanh nghiệp:

100% các cơ quan, đơn vị của Đảng, Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp có kết nối băng rộng, trong đó:

- Ít nhất 50% kết nối có tốc độ tối thiểu đường xuống là 400Mb/s;

- 50% các kết nối với tốc độ tối thiểu đường xuống là 200Mb/s.

1.2.3. Xây dựng, phát triển bền vững hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh

- Nâng tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng thụ động trên địa bàn tỉnh lên 20%-25%.

- Thống nhất trong việc lập danh sách cột ăng ten theo kế hoạch dự kiến xây dựng đến năm 2025 của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có thể dùng chung.

- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông tiến hành triển khai xây dựng và có thể cung cấp dịch vụ 5G tại các khu công nghệ thông tin tập trung, các khu công nghiệp, nghiên cứu, các trường đại học và tại các khu vực trung tâm huyện/thành phố trong tỉnh từ quý 3,4/2021 và triển khai diện rộng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

3. Yêu cầu

- Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và ngành Thông tin và Truyền thông; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng các giải pháp phát triển hạ tầng băng rộng, hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tuân thủ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai xây dựng phát triển hạ tầng băng rộng, hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.

II. NỘI DUNG

1.  Hạ tầng băng rộng

Rà soát, đầu tư hạ tầng truyền dẫn, mạng truy nhập băng rộng cho 23 thôn thuộc các 12 xã chưa có hạ tầng cố định băng rộng (chủ yếu tập trung tại huyện Nam Đông và A Lưới) làm cơ sở để đồng bộ sự phát triển hạ tầng và phổ cập dịch vụ băng rộng qua đó đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình chuyển đổi số của tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Từ năm 2021-2024: VNPT Thừa Thiên Huế, Viettel Thừa Thiên Huế thực hiện đầu tư hạ tầng, truyền dẫn mạng truy nhập băng rộng cho 23 thôn thuộc các 12 xã chưa có hạ tầng cố định băng rộng

(Danh sách các thôn thiết lập mạng truy nhập băng rộng như Phụ lục 1 kèm theo)

2. Cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động

Phát triển mới 276 cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động đến năm 2025.

Đối với cột ăng ten loại A2b bắt buộc các doanh nghiệp cam kết dùng chung.

(Danh sách dự kiến phát triển mới cột ăng ten như Phụ lục 2 kèm theo)

3. Cải tạo, chỉnh trang, ngầm hóa cáp, dây thuê bao

Thực hiện cải tạo, chỉnh trang, ngầm hóa cáp, dây thuê bao trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025 theo Kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

III- GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Giải pháp về quản lý nhà nước

a) Tuyên truyền phổ biến các quy định, chính sách về phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc đầu tư phát triển, sử dụng viễn thông băng rộng hiệu quả.

b) Hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông hoạt động trên địa bàn tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng; quản lý quy hoạch, định hướng phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng phù hợp với nội dung với Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Thừa Thiên Huế và các quy định khác có liên quan.

c) Thanh tra, kiểm tra các hoạt động xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông tại địa phương. Quản lý, giám sát chất lượng thiết bị, dịch vụ và công trình viễn thông nhằm đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng.

2. Giải pháp về cơ sở hạ tầng

a) Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, để tạo điều kiện trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông, cũng như dùng chung hạ tầng kỹ thuật công cộng liên ngành trên địa bàn tỉnh.

b) Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông đầu tư xây dựng các hệ thống truyền dẫn với công nghệ hiện đại, dung lượng lớn bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng.

c) Áp dụng triển khai chương trình băng rộng không có quá nhiều chủng loại thiết bị trên mạng lưới băng rộng, đảm bảo cung cấp đa dịch vụ trên một hạ tầng viễn thông băng rộng thống nhất.

3. Giải pháp về thị trường, dịch vụ

a) Tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng mạng viễn thông băng rộng nhằm cung cấp đa dạng dịch vụ trên nền viễn thông băng rộng đến 100% thôn, để hoàn thành Chương trình chuyển đổi số của tỉnh.

b) Kiểm soát giá cước dịch vụ truy nhập băng rộng trên cơ sở cạnh tranh, theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện cho mọi người dân trong tỉnh tiếp cận dịch vụ băng rộng.

c) Triển khai Quyết định số 1957/QĐ-UBND ngày 31/7/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế làm cơ sở để đồng bộ sự phát triển hạ tầng và phổ cập dịch vụ băng rộng hoàn thành các mục tiêu của chuyển đối số tỉnh Thừa Thiên Huế.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Hướng dẫn các cơ quan báo chí, Đài truyền thanh các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền phổ biến các quan điểm, mục tiêu, định hướng và nội dung của Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2025 tất cả các cấp, ngành, doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

b) Quản lý việc phát triển hạ tầng viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông theo nội dung của Chương trình, để phù hợp với Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Thừa Thiên Huế.

c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, Ban Quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc cấp giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn.

d) Chỉ đạo VNPT Thừa Thiên Huế, Viettel Thừa Thiên Huế đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng cáp quang băng rộng cố định đến 23 thôn chưa có hạ tầng tại 12 xã.

e) Chủ trì việc tham mưu văn bản báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ thiết lập hạ tầng truyền dẫn băng rộng, thiết lập mạng truy nhập băng rộng cố định, thiết lập mạng truy nhập băng rộng di động  tại các xã được  thực hiện hỗ trợ giai đoạn 2017 - 2020  theo Quyết định số 868/QĐ-TTg ngày 16/7/2018 về việc sửa đổi, bổ sung Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

g) Tham mưu chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng đảm bảo hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh đảm bảo các mục tiêu cụ thể đề ra.

h) Chủ trì việc đánh giá kết quả thực hiện các nội dung theo Kế hoạch này.

2. Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật dùng chung, đặc biệt dọc theo các tuyến đường giao thông trong tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, Ban Quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh

a) Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông triển khai thực hiện Chương trình. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông tại địa phương.

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan, quản lý việc xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, cũng như phối hợp giải quyết và xử lý kịp thời các trường hợp phá hoại cơ sở hạ tầng viễn thông.

c) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền định hướng, ý nghĩa, nội dung Chương trình đến với cán bộ và nhân dân trên địa bàn.

4. Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế

Cho các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật điện lực để phát triển viễn thông băng rộng, theo quy định tại Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật.

5. Các doanh nghiệp viễn thông

a) Xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng băng rộng của doanh nghiệp đến năm 2025 phù hợp với nội dung của Kế hoạch này.

b) Phối hợp thực hiện các chương trình băng rộng và dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác tại địa phương.

c) Xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn, an ninh cơ sở hạ tầng viễn thông, phối hợp các cơ quan liên quan giải quyết, khắc phục kịp thời các trường hợp phá hoại, xâm phạm hạ tầng viễn thông.

d) Tuân thủ các quy định về cp phép và quản lý xây dựng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.

e) Chp hành các quđịnh về sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật; xác định giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật được sử dụng chung do doanh nghiệp đầu tư; đăng ký giá thuê với Sở Tài chính; niêm yết giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông. Trong trường hợp không thống nhất về giá thuê, các doanh nghiệp đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Tài chính hiệp thương giá theo quy định của Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT ngày 30 tháng 12 năm 2013 Liên bộ Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

g) Phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị và các doanh nghiệp liên quan đến đầu tư hạ tầng, đàm phán cùng đầu tư xây dựng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đồng bộ với đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế kỹ thuật khác.

h) Cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu liên quan đến hạ tầng kỹ thuật viễn thông trên địa bàn cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật dùng chung của tỉnh.

Trong quá trình triển khai, thực hiện Kế hoạch này nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

 

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]