Mỹ thuật Huế thực chất là mỹ thuật cung đình triều Nguyễn ở kinh đô (cung điện, đền đài, lăng tẩm…) và mỹ thuật dân gian với những công trình xây dựng của làng, xã (đình, chùa, nhà thờ họ, tranh tượng dân gian và đồ mỹ nghệ). Với cách hiểu mỹ thuật là nghệ thuật nghiên cứu quy luật và phương pháp thể hiện cái đẹp bằng đường nét, màu sắc, hình khối; chúng ta tìm hiểu mỹ thuật Huế qua hai yếu tố: Sắc màu và tạo hình (kiến trúc) - hình khối.
Yếu tố sắc màu
Nếu các hình tượng tạo hình và khối hình kiến trúc phản ánh những đặc điểm, nguyên tắc nghệ thuật nhất định, thì màu sắc lại có giá trị lý giải, dẫn dắt những vấn đề tâm thức, tình cảm, ý nghĩa biểu hiện, tượng trưng và những thông tin hình tượng mang tính đa nghĩa. Màu sắc trong cung đình Huế thể hiện sâu sắc tình cảm, ý thức thẩm mỹ, biểu lộ chức năng của mỗi công trình. Màu sắc ở đây cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo; thế nên màu sắc không còn là vật liệu tạo hình thuần tuý mà đã có thêm những nội dung mới phản ánh tính sâu sắc, khúc chiết và rõ nét tâm linh. Trong khoảng 300 công trình kiến trúc cung đình Huế còn lại (thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền miếu…), đáng chú ý là cổng Hiển Nhơn với những gam màu nóng chủ đạo rực rỡ, biểu hiện cho uy quyền, vinh hiển của triều đình, những người có công đức, quyền cao chức trọng; cửa tam quan của cung Trường Sanh (công trình dành cho các bà hoàng) với những gam màu lạnh nhằm biểu hiện nữ tính, thanh nhã, kín đáo, của người phụ nữ Huế, hơn nữa, những người phụ nữ cao quý của triều đình. Đặc biệt, màu vàng cam duy nhất được tô trong vòng cung ở Thế miếu và Triệu miếu đủ để người xem cảm nhận được sự hữu hạn của mình trong cái vô hạn, bí ẩn của vũ trụ để rồi đi qua dãy màu cam ấy bỗng chợt hụt hẫng, và một thoáng cảm giác tâm linh xuất hiện. Ngoài ra, sự ảnh hưởng này còn được thể hiện vào mỹ thuật dân gian khi tranh dân gian làng Sình, một làng tranh hình thành gần bốn thế kỷ nay cũng có những gam màu cam sáng. Như vậy, qua việc dùng màu sắc ở các công trình kiến trúc Huế, có thể xác định trong lịch sử người Việt - Chăm đã có những tác động văn hoá qua lại với nhau, mà màu cam là một trong những biểu hiện của mối quan hệ đó.
Một điều dễ nhận thấy là hầu hết các kiến trúc thời Nguyễn với cấu kiện gỗ chiếm vị trí quan trọng, đều được sơn son, thếp vàng và trở thành trang trí chủ đạo của kiến trúc cung đình. Tự thân sơn son thếp vàng đã đủ tạo nên ánh sáng có cường độ phản chiếu cao, làm cho mỗi chi tiết kiến trúc thêm ấn tượng với vẻ rực rỡ, nhưng vẫn sâu thẳm, tôn nghiêm. Như vậy, sự hình thành màu sắc kiến trúc với những biểu hiện thẩm mỹ riêng biệt có cội nguồn từ đời sống tinh thần của người Huế, của thiên nhiên sông nước và điều kiện địa lý khác của dải đất miền Trung là biểu hiện tập trung của “thiên nhân tương dữ”, của mối quan hệ “Thiên - Địa - Nhân”. Từ màu sắc, có thể hiểu cả một phong cách, xu hướng thẩm mỹ và những giá trị nguyên thủy bản chất của truyền thống mỹ cảm dân tộc.
Yếu tố tạo hình - hình khối
Trong nhiều yếu tố vật chất, thẩm mỹ tạo nên diện mạo của một công trình, quần thể kiến trúc thì yếu tố tạo hình trong kiến trúc với những giá trị hài hoà đã tạo nên những giá trị thẩm mỹ nhất định. Ngày trước, ông cha ta đã rất coi trọng tính tạo hình trong kiến trúc, như các cột kinh đá chạm hoa sen thời tiền Lê, người quỳ đỡ hoa sen trong kiến trúc thời Trần… đến thời Nguyễn đã có bước chuyển đổi sâu sắc về tạo hình và sự hình thành mối quan hệ đa chức năng của tạo hình và kiến trúc.
