(Trích Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 12/6/2015 của UBND tỉnh)
I. MỤC TIÊU
1. Quán triệt nội dung của Nghị quyết, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 của Chính phủ.
2. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nội dung tại Nghị quyết 92/NQ- CP và Kế hoạch hành động của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm tạo bước chuyển biến đột phá từ nhận thức đến hành động trong phát triển du lịch; đầu tư cho du lịch để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển; phát triển du lịch gắn liền với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc, văn hóa Huế; đồng thời, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
3. Xây dựng và phát triển du lịch Thừa Thiên Huế là điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn với các sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo, chất lượng cao có sức cạnh tranh cao, gắn với từng thị trường cụ thể; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế trở thành điểm du lịch nổi trội trong khu vực Đông Nam Á; đến năm 2030 xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa khu vực ASEAN.
4. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò du lịch trong phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa di sản, tạo việc làm; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường du lịch, xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách.
5. Khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, đặc biệt chú trọng phát huy các giá trị văn hóa Huế, các di tích lịch sử, bảo tàng để thúc đẩy phát triển đột phá ngành du lịch. Tiếp tục có các chính sách, cơ chế mới để huy động và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia và đầu tư phát triển du lịch.
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
Tập trung thực hiện 05 nội dung chính theo tinh thần của Nghị quyết:
1. Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch:
- Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch đến đội ngũ lao động trong ngành du lịch, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và người dân.
- Xây dựng và triển khai công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, vận động đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ trong ngành du lịch và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nếp sống văn minh; tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá về nghề du lịch, hiệu quả vai trò của ngành du lịch, các danh hiệu “Huế,Việt Nam - Thành phố văn hóa ASEAN”, thành phố bền vững môi trường ASEAN, “Huế - Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam” để người dân tự hào và đồng hành cùng chính quyền địa phương, và ngành du lịch tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch của tỉnh theo hướng “mỗi người dân là mỗi hướng dẫn viên du lịch”.
- Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, kiến thức đảm bảo an ninh, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy; bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát động phong trào phòng chống tội phạm, phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia... cho nguồn lao động đang trực tiếp phục vụ khách du lịch, các chủ doanh nghiệp du lịch cũng như cộng đồng dân cư tại địa phương.
2. Tăng cường đầu tư hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch
- Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó ưu tiên các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu du lịch và các điểm du lịch quốc gia.
- Tiếp tục rà soát, đôn đốc và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch; kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai không đúng theo tiến độ cam kết.
- Hỗ trợ quỹ đất, xây dựng quy hoạch vị trí và mặt bằng về các khu ẩm thực và bán hàng lưu niệm cho khách du lịch.
- Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và hỗ trợ phát triển các dịch vụ mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế, chú trọng vui chơi giải trí về đêm.
- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đường sông.
- Huy động các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng: Tranh thủ nguồn vốn của Trung ương kết hợp với địa phương tiếp tục đầu tư và hoàn thiện các công trình hỗ trợ cho phát triển du lịch như: Hoàn thiện tuyến đường Điện Biên Phủ, đường vào các lăng: Minh Mạng, Gia Long; đường hầm đèo Phước Tượng và Phú Gia nối hai trung tâm du lịch lớn Huế-Đà Nẵng; nâng cấp cầu cảng số 01 Chân Mây để phục vụ đón các tàu du lịch lớn; xây dựng các bến thuyền khai thác tour đầm phá, đường dẫn vào bến thuyền, trong đó xây dựng các bến thuyền Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Điền), bến Đầm Chuồn, bến Hà Úc (Phú Vang),…phục vụ phát triển du lịch vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Triển khai bảo tồn tu bổ các di tích thuộc Hoàng Thành và chỉnh trang Thượng thành, các di tích lịch sử cách mạng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Xây dựng kế hoạch hỗ trợ xúc tiến du lịch và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại một số thị trường tiềm năng.
- Thành lập Quỹ xúc tiến phát triển du lịch để khai thác các nguồn lực, nhất là các nguồn lực trong xã hội nhằm phục vụ trong công tác xúc tiến du lịch.
- Xây dựng, triển khai chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020.
3. Đảm bảo môi trường du lịch thuận lợi an ninh, an toàn, để thu hút khách du lịch:
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BCA-BVHTTDL, ngày 22/7/2009, giữa Bộ Công an với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trong hoạt động du lịch; Thông tư liên tịch 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT, ngày 30/12/2013, giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
- Tập trung giáo dục và nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư về giữ gìn bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao trách nhiệm của cá nhân, các tổ chức kinh doanh du lịch trong việc xử lí vệ sinh môi trường, phối hợp phòng chống các tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh du lịch. Tăng cường công tác quản lý môi trường các hoạt động du lịch bao gồm địa điểm lưu trú, phương tiện vận chuyển, khu vui chơi giải trí. Chỉnh trang các khu vực tập trung đông khách du lịch. Chấn chỉnh các kios lấn chiếm ở các trục đường, các công viên, các khu vực di tích.
