KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2018
(Trích Quyết định số 3039/QĐ-UBND ngày 27/12/207 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018)
I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI CHỦ YẾU
1. Mục tiêu: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình trọng điểm của kế hoạch kinh tế - xã hội 2016 - 2020, trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch - dịch vụ, khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.
2. Chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu:
Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 7,5 – 8%, trong đó:
- Các ngành dịch vụ tăng 8,6%
- Công nghiệp - xây dựng tăng 8,5%
- Nông - lâm - ngư nghiệp tăng 2,23%
- Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,98%
- Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người (GRDP): 1.750 USD
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 20.000 tỷ đồng.
b) Sở Tài chính theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu:
- Thu ngân sách nhà nước 6.830 tỷ đồng; trong đó thu nội địa 6.060 tỷ đồng.
c) Sở Công Thương theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu:
- Giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt 920 triệu USD.
d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu:
- Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch: 80%;
- Ổn định tỷ lệ che phủ rừng: 57%;
đ) Sở Y tế theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu:
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 7,6% theo cân nặng và dưới 10,4% theo chiều cao.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh 0,2‰; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 10,8‰.
- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế: 95%.
e) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu:
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,06% (còn 5%);
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 62%;
- Giải quyết việc làm mới cho 16.000 lao động.
g) Sở Xây dựng theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu:
- Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 96%.
3. Các chương trình trọng điểm
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì phối hợp với Ban quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các ngành tổ chức thực hiện Chương trình trọng điểm phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật; trọng tâm là hạ tầng giao thông
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức thực hiện Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp.
b) Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các ngành tổ chức thực hiện Chương trình trọng điểm phát triển du lịch - dịch vụ.
c) Sở Nội vụ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các ngành tổ chức thực hiện Chương trình trọng điểm cải cách hành chính.
4. Các dự án trọng điểm
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc tiến độ dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách: Tổ hợp trung tâm thương mại Vincom Hùng Vương và khách sạn 5 sao Vinpearl Huế; Nhà máy điện mặt trời Phong Điền; Cảng biển số 2, Cảng số 3 - Chân Mây Lăng Cô; các dự án BT về hạ tầng giao thông.
b) Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các cơ quan Trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lớn trọng điểm làm động lực thúc đẩy phát triển nhanh mọi mặt kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế: các dự án trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49A, Quốc lộ 49B, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, mở rộng ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
c) UBND thành phố Huế theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế; dự án giải tỏa, chỉnh trang Thượng Thành, Eo bầu phía Nam (giai đoạn 1).
d) Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư Đê chắn sóng cảng Chân Mây; tiếp tục hỗ trợ triển khai dự án Laguna (giai đoạn 2), dự án khu phức hợp du lịch – dịch vụ Đăng Kim Long.
II. THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Bên cạnh việc tập trung thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm nêu trên, các Sở, Ban ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau:
1. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu:
- Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới; thực hiện đề án phát triển doanh nghiệp và đề án phát triển kinh tế tư nhân. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Tiếp tục thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với lĩnh vực tín dụng ưu tiên. Thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu làm động lực lan tỏa xây dựng đội ngũ doanh nhân.
- Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, hướng đến việc đáp ứng về xây dựng nông thôn mới.
- Khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng xã hội hóa; trước mắt, triển khai các dự án BT về hạ tầng giao thông. Đôn đốc, hỗ trợ tối đa các dự án trọng điểm. Giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời đối với các nhà đầu tư không đảm bảo tiến độ theo cam kết.
2. Đẩy mạnh phát triển du lịch và các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp công nghệ thông tin
a) Sở Du lịch theo dõi, tham mưu tập trung thực hiện quyết liệt Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ, trong đó, tập trung chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển các thị trường du lịch mục tiêu.