Hình khối bộ mái kiến trúc của triều Nguyễn là mái thẳng, gần gũi với kết cấu mái của kiến trúc Trung Hoa và Nhật Bản những thế kỷ XVI-XVIII. Nhưng quan trọng là sự gợi tưởng tạo hình đã đem lại những cảm nhận khác lạ và phong phú của bộ mái. Kiến trúc Huế bản chất là mái thẳng, kết cấu chiều hướng, tạo dáng…, đường nét thanh nhã phù hợp với những cấu kiện gỗ hướng đến chiều cao được xác định phù hợp với tỷ lệ, tình cảm và suy tưởng thẩm mỹ - thực dụng của người Huế.
Mặc dầu kiến trúc Nguyễn có cột bé nhỏ hơn miền Bắc thời hậu Lê, nhưng độ dốc của mái và khoảng biểu hiện của các vì kèo có nhiều nét như lỗ chạm đục xuyên thoáng ánh sáng và không khí, sự đan xen của các chất liệu và thủ pháp tạo dựng khối, nét, bố cục, nhịp điệu tạo hình trong kiến trúc. Vì thế, kiến trúc cung đình Huế đã chứng tỏ ẩn tàng tinh tế chức năng chịu lực của các cấu kiện gỗ. Trong không gian nội, ngoại thất của kiến trúc cung đình triều Nguyễn, con người không bị chế ngự tâm lý, cảm thấy bé nhỏ mà ngược lại, cảm nhận về môi trường, không gian kiến trúc trở nên mẫn cảm và sâu sắc hơn, gần gũi hơn.
Đặc biệt, trong những bề mặt của khối hình kiến trúc được khảm sành sứ dày đặc phối màu đa sắc nóng lạnh, không chỉ làm tăng giá trị thực dụng, thẩm mỹ của kiến trúc mà còn nhấn mạnh vai trò của từng không gian kiến trúc với những biểu hiện tâm linh, cốt cách, tâm hồn của chủ nhân công trình. Điều này chỉ đến thời Nguyễn mới được hiện ra một cách đậm nét qua các công trình như: nội thất điện Khải Thánh, cổng Chương Đức, cổng Hiển Nhơn, Thái Bình lâu, cung Trường Sanh… Khảm sứ đã làm cho những khối kiến trúc vốn dĩ nặng nề khô cứng trở nên hài hoà mềm mại, gợi cảm hơn. Mặt khác, lối tạo hình bề mặt ngoại thất của các công trình kiến trúc như: Thế miếu, Hưng miếu, Triệu miếu, lăng Gia Long… với những khối lồi lõm âm dương, những nét, mảng va đập đan xen và những mảng màu phân giải chính phụ, nóng lạnh phảng phất một sự liên tưởng sâu xa đến cấu trúc tạo hình của người Chàm. Rõ ràng, sự hài hoà giữa kiến trúc và tạo hình thời Nguyễn phản ánh mối giao hoà tâm lý “Thiên - Địa - Nhân” sâu sắc của người Huế. Tạo hình trong kiến trúc đã làm gần lại sự hoà hợp giữa kiến trúc và con người. Nghệ thuật thời Nguyễn không chỉ kế thừa truyền thống dân tộc mà còn tiếp thu tinh hoa, hạt nhân thẩm mỹ tích cực trong nghệ thuật Chàm, Trung Hoa, và giai đoạn sau là những yếu tố tạo hình Baroque quen thuộc trong văn hoá, mỹ thuật phương Tây, nói riêng là mỹ thuật cung đình Pháp những thế kỷ trước.
Song song tồn tại với mỹ thuật cung đình là mỹ thuật dân gian. Những đình làng phổ biến xung quanh Huế như: đình Kim Long, Lại Thế, Dương Nỗ… có rất nhiều nét nghệ thuật gần với kiến trúc cung đình; ở đó, có sự giao lưu chuyển hóa cho nhau. Ngoài ra, đình làng Lại Thế so với nhà của đại quý tộc Tôn Thất Hân ở cùng làng là rất giống nhau; nó cùng loại với kiến trúc tiêu biểu của Huế được gọi là nhà rường. Về kỹ thuật, kết cấu kiến trúc nhà rường rất gần với cung điện của vua. Chính ở đó, chúng ta nhận thấy kiến trúc cung đình được bắt nguồn từ kiến trúc nhân dân; cùng là thành tựu của những nhóm thợ tài năng với những mẫu hình về kiến trúc. Chính họ là cái gạch nối giữa mỹ thuật cung đình và mỹ thuật dân gian.
Trong các vùng phụ cận Huế, những người thợ thủ công mỹ nghệ tài hoa trên các lĩnh vực chạm khảm, xà cừ, thêu gấm… đã có công không nhỏ trong việc chạm khảm thành quách, lăng tẩm của cung đình, thêu gấm trang phục, nội thất của vua chúa. Chính mỹ thuật dân gian đã phả vào mỹ thuật cung đình một sức sống mới; đến lượt mình, mỹ thuật cung đình trang nhã, trang trọng tác động trở lại khiến cho mỹ thuật dân gian thêm phần sinh động. Chính sự tương tác bổ sung đó đã tạo cho mỹ thuật Huế sức sống bền bỉ và mang trong mình những giá trị văn hóa lớn lao.