- Củng cố bộ máy, nâng cấp cơ sở vật chất, phát huy tốt vai trò, hoạt động của Trung tâm Thông tin Du lịch và Hỗ trợ du khách.
- Tăng cường kiểm tra và xây dựng các giải pháp cụ thể về bình ổn giá nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, không để xảy ra hiện tượng nâng giá bất hợp lý vào các ngày lễ, sự kiện lớn, mùa du lịch cao điểm.
- Xây dựng, triển khai bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch.
- Thực hiện tốt công tác chống đeo bám, chèo kéo khách du lịch, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý trong và ngoài giờ hành chính, trên các tuyến đường chính, các điểm du lịch tập trung đông khách. Yêu cầu 100% các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn ký cam kết và treo công khai các bản cam kết không để các trường hợp bán hàng rong, bán vé số, ăn xin biến tướng, đeo bám, chèo kéo khách xảy ra tại cơ sở trên địa bàn quản lý.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trong các ngày lễ, sự kiện lớn; đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục và phong tục, tập quán của địa phương; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động thu lợi bất chính.
- Quy hoạch dịch vụ ăn uống, giải khát tại các bãi tắm; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng giữ gìn vệ sinh môi trường ven biển. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị công cụ, phương tiện hiện đại, củng cố các đội cứu hộ tại các bãi biển Thuận An, Lăng Cô, Hải Dương… đặc biệt là các bãi tắm mới hình thành như: Phú Diên, Hải Dương, Phong Hải, Điền Hải…
4. Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch:
- Rà soát các quy định của pháp luật kiến nghị các bộ, ngành Trung ương ban hành cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư kinh doanh khách sạn, lữ hành, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, dịch vụ vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển đường thủy, các doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu du lịch...
- Rà soát và kiến nghị các quy định còn vướng mắc trong Luật du lịch, Luật Đầu tư, kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh theo hướng nâng mức ưu đãi đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực lữ hành, khu, điểm du lịch, vận chuyển du lịch, vui chơi giải trí.
- Nghiên cứu, đề xuất Trung ương ban hành cơ chế hỗ trợ nhập khẩu trang thiết bị cần thiết phục vụ du lịch cao cấp như tàu cánh ngầm, du thuyền, thủy phi cơ, khinh khí cầu đạt chuẩn quốc tế.
- Làm việc với các cơ quan liên quan đề xuất quy định mức giá điện của các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động du lịch có mức giá như các đơn vị kinh doanh thương mại và không có sự chênh lệch vào giờ cao điểm và thấp điểm.
- Ban hành các quy định về xác định giá đất cho thuê, miễn, giảm tiền thuê đất; chính sách ưu đãi đối với các đơn vị chấp nhận thanh toán một lần.
- Nghiên cứu, đề xuất Trung ương miễn, giảm các loại phí, lệ phí hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; phí, lệ phí cảng biển tại Cảng Chân Mây dành cho tàu biển du lịch; mở rộng áp dụng chính sách miễn thị thực, giảm lệ phí thị thực, tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế.
5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch:
- Các ngành và địa phương tăng cường phối hợp quản lý chặt chẽ đồng bộ hoạt động du lịch tại các điểm đến, bảo đảm vệ sinh môi trường, chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, quản lý giá cả dịch vụ, bảo đảm an toàn cho khách du lịch trên cơ sở đánh giá, công nhận dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại của khách du lịch nước ngoài để bảo đảm an ninh; у tế, phòng chống dịch bệnh tại các điểm tham quan du lịch; phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng lợi dụng hoạt động du lịch để thực hiện hoạt động vi phạm pháp luật hoặc xâm phạm chủ quyền quốc gia.
- Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành đúng quy định; đồng thời nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp du lịch để đề xuất, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Cập nhật thông tin cho doanh nghiệp về các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành từ cơ quan Trung ương đến địa phương liên quan đến lĩnh vực du lịch.
- Tăng cường chỉ đạo chấn chỉnh và nâng cấp chất lượng phục vụ khách du lịch đối với đội ngũ vận chuyển khách du lịch (lái xe taxi, lái xe vận chuyển khách du lịch, xích lô, thuyền rồng…) hoạt động trên địa bàn tỉnh.