Xây dựng và phát động chương trình “Sản phẩm du lịch của năm”. Tập trung nguồn lực xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch mới, trong đó năm 2018 ưu tiên hoàn thành tuyến phố đi bộ dọc Nam sông Hương gắn với không gian bảo tàng dọc đường Lê Lợi. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động liên kết, hợp tác, quảng bá du lịch và tuyên truyền, nâng cao ý thức về du lịch cho người dân.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện giải pháp khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, chú trọng công nghiệp phần mềm. Rà soát và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Xây dựng cơ chế kết nối nhà trường, doanh nghiệp, chính quyền trong đào tạo, tuyển dụng, xúc tiến đầu tư để tạo nên hệ sinh thái bền vững cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.
c) Trung tâm Festival Huế tập trung triển khai công tác Festival Huế lần thứ 10 - năm 2018.
3. Phát triển công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác
a) Sở Công thương triển khai các giải pháp tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Tăng cường xúc tiến các dự án đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hoàn thiện các công trình hạ tầng phục vụ cho khu công nghiệp. Khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất ngành công nghiệp dệt may, bia, chế biến cát, silicat chất lượng cao.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp nông thôn toàn diện, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Rà soát, bổ sung một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap, nông sản hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng phát triển các sản phẩm chủ lực gắn liền với xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị. Tăng diện tích rừng đạt tiêu chuẩn FSC.
Triển khai thực hiện các đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để sớm đưa các xã điểm, huyện điểm đạt chuẩn nông thôn mới. Ưu tiên tập trung đầu tư cho các xã gần đạt chuẩn 19/19 tiêu chí. Phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
c) Sở Tài chính tiếp tục tham mưu UBND tỉnh quản lý, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả theo dự toán được giao; thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 16/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ; triển khai chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Cơ cấu lại thu, chi ngân sách gắn với cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả đầu tư công theo Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tiếp tục sắp xếp doanh nghiệp nhà nước còn lại.
d) Cục Thuế tỉnh thực hiện quyết liệt các biện pháp thu nợ đọng thuế và chống thất thu thuế.
đ) Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai điều chỉnh cơ chế, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Huy động các nguồn vốn (kể cả vay các tổ chức tài chính) để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút đầu tư.
4. Tập trung nguồn lực phát triển đô thị, nông thôn
a) UBND thành phố Huế triển khai xây dựng Đề án mở rộng đô thị Huế. Tiếp tục sắp xếp một số nút giao thông, chỉnh trang các tuyến phố trọng yếu, các công viên, điểm cây xanh. Chỉnh trang nút giao ngã 6 (Hùng Vương - Lê Quý Đôn - Đống Đa - Hà Nội - Bến Nghé), đường Võ Văn Kiệt. Hoàn thành giải tỏa, chỉnh trang Thượng Thành, Eo bầu phía Nam. Đẩy nhanh tiến độ dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế.
b) Sở Xây dựng đôn đốc, chỉ đạo tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng một số khu tái định cư phục vụ giải tỏa, tạo quỹ đất (Lịch Đợi, Bàu Vá, Hương Sơ, khu đô thị An Vân Dương…). Từng bước xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh; tập trung cho đô thị Huế và vùng phụ cận, dịch vụ cấp thiết.
c) Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu nhà ở: nhà ở An Đông, khu phức hợp Thủy Vân, khu nhà ở K2 - An Vân Dương, các dự án trong Khu đô thị mới An Vân Dương; đôn đốc nhà đầu tư hoàn chỉnh khu đô thị An Cựu, Đông Nam Thủy An, Phú Mỹ Thượng.
d) Sở Giao thông Vận tải phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo ưu tiên đầu tư các đường nội thị các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các thị trấn: Thuận An, Sịa; chỉnh trang một số tuyến đường trên địa bàn huyện Phong Điền, Quảng Điền kết hợp với chỉnh trang về điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh.
đ) Sở Xây dựng phối hợp UBND các huyện tiếp tục hoàn chỉnh quy chế quản lý kiến trúc đô thị tại các địa phương Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới. Đôn đốc các đề án nâng cấp đạt tiêu chí đô thị loại V: La Sơn, Vinh Thanh, Vinh Hiền, Thanh Hà, Phong Điền, Điền Lộc.
5. Phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế và bảo đảm an sinh xã hội
a) Sở Văn hóa và Thể thao triển khai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và lịch sử nổi bật trong năm. Tăng cường quảng bá về thành phố Huế - thành phố Festival, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố bền vững về môi trường ASEAN và thành phố xanh Quốc gia, “Huế một điểm đến - năm di sản”. Thực hiện kế hoạch thuộc lĩnh vực văn hóa, chú trọng thiết chế văn hóa tại thành phố Huế hướng đến việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
b) Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt các nội dung về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo"; phát triển toàn diện năng lực thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Thực hiện tự chủ tài chính đối với một số trường học ở những nơi có điều kiện.
c) Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo đầu tư nâng cấp hoàn thiện các trạm y tế xã phường thị trấn trên toàn tỉnh, trong đó ưu tiên 4 xã chưa đạt chuẩn quốc gia về trạm y tế ở 2 huyện A Lưới và Phong Điền. Kết hợp giữa chăm sóc sức khỏe ban đầu với các dịch vụ y tế chuyên sâu, dịch vụ y tế kỹ thuật cao, giữa y học cổ truyền với y học hiện đại. Tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp y tế; sáp nhập các đơn vị làm nhiệm vụ dự phòng tuyến tỉnh thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, chuyển nhiệm vụ điều trị sang các bệnh viện. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân.
d) Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện quy hoạch và kế hoạch thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, triển khai chiến lược phát triển thương hiệu các đặc sản tỉnh... Xây dựng tối thiểu 02 sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý.
đ) Đại học Huế theo dõi, thúc đẩy việc thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia miền Trung.
e) Sở Lao động Thương binh và Xã hội triển khai các giải pháp nhằm chuyển dịch việc làm khu vực nông nghiệp theo hướng phi nông nghiệp. Phổ biến chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động (phấn đấu đưa 500 lao động xuất khẩu). Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lao động.
Tiếp tục thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo theo tiếp cận đa chiều, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5%. Thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, các chế độ ưu đãi người có công. Chú trọng các phong trào, kế hoạch bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, công tác bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực, xâm hại trẻ em...
6. Quản lý tài nguyên và môi trường, thích nghi biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai
a) Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, triển khai giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và cấp đổi giấy chứng nhận. Thực hiện các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh. Phối hợp các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đất đai.
Triển khai các đề án thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản, tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án lĩnh vực quản lý tài nguyên nước; hoàn thành đề án Khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
Tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu, Xây dựng nhóm truyền thông cơ sở hỗ trợ thông tin cho cộng đồng dân cư miền núi và ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế không rác thải”.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thực hiện kế hoạch phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp; chủ động phòng chống khô hạn, lụt bão,...
7. Công tác cải cách hành chính
a) Sở Nội vụ tham mưu đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với xây dựng chính quyền điện tử và áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001-2015 hướng đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn. Cải cách một cách đồng bộ bộ máy hành chính nhà nước. Xây dựng lề lối, phong cách chuyên nghiệp, hiện đại cho cán bộ, công chức. Vận hành hiệu quả Trung tâm hành chính công tỉnh, cấp huyện, mô hình một cửa hiện đại cấp xã.
Duy trì chỉ số cải cách hành chính của tỉnh nằm trong nhóm tốt nhất của cả nước. Thực hiện các giải pháp cải thiện vị thứ xếp hạng chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hệ thống thông tin doanh nghiệp phục vụ việc cấp và sử dụng thẻ điện tử doanh nghiệp; thực hiện các giải pháp cải thiện vị thứ xếp hạng các chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
8. Công tác đối ngoại, quốc phòng an ninh
a) Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện thúc đẩy hội nhập quốc tế và tăng cường công tác ngoại giao, hợp tác quốc tế. Kết hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại với quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; chủ động kêu gọi, vận động nguồn viện trợ và triển khai hiệu quả các chương trình, dự án của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ. Duy trì quan hệ truyền thống với các địa phương của nước bạn Lào.
b) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng. Tăng cường quốc phòng, an ninh, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, vùng biên giới; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
c) Công an tỉnh tổ chức các phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện quan trọng, đặc biệt là Festival Huế năm 2018. Mở các đợt cao điểm vận động quần chúng tấn công, kiềm chế các loại tội phạm; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Phối hợp Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tăng cường phòng, chống cháy, nổ.